Trường sư phạm đồng hành bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đối với GD Mầm non, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

Trường sư phạm đồng hành đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non.
Trường sư phạm đồng hành đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non.

Đáp ứng yêu cầu thực tế

Đây là quan điểm được TS Trịnh Văn Tùng và TS Nguyễn Thị Hồng Vân, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhấn mạnh. Theo đó, đối với giáo dục mầm non (GDMN), chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non (GVMN), cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở GDMN.

Các chuyên gia này cho rằng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là trang bị kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, hình thành nên phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, tạo ra năng lực hành động mới cho giáo viên. Bồi dưỡng còn là hoạt động nhằm khắc phục mặt hạn chế, phát huy mặt tích cực, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi giáo viên, giúp họ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Các chuyên gia cho biết, tại Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, Chương trình đào tạo (CTĐT) được coi là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định chất lượng đào tạo. Trường CĐSP Trung ương cũng đang thực hiện đào tạo GVMN trình độ cao đẳng với các hệ đào tạo chính quy, vừa học vừa làm và liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng. CTĐT ngành GDMN được phát triển theo hướng chuyên ngành, bên cạnh khối kiến thức, kỹ năng, ngành GDMN còn dành thời lượng đáng kể cho khối kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

Giờ học của trẻ Trường mầm non thực hành Hoa Sen, Trường CĐSP Trung ương.

Giờ học của trẻ Trường mầm non thực hành Hoa Sen, Trường CĐSP Trung ương.

Đáp ứng yêu cầu đào tạo GVMN, hiện ở trường đang đào tạo 7 chuyên ngành chuyên sâu về GDMN, đó là: Các phương pháp GDMN tiên tiến; Âm nhạc trong cơ sở GDMN; Mỹ thuật trong cơ sở GDMN; Tiếng Anh trong cơ sở GDMN; Công nghệ thông tin trong cơ sở GDMN; Giáo dục đặc biệt trong cơ sở GDMN; Công tác xã hội trong cơ sở GDMN.

Song song với đào tạo GV, các chuyên ngành này cũng thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho đội ngũ GVMN và cán bộ QLGD mầm non tại các cơ sở GDMN của các địa phương trên cả nước.

Bồi dưỡng gắn với thực tế

Để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, tiếp cận xu thế mới trong GDMN, Trường CĐSP Trung ương thường xuyên xây dựng, bổ sung các chương trình, mô đun bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ này. Trước khi xây dựng chương trình, trường thực hiện khảo sát nhu cầu của người học, sau đó xây dựng nội dung, thời lượng, phương pháp, hình thức tổ chức các khóa bồi dưỡng.

Dựa theo yêu cầu thực tế của người học, chuyên gia sẽ tư vấn lựa chọn lớp phù hợp với nhu cầu và được hỗ trợ trong quá trình khóa học đang diễn ra cũng như sau khi khóa học kết thúc.

Theo đánh giá chung đến nay, các khóa bồi dưỡng do trường tổ chức đã đáp ứng tốt nhu cầu, yêu cầu của người học. Để đảm bảo nội dung học sát yêu cầu, trường thường xuyên lấy ý kiến phản hồi từ người học về chương trình đào tạo, bồi dưỡng, về đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất, thực hành để điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người học theo quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm. Mục tiêu hướng đến, đảm bảo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tốt nhu cầu học tập của đội ngũ GVMN, cán bộ quản lý.

Năng lực đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ chất lượng.

Năng lực đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ chất lượng.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc đưa vào giảng dạy các phương pháp GDMN quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập. Hiện nay, trường đã có các nhóm chuyên môn sâu về Phương pháp giáo dục Montessori; Phương pháp giáo dục Steiner; Tiếp cận Reggio Emilia; Giáo dục STEAM… Các chuyên đề học tập này đã đáp ứng tốt các yêu cầu của người học và cơ sở GDMN, đồng thời cũng là nhiệm vụ mới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng quốc tế hóa.

Để chương trình đào tạo, bồi dưỡng đang được triển khai, đảm bảo chất lượng, trường đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, phòng học, phòng thực hành, thư viện với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Thư viện thường xuyên bổ sung nguồn tài liệu phong phú về GDMN, cập nhật các giáo trình, tài liệu tham khảo mới đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của người dạy, người học. Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đã xây dựng và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về GDMN.

Đặc biệt, 3 trường mầm non thực hành trực thuộc là những địa chỉ tin cậy để thực hiện các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo GVMN. Trường cũng chỉ đạo các Khoa xây dựng các chương trình bồi dưỡng bắt kịp với xu thế và nhu cầu của xã hội. Các chương trình bồi dưỡng đều được đưa lên trang web và gửi tới các đơn vị, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, trường đã và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các biểu mẫu, xây dựng mới và chỉnh sửa các chương trình để bắt kịp với nhu cầu của xã hội.

Nâng cao năng lực đào tạo - bồi dưỡng cho CBQL và GVM hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức và khó khăn. Các trường CĐSP cần đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với xu thế phát triển. Cần có sự chuẩn bị đội ngũ, đảm bảo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý và dạy học.

Đặc biệt là các điều kiện đảm bảo và quản lý chất lượng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, công tác truyền thông để nâng cao năng lực đào tạo - bồi dưỡng và tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu thực tế của mỗi địa phương trong các giai đoạn khác nhau - TS Trịnh Văn Tùng và TS Nguyễn Thị Hồng Vân cùng chia sẻ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ