Lồng ghép hướng nghiệp vào tiết học
Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông có vai trò quan trọng. Nó giúp nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân học sinh để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, hiện công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông còn chưa thực sự hiệu quả.
Chia sẻ tại Hội thảo kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong trường trung học phố thông (THPT), cô Nguyễn Thị Én - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đức Hợp cho biết, hoạt động giáo dục hướng nghiệp luôn được nhà trường quan tâm và đưa vào Kế hoạch giáo dục ngay từ đầu năm học.
Theo cô Én, trong quá trình triển khai, xây dựng nội dung giáo dục hướng nghiệp, nhà trường từng gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
“Nhà trường chỉ đạo giáo viên các bộ môn Công nghê, Tin học, giáo dục công dân lồng ghép các nội dung giáo dục hướng nghiệp vào tiết học của mình. Phân công giáo viên chủ nhiệm giảng dạy các tiết giáo dục hướng nghiệp.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức một số hoạt động trải nghiệm, phối hợp với một số đơn vị chuyên môn để tổ chức hội thảo, ngày hội hướng nghiệp và đối thoại với các em học sinh về vấn đề này.
Tuy nhiên, các hoạt động trong quá trình triển khai chưa thật sự hiệu quả, nhận thức cũng như hành động của các em về vấn đề này chưa cao…” cô Én cho biết.
Trường THPT Đức Hợp xác định nguyên nhân khiến hoạt động giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả là do nhà trường chưa xây dựng được nội dung giáo dục hướng nghiệp thực sự hấp dẫn, phong phú để đáp ứng yêu cầu chung.
Nội dung giáo dục giảng dạy, tư vấn còn nặng về lý thuyết, ít trải nghiệm thực tế để thuyết phục học sinh. Nhà trường không có giáo viên chuyên trách, được đào tạo bài bản để giảng dạy các tiết học giáo dục hướng nghiệp nên các giáo viên bộ môn phải kiêm nhiệm.
Trong khi để có được bài giảng, bài tư vấn hướng nghiệp hay và hấp dẫn đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết sâu, rộng về các xu hướng nghề nghiệp hiện tại và trong tương lai.
"Bước đi" trong đổi mới
Để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh và khắc phục những hạn chế trên, trường THPT Đức Hợp từng bước đổi mới, xây dựng nội dung hướng nghiệp đa dạng và tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh để giúp các em có sự nhìn nhận, đánh giá để từ đó có sự lựa chọn đúng đắn hơn về các cấp học tiếp theo, các ngành nghề mà mình dự định lựa chọn trong tương lai.
Cụ thể, trường THPT Đức Hợp đa dạng hóa các hoạt động sinh hoạt tập thể, tổ chức nhiều sân chơi, mô hình câu lạc bộ để bên cạnh việc học tập chính khóa.
Hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như: Chương trình sân khấu học đường hoặc chương trình tìm kiếm tài năng học sinh, giải bóng đá học sinh dịp 26/3, thành lập và duy trì các câu lạc bộ TDTT, câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ ghita,… những hoạt động này thu hút nhiều học sinh tham gia. Nhờ đó, phát hiện được nhiều học sinh có năng khiếu TDTT, văn nghệ và tư vấn, định hướng cho các em.
Trường THPT Đức Hợp chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp để giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển năng lực bản thân, cũng như tiếp cận những kiến thức mới và định hướng sớm nghề nghiệp tương lai.
Đơn cử, trường THPT Đức Hợp đã ký kết hợp tác với trường Đại học SPKT Hưng Yên.
Với sự hợp tác này, Trường Đại học SPKT Hưng Yên sẽ cử các đoàn chuyên gia tư vấn về hướng nghiệp, giáo dục STEM, khởi nghiệp; hỗ trợ triển khai công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho giáo viên và học sinh trường THPT Đức Hợp; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên về Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ,...
Bên cạnh đó, trường THPT Đức Hợp cũng chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy hướng nghiệp thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng.
Đồng thời, cùng với các hoạt động truyền thông về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường THPT Đức Hợp tích cực đẩy mạnh các công tác truyền thông về ý nghĩa, vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác giáo dục nghiệp cho học sinh, phụ huynh.
Cô Én chia sẻ: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông hướng tới đối tượng học sinh và các bậc phụ huynh. Để làm sao giúp phụ huynh và các em học sinh hiểu rằng mỗi em học sinh là một cá nhân trong cộng đồng của nhà trường, mỗi cá nhân sẽ có đặc điểm, tâm sinh lý khác nhau và hoàn cảnh khác nhau nên có công việc, ngành nghề khác nhau.
Sau tốt nghiệp sẽ có em học đại học, có em thì theo học nghề. Nên cần phải cho phụ huynh hiểu nghề nào, trình độ đào tạo nào cũng được coi trọng nếu đó là lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh”.
Ngoài các hoạt động trực tiếp, nhà trường còn kết hợp tổ chức livestream tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp giúp học sinh lớp 12 thích ứng với phương án tuyển sinh mới.
Nhà trường phối hợp với các tổ chuyên môn đưa nội dung mới có trong đề án tuyển sinh của một số trường Đại học khu vực phía bắc vào bài giảng hoạt động ngoại khóa để học sinh có thêm kinh nghiệm, sự tự tin, có định hướng trong chọn ngành nghề khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng, lãnh đạo nhà trường đã chủ động, linh hoạt điều kiện, tổ chức tư vấn hướng nghiệp trực tuyến.
Mới đây (ngày 19/4) Sở GD&ĐT Hưng Yên phối hợp với Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức Hội thảo kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong trường trung học phố thông (THPT).
Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - Nguyễn Văn Phê đã thông tin về những kết quả triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức giáo dục hướng nghiệp để năng lực định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT tỉnh Hưng Yên”. Trong đó, thông tin về nhiều hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp tại Hưng Yên và kinh nghiệm đến từ các Sở GD&ĐT tỉnh bạn cho phù hợp, đem lại hiệu quả cho học sinh.
Cùng với đó là vai trò chuyên gia, giáo viên, doanh nghiệp… về thay đổi cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của người học nếu chọn nghề nghiệp không phù hợp.