Trường vùng biên thay áo mới

GD&TĐ - Những ngôi trường, phòng học tạm bợ bằng tranh tre nứa lá giờ đây chỉ còn trong ký ức. Nhiều trường học nơi vùng cao, miền biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã được thay diện mạo mới, khang trang và kiên cố.

Cô Ngân Thị Thướng chơi cùng trẻ ở điểm lẻ Cha Lung khi cơ sở chưa được đầu tư, xây dựng.
Cô Ngân Thị Thướng chơi cùng trẻ ở điểm lẻ Cha Lung khi cơ sở chưa được đầu tư, xây dựng.

Ký ức về những ngôi trường tạm bợ

Năm 2019, cô Ngân Thị Thướng được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thanh thuộc xã biên giới Tam Thanh (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

“Giờ đây, ngôi trường mới đã kiên cố, sạch đẹp và đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho cô trò chúng tôi dạy và học. Chấm dứt nỗi trăn trở, lo lắng thường trực trước đây, thay vào đó là niềm hạnh phúc khôn tả của cô và trò”, cô Thướng xúc động nói.

Ngày đầu về nhận công tác, cô Thướng không thể nào quên hình ảnh các em nhỏ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong những phòng học tạm bợ bằng tranh tre nứa lá.

“Tròn 23 năm công tác trong ngành Giáo dục, đi qua biết bao kỷ niệm vui, buồn. Thế nhưng, khoảnh khắc lắng đọng trong tim tôi có lẽ là hình ảnh của cô, trò tại điểm lẻ xa nhất trường khi tôi đến thăm ngày mới về công tác. Tôi nhớ lúc ấy đang ở tiết thu tháng 9 se lạnh.

Điểm trường được đặt trên một ngọn đồi, tách biệt với nhà dân. Phòng học làm bằng tranh tre nứa lá, không có điện thắp sáng và không có đồ chơi hiện đại nào cho các con vui chơi. Bên trong lớp học cũng không có đầy đủ thiết bị phục vụ công tác nuôi dạy trẻ. Bên ngoài, cô và trò đang chơi trò bập bênh với vật liệu chỉ bằng hai cây luồng được phụ huynh ghép thành cầu”, cô Thướng chia sẻ.

Trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất, nhiều phòng học còn tạm bợ, đời sống cán bộ, giáo viên gặp nhiều khó khăn, cô Ngân Thị Thướng không khỏi trăn trở.

“Đối mặt với khó khăn, thiếu thốn bộn bề… đã thôi thúc tôi nỗ lực hơn từ việc làm tốt công tác chuyên môn cho tới tuyên truyền. Để từ đó, có nhiều người hơn nữa cảm thấu được nỗi vất vả của cô trò nhà trường, cũng như người dân nơi đây. Lúc đó, tôi không ngừng hy vọng vào một ngày sớm nhất, các con sẽ được học tập, vui chơi dưới mái trường kiên cố, sạch đẹp và có đầy đủ tiện nghi cần thiết”, cô Thướng bộc bạch.

Cô Ngân Thị Thướng cùng giáo viên và phụ huynh dựng hàng rào Trường Mầm non Tam Thanh.
Cô Ngân Thị Thướng cùng giáo viên và phụ huynh dựng hàng rào Trường Mầm non Tam Thanh.

Cũng như cô Thướng và những giáo viên “cắm bản”, ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã đi qua biết bao chuyện vui, buồn những ngày còn “cầm phấn”.

Những năm tháng giảng dạy tại Trường THCS Giao An (xã Giao An, huyện Lang Chánh) trước khi về công tác tại Phòng GD&ĐT huyện, thầy giáo Lê Minh Thư mãi không quên ngày đầu mới về trường công tác.

“Xã Giao An trước kia là vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện. Ngày đầu về công tác, chúng tôi phải đi bộ 3 giờ đồng hồ để vượt quãng đường hơn 11 km. Khi đến nơi, tôi nhìn mãi cũng không biết trường nằm ở đâu, hỏi bà con mới chỉ lên trên đồi. Trong trí nhớ của tôi, đó là ngôi trường mái lá đơn sơ lợp bằng lá tranh, vách nứa.

Cuộc sống giáo viên ngày ấy vô cùng vất vả, với tháng lương đầu tiên chỉ 40.000 đồng. Thế nhưng, mình đã lựa chọn nghề chứ không phải nghề chọn mình, nên tôi luôn suy nghĩ tích cực”, ông Thư nói.

Theo ông Thư, ngày ấy không chỉ đời sống giáo viên chật vật, mà cuộc sống của người dân nơi đây cũng thiếu thốn bộn bề. Vì vậy, học sinh đi học rất ít, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều. Vì vậy, hàng ngày ngoài dạy học trên lớp, giáo viên còn phải lặn lội vào trong bản để vận động các em đến trường lớp, mở lớp phổ cập xóa mù chữ, vận động bà con quan tâm đến việc học hành của con em.

“Vậy là từ đó, phong trào học tập ở đây đi lên, mọi người ai cũng gọi tôi bằng tiếng địa phương là “Sầy Thư” - nghĩa là thầy Thư”, ông Thư vui vẻ nói.

Ông Lê Minh Thư cùng nhà tài trợ khởi công xây dựng điểm lẻ mầm non, tại bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Ông Lê Minh Thư cùng nhà tài trợ khởi công xây dựng điểm lẻ mầm non, tại bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Gian nan “gieo chữ” ở vùng cao

Với các thầy, cô giáo “cắm bản”, hành trình gieo chữ ở vùng cao phải trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Đó là hành trình lấp lánh những giọt mồ hồi, thấm đẫm vào núi rừng. Nhưng đổi lại, đó là niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ học trò.

Cô Thướng cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ và duy trì hoạt động của các điểm trường, nhiều thầy, cô giáo phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí tạm gác lại cả hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao.

“Đó chính là tấm gương của cô giáo Lữ Thị Hằng, Lò Thị Ngọc và Lò Thị Nga, Trường Mầm non Tam Thanh. Để chuẩn bị cho tuần học mới, các cô phải thức dậy thật sớm, vượt qua quãng đường từ xã Sơn Hà để tới điểm trường Mầm non bản Ngàm (xã Tam Thanh).

Quãng đường vào điểm trường dài gần 20km, trời nắng có thể đi lại dễ dàng, nhưng phải là người cứng tay lái và quen đường. Còn nếu lỡ trời mưa thì đường trơn trượt, có khi phải bỏ xe đi bộ”, cô Thướng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo cô Thướng, giáo viên mầm non còn phải chịu nhiều áp lực. Các cô lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trò và cũng là người xử lý những tình huống hay gặp của trẻ, như: Quấy phá, lười ăn, mắc các dấu hiệu tự kỷ…

“Đặc biệt, khác các cấp học khác, giáo viên mầm non không chỉ có nhiệm vụ dạy dỗ, mà còn chăm sóc, nuôi dưỡng. Đối với lớp nhỏ, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh… đều đến tay các cô”, cô Thướng nói.

Trên cương vị là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, ông Thư thấu hiểu những khó khăn trên hành trình “gieo chữ” đến các em vùng cao. Khó khăn đầu tiên mà thầy cô dưới xuôi lên đều đối mặt là học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, do đó, việc thông thạo tiếng phổ thông đối với nhiều em còn hạn chế.

“Nhiều em nói tiếng phổ thông chưa thạo, dẫn đến việc chuyển tải kiến thức, tiếp nhận kiến thức gặp nhiều khó khăn. Các em thiếu học liệu để phục vụ cho việc học tập, chưa tạo được phong trào học tập, phương pháp kỹ năng học tập còn thiếu…”, ông Thư nói.

Trong khi đó, cuộc sống của giáo viên chủ yếu sống dựa vào đồng lương, một số thầy, cô giáo đã phải làm thêm nghề buôn bán, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Với những thầy, cô không làm thêm nghề gì được thì cuộc sống vô cùng khó khăn.

Vất vả là điều dễ nhận thấy nhưng “Vì trách nhiệm và trên hết là vì học sinh thân yêu, các thầy cô đã vượt qua khó khăn, tập trung vào chuyên môn, đổi mới phương pháp để chuyển tải kiến thức đến cho các em. Học sinh có kiến thức, kỹ năng… thầy, cô giáo đã vơi đi những nhọc nhằn”, ông Thư bộc bạch.

Khánh thành điểm trường ở thôn Cú Tá, Trường Tiểu học & THCS Tam Văn (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Khánh thành điểm trường ở thôn Cú Tá, Trường Tiểu học & THCS Tam Văn (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Giúp trò yên tâm học tập

Trước những khó khăn bộn bề nơi vùng cao, là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, ông Thư luôn trăn trở đi tìm và mong muốn mở ra một cánh cửa mới để giáo dục địa phương phát triển.

Ông Thư đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện cụ thể bằng các Nghị quyết, Đề án phát triển giáo dục trên địa bàn huyện… Cũng từ đó được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu về trường, lớp học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.

Bên cạnh đó, ông Thư còn kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện chung tay chia sẻ khó khăn với trường học vùng cao.

Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm hay tin đã đầu tư nhiều phòng học, nhà vệ sinh cho các trường vùng sâu, xa tại trường mầm non, tiểu học xã Yên Khương; xã Yên Thắng; Lâm Phú; Trường Tiểu học - THCS Tam Văn; xã Đồng Lương... với tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 40 tỷ đồng.

Theo ông Thư, huyện Lang Chánh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục – xóa mù chữ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 83,87%. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THCS, THPT đạt trên 96%. Hàng năm, đều có học sinh đậu trường tốp đầu của tỉnh.

Ngoài ra, số học sinh đậu đại học, cao đẳng hàng năm tăng cao, trong đó có nhiều em đỗ vào các trường đại học tốp đầu của cả nước là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với Trường Mầm non Tam Thanh (huyện Quan Sơn), diện mạo ngôi trường mới cũng dần thay đổi nhờ sự quan tâm của các cấp và hỗ trợ từ phía các nhà hảo tâm.

Theo cô Thướng, trong năm học 2021 – 2022, nhà trường được Công ty Cổ phần phát triển nhà số 5 Hà Nội phối hợp với các đơn vị xây dựng và trao tặng ngôi trường, tổng diện tích xây dựng là 390m2.

Ngoài sân trường có mái che 210m2, trên diện tích khu đất khoảng 1.200m2 các công trình lần lượt xây dựng: 5 phòng học có khu vệ sinh riêng, 1 phòng hiệu bộ, khu bếp, khu vệ sinh chung, sân vườn khu vui chơi, kè đá tường rào bao quanh trường cùng các trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho việc học tập sinh hoạt… Tổng kinh phí đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng.

Anh Hà Văn Mừng, ở bản Cha Lung, xã Tam Thanh có con học ở điểm trường (Trường Mầm non Tam Thanh), chia sẻ: “Do đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, không có tiền đóng góp, nên mọi người đều góp công, góp vật liệu tranh, tre, luồng... để dựng phòng học cho các con”, anh Mừng bộc bạch.

Cũng theo phụ huynh Hà Văn Mừng, từ khi cô Ngân Thị Thướng về công tác đã làm thay đổi diện mạo của ngôi trường này. Từ một điểm trường lẻ nhà tranh, vách nứa, trẻ không có đồ chơi, các cô giáo và phụ huynh phải “sáng chế” đồ chơi bằng tre, luồng. Mùa nắng thì phòng học nóng như nung, mùa đông lạnh co người, có khi phải đốt lửa cho các con sưởi ấm... nay đã thay da đổi thịt. “Nếu không có sự nhiệt tình, tâm huyết và yêu mến trẻ của các cô giáo, thì điểm trường này còn lâu mới thay đổi. Chúng tôi yên tâm khi con em được học ở ngôi trường khang trang, hiện đại”, anh Mừng chia sẻ

Cảm kích và biết ơn những tấm lòng thiện nguyện của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cơ sở vất chất cho 2 điểm trường, thầy Tống Văn Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Tam Văn (Lang Chánh) - nói: Trường có 2 điểm lẻ (Bản Phá và thôn Cú Tá). Hai điểm trường này xuống cấp nghiêm trọng. Học sinh tại đây phải học tập trong điều kiện khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, mùa đông. Ngoài ra, các em còn thiếu thốn rất nhiều dụng cụ học tập. Trước thực trạng đó, để học sinh có nơi học ổn định, Trưởng phòng Lê Minh Thư đã đấu mối, kết nối với các nhà hảo tâm, hỗ trợ 1,3 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa cho hai điểm trường. Giờ đây, học sinh ở 2 điểm trường được học tập trong ngôi trường khang trang.

Theo ông Thư, huyện Lang Chánh có khoảng 450 giáo viên từ vùng đồng bằng, thành thị lên miền núi công tác trong lĩnh vực giáo dục. Các thầy, cô giáo đã bỏ phía sau nơi phồn hoa thị thành, để đến với vùng cao cống hiến và ở lại gắn bó với nơi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.