Trường vùng biên gặp khó vì thiếu nhân viên y tế

GD&TĐ - Mỗi trường đều có một tủ thuốc, nhưng lại không có nhân viên y tế để thăm khám cho học sinh khi cần.

Giáo viên Trường Mầm non Nậm Chà kiểm tra sức khỏe cho trẻ.
Giáo viên Trường Mầm non Nậm Chà kiểm tra sức khỏe cho trẻ.

Có lần học trò bị ốm, thầy cô phải xuyên đêm vượt cả trăm km để kịp đưa đến viện…

Xuyên đêm đưa trò đi viện

Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có gần 300 học sinh. Trong đó có 224 em ăn, ở bán trú tại trường.

Thầy Cao Hồng Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, chỉ trong thời gian ngắn (từ đầu năm đến nay) đã có hàng chục học sinh cùng giáo viên nhà trường bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, do không có nhân viên y tế học đường nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai công tác điều trị, cách ly y tế.

“Các thầy, cô giáo lại phải làm nhiệm vụ thay nhân viên y tế chăm sóc các em dù không được đào tạo về chuyên môn. Trạm Y tế xã cũng có hỗ trợ nhưng do dịch bùng phát mạnh, thiếu trang thiết bị, thuốc nên nhà trường rất vất vả trong công tác phòng, chống dịch”, thầy Thanh cho biết.

Năm học trước, nhà trường có 1 học sinh bị đau bụng giữa đêm. Nhưng do không có nhân viên y tế nên nhà trường đã đưa em ra Trạm Y tế xã để thăm khám. Thời gian đi lại, khám bệnh mất cả tiếng đồng hồ.

“Đến nơi, Trạm Y tế lại không có thuốc để điều trị, thầy cô lại phải bắt xe đưa cháu lên bệnh viện tỉnh để chữa trị. Nếu mà lúc đó nhà trường có nhân viên y tế, chẩn đoán được bệnh tình của học sinh thì chúng tôi đã có phương án đưa em ấy đi thẳng ra bệnh viện tỉnh”, thầy Thanh tâm sự.

Giống như trường THCS, việc phải thuê xe chở học sinh vượt tuyến đi bệnh viện đối với thầy cô Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Pì cũng không còn là chuyện hiếm gặp.

Thầy Nguyễn Xuân Thành - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Gần như năm nào nhà trường cũng có học sinh bị ốm. Những lúc như thế, chúng tôi có gọi điện cho trạm y tế cơ sở để thăm khám cho cháu. Nhưng do lực lượng y tế cơ sở còn ít, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên chúng tôi đã thuê xe đưa các cháu ra Mường Lay hoặc lên Bệnh viện tỉnh Lai Châu chữa trị”.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Pì, hiện có 383 học sinh. Trong đó có 162 học sinh thuộc diện được ăn, ở bán trú tại trường. Công tác chăm lo sức khỏe cho học sinh được giao cho những giáo viên “tay ngang” làm nhiệm vụ y tế.

“Mặc dù, thầy cô rất trách nhiệm, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chúng tôi mong muốn có 1 nhân viên y tế, được đào tạo đúng chuyên môn. Khi đó, sẽ kịp thời theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh những lúc ốm đau”, thầy Thành bày tỏ.

Thiếu nhân viên y tế, giáo viên “tay ngang” kiểm tra sức khỏe cho trò.
Thiếu nhân viên y tế, giáo viên “tay ngang” kiểm tra sức khỏe cho trò.

Nhiều trường “trắng” nhân viên y tế

Nhân viên y tế trường học có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh cũng như phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nhiều trường học trên địa bàn huyện biên giới Nậm Nhùn không có nhân viên y tế. Vấn đề này gây không ít khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ giáo dục cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường.

Năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 31 trường học, gần 10 nghìn học sinh thuộc các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở do Phòng GD&ĐT huyện quản lý. Tuy nhiên, hiện toàn huyện mới có 6 nhân viên y tế trường học, đáp ứng khoảng 19% nhu cầu thực tế tại các trường.

Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ninh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn - cho biết: Toàn ngành Giáo dục huyện được giao 47 viên chức ngoài giáo viên, bao gồm cả kế toán, thư viện và y tế trường học. Nếu tuyển toàn bộ nhân viên y tế cho các trường thì các bộ phận như kế toán, thư viện lại phải giảm đi. Việc tuyển dụng cũng khó khăn bởi chế độ đãi ngộ, lương thưởng cũng không cao nên khó thu hút được nhân lực.

“Hiện nay, cách giải quyết đối với y tế học đường là nhà trường phối hợp với các trạm y tế cơ sở, trung tâm y tế trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Phòng GD&ĐT cũng mong muốn được bổ sung biên chế, có chính sách thu hút để có thể tuyển dụng được nhân viên y tế trường học cho các trường trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Ninh cho biết thêm.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Nậm Chà cũng không có nhân viên y tế học đường. Trường có 574 học sinh, có 1 điểm trường trung tâm và 6 điểm bản. Có những điểm trường cách xa Trạm Y tế xã hơn 20km.

Thầy Lê Đình Chuyền - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Nhà trường có 274 học sinh bán trú tại điểm trường trung tâm nên rất cần có y tế học đường để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh”.

Còn cô Đinh Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chà - cho biết: “Chúng tôi có 337 trẻ, học tại 7 điểm trường. Việc không có nhân viên y tế khiến cho các cô lại thêm phần vất vả, nhất là trong mùa dịch. Giáo viên vừa chăm sóc, cho trẻ ăn ngủ lại phải kiêm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế”.

Theo ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, nhân viên y tế trường học có vai trò quan trọng trong tổ chức hoạt động tiêm chủng, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, xà phòng rửa tay trong các trường học. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ông Vũ Tiến Hóa chia sẻ: “Vai trò của y tế trường học rất quan trọng. Nhưng hiện tại lại không có biên chế. Các biên chế chủ yếu ưu tiên cho giáo viên để phát triển giáo dục. Chúng tôi xin kiến nghị liên Bộ: Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, xin ý kiến Chính phủ về biên chế y tế học đường để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, thầy cô”.

Cũng theo ông Vũ Tiến Hóa, việc có những người có chuyên môn về dinh dưỡng trong trường học sẽ đảm bảo phát triển chiều cao, cân nặng cho học sinh, nhất là học sinh vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ