Triển khai Mô hình Trường học mới: Bài học từ ngôi trường vùng biên

GD&TĐ - Từ năm học 2013 – 2014, Trường Tiểu học Hải Tiến (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu triển khai dạy và học theo Mô hình Trường học mới (VNEN) theo sự phân công của Sở GD&ĐT. 

Triển khai Mô hình Trường học mới:  Bài học từ ngôi trường vùng biên

Trải qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, từ điều kiện cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng của giáo viên lẫn học sinh, cho tới sự hoài nghi của các bậc phụ huynh…; đến nay, những hiệu quả mang lại ngày càng rõ rệt, làm thay đổi hoàn toàn chất lượng GD của nhà trường, đặc biệt trong đó phải kể đến sự tiến bộ trông thấy của các em HS, không chỉ về phương diện học tập.

Đổi mới quản lý, chỉ đạo thực hiện

Ngay từ năm đầu tiên tham gia dự án, lãnh đạo nhà trường đã nghiên cứu kĩ các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường đã xác định để có được thành công khi thực hiện, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư và trong đội ngũ nhà giáo. 

Lãnh đạo nhà trường đã trực tiếp báo cáo với Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã Hải Tiến về việc triển khai dạy thí điểm Mô hình Trường học mới VNEN; tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu được mục đích, ý nghĩa của Mô hình VNEN bằng nhiều hình thức: Phát tin tuyên truyền trong cộng đồng, tuyên truyền qua các cuộc họp cha mẹ học sinh, cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường… đến nay tư tưởng của giáo viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã đã thay đổi, tất cả đều nhận thấy việc thay đổi phương pháp dạy học mới của nhà trường hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Việc thành lập Ban chỉ đạo mô hình cấp trường và xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể đến từng tổ chuyên môn, từng giáo viên đã giúp giáo viên nắm bắt kịp thời các văn bản chỉ đạo các cấp đồng thời có định hướng đúng đắn trong suốt quá trình thực hiện. Sau gần 3 năm thực hiện, nhà trường đã tổ chức 5 đợt tập huấn chuyên môn và 30 chuyên đề cấp trường, 6 chuyên đề cấp thành phố, 3 chuyên đề cấp cụm huyện VNEN. 

Sau mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn, cán bộ quản lý và giáo viên có cơ hội cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và dạy học theo đúng tinh thần Mô hình Trường học mới Việt Nam.

Kinh nghiệm từ công tác tổ chức lớp học

Vào đầu tháng 8 hằng năm, nhà trường tập trung học sinh, phân công giáo viên phụ trách lớp và hướng dẫn giáo viên tổ chức cho học sinh bầu Hội đồng tự quản, bầu các ban, các nhóm trưởng và tiến hành tập huấn lại cách điều hành hoạt động cho các thành viên học sinh. 

Các em được đề cử và ứng cử các chức vụ tự quản lớp và phải trình bày nội dung tranh cử trước lớp (nếu một chức vụ có từ 2 người được đề cử hoặc ứng cử trở lên). Do triển khai nghiêm túc các bước tiến hành tổ chức lớp học nên đến thời điểm hiện tại, đa số học sinh trong một lớp VNEN đều có khả năng làm nhóm trưởng, các em rất tự tin, thành thạo điều hành nhóm nghiên cứu, thảo luận, chia sẻ các hoạt động học tập, tạo cho mỗi giờ học không còn nhàm chán mà mang lại hiệu quả hơn.

Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị không gian học tập cho học sinh, đây là một trong những điểm mới của mô hình. Bàn ghế được sắp xếp cho học sinh ngồi học theo nhóm cố định. 

Công tác trang trí lớp được triển khai đồng bộ với nội qui, 10 bước học tập, sơ đồ Hội đồng tự quản, các hòm thư, các góc học tập, góc cộng đồng, bản đồ cộng đồng. Việc thực hiện trang trí lớp học đảm bảo hiệu quả. 100% lớp học VNEN được trang trí đẹp, khoa học và phù hợp với không gian lớp học và thực tế của địa phương nên đã thực sự gây hứng thú trong học tập cho HS và tạo không khí lớp học vui tươi, thoải mái.

Nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học

Xác định yếu tố đội ngũ là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đổi mới phương pháp, Ban giám hiệu nhà trường đã luôn coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên. Trước mỗi giờ lên lớp, mỗi giáo viên đều phải viết nhật ký giờ học để rút kinh nghiệm và lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh hoạt động trên lớp sao cho phù hợp. 

Nhờ vậy, đến năm học 2014 - 2015 về cơ bản, các đồng chí giáo viên đã vận dụng chắc chắn 5 bước dạy của GV và 10 bước học của học sinh. Hoạt động ở qui mô lớp học thành quy mô nhóm.

Học sinh từ làm việc với giáo viên thành làm việc với sách, có sự tương tác với bạn, có sự trợ giúp của giáo viên (khi cần thiết). Hoạt động học của học sinh được diễn ra nhẹ nhàng hiệu quả. Nhiều giáo viên tiêu biểu trong thực hiện Dự án như: Cô giáo Phạm Thị Bích Phượng, Đinh Thị Lan, Hoàng Thị Hậu, Phạm Thúy Vân, Trương Thị Thu, Phạm Thị Hoa… 

Chất lượng học sinh từng bước tăng lên một cách vững chắc, hàng năm tỷ lệ học sinh chuyển lớp chiếm 99 - 99,6% đặc biệt các em học sinh sau mỗi năm học được rèn thêm tính tự tin, khả năng phân tích tổng hợp và kĩ năng sống tốt hơn trong mọi hoạt động.

Bên cạnh đó, để phát huy tính chủ động của giáo viên, Ban giám hiệu giao quyền tự chủ về chương trình, kế hoạch dạy học cho giáo viên, tự vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế và đối tượng HS. Ban giám hiệu cùng sinh hoạt chuyên môn với giáo viên các lớp thực nghiệm, dự giờ, khảo sát kết quả, nghiên cứu tài liệu tập huấn, sách hướng dẫn học các môn của học sinh để nắm bắt và chỉ đạo kịp thời.

Sau hơn 2 năm thực hiện dự án đại đa số học sinh trong các lớp VNEN đã có khả năng tham gia đánh giá bạn, tự đánh giá bản thân các em linh hoạt và sẵn sàng giúp đỡ các bạn, hỗ trợ giáo viên trong việc kiểm tra kết quả học tập đặc biệt là các nhóm trưởng. Những thành công bước đầu tại Trường Tiểu học Hải Tiến là một minh chứng ghi nhận tính hiệu quả của mô hình này.

Bài học kinh nghiệm được đưa ra là: Cần làm tốt tham mưu với các cấp lãnh đạo, tạo được sự đồng thuận từ cấp ủy chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh; Tăng cường hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú và sinh động khác nhau nhằm thay đổi nhận thức cũng như hiểu biết về Mô hình VNEN.

Từ đó cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng cũng như chính quyền địa phương quyết tâm, khắc phục khó khăn, sáng tạo áp dụng mô hình; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát theo xu hướng đổi mới phù hợp với thay đổi căn bản hoạt động dạy học và giáo dục mô hình. 

Phát hiện và động viên, học tập kịp thời các cá nhân có hoạt động tốt và ảnh hưởng, tác động tích cực tới mô hình; Phát huy vai trò của giáo viên trong việc triển khai và làm thay đổi tích cực các hoạt động và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ