Hướng nghiệp: Tránh tư vấn quá đà

GD&TĐ - Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT là những ưu tiên của các trường học trong nhiều năm nay.

Hoạt động tư vấn hướng nghiệp hết sức hiệu quả ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp hết sức hiệu quả ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Hoạt động này giúp học sinh và phụ huynh có được đánh giá chính xác về năng lực học tập của từng em, để có sự lựa chọn đúng đắn trong việc lựa chọn hướng đi sắp tới cho tương lai. Tư vấn để học sinh biết sức học của mình để cùng phụ huynh lựa chọn trường học phù hợp là điều mà các trường học hướng tới. “Chúng tôi chỉ tư vấn để học sinh và phụ huynh nắm được lực học của con em, quyết định là của gia đình” – thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Hải Sơn cho rằng: Điều quan trọng là thầy cô tư vấn thế nào để học sinh, phụ huynh hiểu được nội dung tư vấn, hiểu sức học của mình để chọn lựa trường THPT phù hợp. Ở Trường THCS Hải Lý, do đặc thù học sinh nông thôn, gia đình lao động nông nghiệp và làm ăn xa là chính nên giáo viên và nhà trường phân tích rõ tâm lý học sinh dựa trên điều kiện kinh tế và sở thích của học sinh. Thực tế sau tư vấn, các em luôn có lựa chọn phù hợp với sức học của mình.

Là trường THCS chất lượng trên địa bàn TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, cô giáo Đặng Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng trong tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường. Cô Hà cho biết: Tâm lý các bậc cha mẹ đa phần muốn con học hành đỗ đạt. Nhà trường và các giáo viên cũng không mong muốn gì hơn là lớp mình và trường mình có tỷ lệ học sinh giỏi, thi đỗ đạt cao. Ngay từ lớp 6, các giáo viên chủ nhiệm đã cùng với giáo viên bộ môn nắm được lực học của từng em để trao đổi với gia đình cùng biết. Trên cơ sở lực học, gia đình và học sinh đưa ra quyết định lựa chọn trường phù hợp nhất cho con em mình.

TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục đưa ra phân tích về sự cần thiết của tư vấn hướng nghiệp. Ông cho rằng, những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề ngày càng tăng, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Nắm bắt nhu cầu, các trường nghề đã về tận địa phương để giới thiệu ngành nghề được thị trường lao động chấp nhận, thời gian, phương pháp đào tạo cho phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng lựa chọn. Nếu như tiếp tục học THPT rồi lên đại học, có thể mất từ 7 - 8 năm, các em mới ra trường, đi làm. Nhưng nếu học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì chỉ từ 2 - 3 năm các em đã trở thành những kỹ thuật viên thạo nghề và có việc làm ngay. “Dẫn chứng trường hợp 1 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không chọn đại học mà đi làm nghề tóc đã thành công – đây là hiệu quả của tư vấn hướng nghiệp ở các nhà trường” – TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ