Sơn La: Thiếu nhân viên y tế trường học, thầy cô hóa "thiên thần áo trắng"

GD&TĐ - Thiếu nhân viên y tế, các trường ở huyện vùng cao Sông Mã (Sơn La) đã phải tự xoay xở mỗi khi cần thiết. Ngoài viên phấn, tấm bảng, giờ đây thầy cô còn phải "nhập vai" bác sỹ.

Một buổi học của học sinh mầm non thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã.
Một buổi học của học sinh mầm non thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã.

Vào vai “thiên thần áo trắng”

Trường Mầm non Ban Mai (xã Huổi Một, huyện Sông Mã) có 745 em theo học ở 26 nhóm lớp. Ở đây chưa có nhân viên y tế học đường. Vì vậy, việc sơ cứu tạm thời cho trẻ đều do giáo viên đảm nhiệm.

Cô Vũ Mai Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết :“Trước đây có một số trường học trên địa bàn huyện có kí hợp đồng với nhân viên y tế. Tuy nhiên, những năm gần đây do tinh giản biên chế nên không có nhân viên y tế chuyên trách. Nhân viên y tế học đường từng có đã được điều chuyển sang công tác tại Trạm y tế xã, thị trấn.”

“Nhà trường cũng có tủ thuốc và giáo viên đã được tập huấn về nghiệp vụ y tế, song họ không có kiến thức chuyên sâu. Các cô chỉ có thể sơ cứu ban đầu như vệ sinh vết thương. Các trường hợp nặng phải chuyển lên tuyến trên. Trong khi học sinh mầm non thường hiếu động nên quá trình chơi đùa rất dễ xảy ra tai nạn, thương tích. Hay như cho trẻ ăn có thể bị hóc, nghẹn,... Mỗi khi gặp tình huống như vậy chúng tôi cũng rất lo lắng”, cô Lan nói thêm.

Thầy Nguyễn Quốc Tú - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Đứa Mòn (huyện Sông Mã) cho biết: Năm học này trường có 547 học sinh. Trong số đó có 377 em diện bán trú. Ở đây lại không có nhân viên y tế chuyên trách. Bởi vậy, trường phải thường xuyên phối hợp với Trạm y tế để xử lý những tình huống phát sinh.

“Chúng tôi phân công thành viên trong Ban Giám hiệu phụ trách mảng y tế. Người này sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Trạm y tế xã, định kỳ nhờ cán bộ chuyên môn hỗ trợ trường phân loại thuốc. Các loại thuốc được trang bị đều phải ghi rõ và có hướng dẫn để sử dụng ở những tình huống thông thường như: bị đau bụng, đau đầu, sốt,… Biết như vậy là mạo hiểm, song giáo viên vẫn phải kiêm nhiệm.  Còn trường hợp các em có biểu hiện nặng thì chúng tôi sẽ chuyển lên tuyến trên”. 

Do không có cán bộ y tế chuyên trách nên giáo viên các trường kiêm luôn vai "thầy thuốc"
Do không có cán bộ y tế chuyên trách nên giáo viên các trường kiêm luôn vai "thầy thuốc"

Cần có nhân viên y tế chuyên trách...

Huyện Sông Mã có 17/53 trường tổ chức bếp ăn bán trú. Trong đó, có 12 trường phổ thông bán trú. Ở đây có những điểm trường xa trung tâm chừng 20 – 30km đường rừng. Theo Nghị quyết HĐND tỉnh, các trường đã thực hiện chương trình phối hợp với Trạm y tế xã trong việc đảm bảo y tế học đường song vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh.

“Có những điểm xa, cách trung tâm gần chục cây số. Đơn cử như ở xã Đứa Mòn chẳng hạn. Hay như một số nơi cách xa 20 cây số. Theo chương trình phối hợp, cán bộ y tế hỗ trợ nhà trường kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú, thực phẩm hàng ngày thôi. Họ cũng quán xuyến việc chăm lo sức khỏe học sinh.

Ngày thường đã khó rồi. Cả Trạm y tế chỉ có 5 biên chế, một người phải đi lại tổng vị chi là 40km/1 ngày. Nếu họ làm việc trường thì lại bỏ việc chuyên môn ở Trạm. Bây giờ dịch bệnh phức tạp, họ rất khó đảm đương được công việc ở cả hai nơi do thiếu nhân lực”, ông Nguyễn Công Viên – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã chia sẻ.

Từ những bất cập trên, hơn lúc nào hết, ông Viên mong mỏi trên tinh thần Quyết định số 85 của Thủ tướng Chính phủ về việc "phê duyệt chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 – 2025", các trường bán trú với quy mô từ 200 học sinh trở lên đều được bố trí tối thiểu 1 nhân viên y tế.

“Dù đã phối hợp, song thực tế với những trường có số học sinh đông, rất nhiều tình huống bất lợi xảy ra. Ví dụ như đêm hôm các em gặp vấn đề về sức khỏe tại trường, khi đó có nhờ đến cán bộ y tế thì cũng rất khó để họ có mặt kịp thời trong đêm. Hơn nữa, quãng đường di chuyển lại xa, đường đi khó khăn. Nếu có đưa các em về trạm thì cũng chẳng yên tâm... Vì thế, không có gì tốt hơn là có nhân viên y tế thường trực tại trường”, ông Viên nói thêm.

“Từ điểm trường đến trung tâm y tế xã Huổi Một phải đến 7, 8 km. Đặc biệt, có những điểm trường cách đến gần 10km. Đường thì quanh co, khúc khuỷu nên không thể di chuyển nhanh được. Nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, chúng tôi rất lo ngại quãng đường đi. Nếu như trường được bố trí nhân viên y tế thì phụ huynh cũng an tâm hơn. Cô giáo cũng vững tâm để giảng dạy. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường cũng được đảm bảo hơn”, cô Vũ Mai Lan tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ