Phát triển giáo dục hướng nghiệp cho thanh niên theo hệ thống

GD&TĐ - Theo chuyên gia, để phát triển bền vững, hệ thống hướng nghiệp quốc gia cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu trong nước.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tư vấn nghề cho học sinh Trường THPT Lương Tài 2 (Bắc Ninh). Ảnh minh họa.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tư vấn nghề cho học sinh Trường THPT Lương Tài 2 (Bắc Ninh). Ảnh minh họa.

Đảm bảo tính nhất quán hệ thống hướng nghiệp

Các đánh giá về hệ thống hướng nghiệp quốc gia trên toàn cầu đã xác định một tập hợp các yếu tố quy chiếu có thể trở thành mục tiêu để xây dựng hiệu quả một hệ thống hướng nghiệp.

Một đánh giá gần đây về các hệ thống hỗ trợ phát triển nghề nghiệp ở Việt Nam, do ILO thực hiện phối hợp với các tổ chức chính phủ và đối tác xã hội, đã cung cấp nhiều thông tin chi tiết về các ưu tiên đầu tư và hợp tác.

Tiến sỹ Pedro Moreno da Fonseca, Chuyên gia kỹ thuật về học tập suốt đời, ILO Geneva cho rằng, dù không đưa ra một công thức chung để phối hợp hiệu quả các chính sách và dịch vụ, các kinh nghiệm quốc tế cho thấy các bên liên quan chính ở cấp quốc gia cần đạt được thống nhất khung về các lựa chọn chiến lược.

Điều đó phải được thể hiện dưới hình thức một chiến lược hướng nghiệp quốc gia riêng biệt hoặc nằm trong một chiến lược quốc gia khác. Trong đó hướng nghiệp đóng vai trò chủ đạo ví dụ như chiến lược về việc làm, học tập suốt đời.

Việc xác định tầm nhìn chiến lược như vậy sẽ không chỉ giúp mở rộng hỗ trợ cho thanh niên mà còn tạo nền tảng để lồng ghép hỗ trợ suốt đời.

Kết quả đánh giá trên phạm vi quốc gia tại Việt Nam cho thấy, việc xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia (NHRS) trong thời kỳ mới sẽ là cơ hội để đưa hướng nghiệp vào các chính sách chiến lược.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) có vai trò quan trọng nhất.

Để đảm tính nhất quán trong tiêu chuẩn và cung cấp dịch vụ, cũng như chất lượng và hiệu quả tổng thể, Việt Nam cần có một cơ chế phối hợp ổn định. Cơ chế phối hợp này cần được các bên liên quan chính thảo luận và thống nhất để thực hiện hiệu quả.

Cơ chế này có thể tận dụng các tổ chức hiện có, chẳng hạn như Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tương tự như mô hình ở Scotland. Trong đó Cơ quan phát triển kỹ năng Scotland đảm nhận vai trò này và phối hợp thực hiện với các đối tác xã hội.

Các cơ quan đầu mối đó có thể có quyền tự chủ và có trách nhiệm thực hiện vai trò của mình hoặc thực hiện nhiệm vụ quản lý chung của các bộ ngành chính. Thông thường, hoạt động của họ cũng thuận lợi hơn nếu họ được can thiệp vào các nội dung chính trong chính sách về kỹ năng, chẳng hạn như chứng nhận, bằng cấp và công nhận đào tạo.

Ngoài ra, trách nhiệm này có thể được giao cho một cơ quan độc lập, chẳng hạn như Viện nghiên cứu KRIVET trong trường hợp của Hàn Quốc.

Thông thường, để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống, có thể xây dựng, áp dụng khung kỹ năng quản lý hướng nghiệp với mục tiêu hoạt động hướng nghiệp, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục và đào tạo, sử dụng nhất quán các tiêu chuẩn kỹ năng, công cụ và phương pháp đánh giá. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng để phát triển giáo dục hướng nghiệp vững chắc cho thanh niên.

Nâng cao chuyên môn và đào tạo cho giáo viên hướng nghiệp

Báo cáo khuyến nghị xây dựng năng lực với các dịch vụ chính bằng cách tăng cường lồng ghép thông tin thị trường lao động vào các dịch vụ hướng nghiệp và nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân viên. Thành lập các trung tâm quốc gia về thông tin thị trường lao động, đảm bảo chất lượng, phù hợp để sử dụng trong các dịch vụ hướng nghiệp.

Điều này đòi hỏi phải tổng hợp hiệu quả các nguồn thông tin như Điều tra lao động – việc làm, khảo sát doanh nghiệp và thông tin trên Cổng thông tin dịch vụ việc làm. Thông tin chính xác, kịp thời về nghề nghiệp, vị trí tuyển dụng và xu hướng kỹ năng cần được cập nhật trên các trang web và ứng dụng chuyên biệt để lao động thanh niên và người trưởng thành. Mục đích để họ có thể dễ dàng tiếp cận và công việc của người làm công tác hướng nghiệp cũng được thực hiện thuận lợi hơn.

Nâng cao chuyên môn và đào tạo cho giáo viên hướng nghiệp, cố vấn học đường và giáo viên tham gia vào các hoạt động giáo dục hướng nghiệp thông qua đào tạo ban đầu và đào tạo thường xuyên với chất lượng cao hơn. Ví dụ như kỹ năng kỹ thuật số, phân tích thị trường lao động.

Báo cáo cũng đề xuất thành lập một hiệp hội quốc gia cho người làm công tác hướng nghiệp, nhằm cung cấp hỗ trợ và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về dịch vụ, phát triển nghề nghiệp và thúc đẩy hợp tác quốc gia, quốc tế về các phương thức thực hành tốt hơn. Các hiệp hội quốc gia này cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cấp chứng chỉ cho người làm công tác hướng nghiệp.

Theo Tiến sỹ Pedro Moreno da Fonseca, việc phát triển và nhân rộng giáo dục hướng nghiệp trong trường học đã được thảo luận sâu và được coi là yếu tố then chốt để mở ra triển vọng nghề nghiệp cho thanh niên.

Theo đó, giáo viên, giảng viên và chuyên viên cố vấn trong trường học và cơ sở đào tạo cần được hỗ trợ và cung cấp công cụ thích hợp để có thể lồng ghép các chủ đề hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy và xây dựng các hoạt động nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về nghề nghiệp và thế giới việc làm.

“Tất cả các trường nên có một chuyên viên hướng nghiệp để cùng phối hợp thực hiện với những giáo viên đã được đào tạo căn bản về các chủ đề hướng nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp cần được thực hiện phối hợp với cộng đồng, bao gồm phụ huynh và người sử dụng lao động”, Tiến sỹ Pedro Moreno da Fonseca nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ