Lai Châu: Thiếu nhân viên y tế hoc đường – giáo viên thay thế

GD&TĐ - Vai trò của nhân viên y tế học đường rất quan trọng, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nguồn lực nhân viên y tế trong các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn thiếu.

Nhiều trường học của tỉnh Lai Châu thiếu nhân viên y tế.
Nhiều trường học của tỉnh Lai Châu thiếu nhân viên y tế.

Giáo viên “kiêm” nhân viên y tế

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, vai trò của nhân viên y tế trường học lại càng quan trọng. Anh Bùi Văn Ả, nhân viên y tế trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ka Lăng cho biết: “Bên cạnh việc theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe của học sinh, chúng tôi còn phải hướng dẫn các em cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, cách phòng chống dịch. Bên cạnh đó, trước và sau giờ nấu ăn, chúng tôi phải lấy mẫu thức ăn để kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh”.

Vai trò của y tế học đường là vậy, song nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn thiếu biên chế cho vị trí này.

Nhân viên y tế trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng
Nhân viên y tế trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng lấy mẫu thức ăn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh.

Trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng có 257 học sinh, trong đó có 196 em bán trú. Việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong thời gian ăn ở, học tập tại trường là rất quan trọng. Thế nhưng, trường chưa có nhân viên y tế học đường.

Thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc thiếu nhân viên y tế học đường cũng gặp phải một số khó khăn. Trước mắt, nhà trường bố trí cho thầy cô tập huấn một số biện pháp an toàn phòng chống dịch. Nhà trường bố trí giáo viên trực cổng, đo thân nhiệt để kiểm tra đảm bảo sức khỏe cho học sinh trước khi vào trường”.

Theo thầy Thuấn, đối với các trường hợp ốm đau, nhà trường thường đưa học sinh sang trạm y tế xã để thăm khám sức khỏe.

Trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn cũng không có nhân viên y tế học đường. Hiện, trường có 574 học sinh, trong đó, có có 1 điểm trường trung tâm và 6 điểm bản. Có những điểm trường cách xa trạm y tế xã hơn 20km.

Thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hiện tại, nhà trường có 274 học sinh bán trú tại điểm trường trung tâm nên rất cần có y tế học đường để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Trường có phần thuận lợi khi có một đồng chí bảo vệ từng học qua lớp trung cấp y nên chúng tôi đã động viên đồng chí ấy để giúp đỡ trường trong công tác y tế học đường”.

Giáo viên thay nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của học sinh
Giáo viên thay nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của học sinh

Trường Mầm non Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn cũng chưa có nhân viên y tế học đường. Cô Vi Mai Anh, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Vì không có nhân viên y tế chuyên trách nên việc theo dõi sức khỏe học sinh đều do các giáo viên kiêm nhiệm”.

“Chúng tôi vẫn có phòng y tế, vẫn có tủ thuốc nhưng không có nhân viên y tế. Nhà trường đã cử giáo viên phối hợp với trạm y tế theo dõi sức khỏe học sinh. Nếu như không may có tai nạn xảy ra với các cháu, việc sơ cứu ban đầu sẽ gặp phải khó khăn khi không có chuyên môn” - Nguyễn Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Nậm Nhùn cho biết.

Khó bổ sung biên chế

Theo số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, toàn tỉnh hiện có 346 cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chỉ có trên 180 nhân viên y tế.

Tình trạng thiếu nhân viên y tế học đường là thực trạng chung của nhiều trường học trong tỉnh. Cụ thể như, huyện Nậm Nhùn có 31 trường học từ mầm non đến THCS, nhưng hiện tại chỉ có 6 nhân viên y tế.

Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, toàn ngành được giao 47 viên chức, bao gồm cả kế toán, thư viện thiết bị và y tế trường học.

“Vai trò của y tế học đường là quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Nhu cầu nhân viên y tế là rất cần thiết. Nhưng tổng thể biên chế của huyện cho viên chức ít nên khó bổ sung biên chế y tế học đường” – ông Ninh chia sẻ.

Tình trạng thiếu nhân viên y tế gây khó khăn cho các điểm trường vùng cao nơi xa trạm y tế
Tình trạng thiếu nhân viên y tế gây khó khăn cho các điểm trường vùng cao nơi xa trạm y tế.

Còn tại huyện Mường Tè, trong tổng số 36 trường, chỉ có 19 trường có nhân viên y tế. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị với phòng GD&ĐT để bổ sung biên chế nhân viên y tế cho nhà trường” - thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng nói.

“Hiện nay, cách giải quyết đối với y tế học đường là nhà trường phối hợp với các trạm y tế cơ sở, trung tâm y tế trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh” – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.