Hội thảo đánh giá công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Ngày 28/11 tại Vĩnh Phúc, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo đánh giá công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.  

Hội thảo đánh giá công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Hội thảo đánh giá công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Theo TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT: Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản quy định về công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là căn cứ để Sở GD&ĐT các địa phương tham mưu chính quyền cấp tỉnh đầu tư và triển khai, hướng dẫn nhà trường xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố đã tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành các Đề án, Chương trình, Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) nhằm tăng cường các nguồn lực cho giáo dục mầm non, đồng thời chỉ đạo cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn. Đặc biệt, một số địa phương đã đưa mục tiêu công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia là tiêu chí bắt buộc để đơn vị cấp xã phấn đấu đạt được mục tiêu nông thôn mới.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.

Các Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nhiệm vụ năm học, các phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, bố trí ngân sách địa phương đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sắp xếp đội ngũ… nhằm đáp ứng các tiêu chí giúp các trường mầm non duy trì giữ vững, phấn đấu nâng chuẩn trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đạt được chỉ tiêu đề ra.

Tham luận tại hội thảo, các cơ sở GDMN cho biết đã xác định công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia không những để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, địa phương. Các nhà trường đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhận thức được công tác đánh giá kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và khẳng định thương hiệu, vị thế nhà trường.

Các nhà trường chú trọng quán triệt nâng cao ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý chất lượng giáo dục các cấp; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn một số nội dung trong triển khai thực hiện tự đánh giá và đề nghị đánh giá ngoài công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia.

Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tăng đều qua các năm tại các vùng, miền.

Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tăng đều qua các năm tại các vùng, miền.

Toàn quốc hiện có có 15.334 trường mầm non, trong đó 8.722 TMNĐCQG, tỷ lệ 56.9%, tăng 1.773 trường (11.3%) so với năm học 2017-2018. Như vậy, sau 5 năm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, toàn quốc đã tăng 11,8% trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Vùng có tỉ lệ tăng trường chuẩn Quốc gia nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (18,2%). Các tỉnh/TP có có tỉ lệ tăng trường chuẩn Quốc gia nhiều nhất cả nước là Ninh Bình (16.7%), Hà Nam (15.4%), Bắc Giang (15.2%)…

Các tham luận đều nhất trí cho rằng Bộ GD&ĐT đã kịp thời tham mưu, xây dựng, ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển GDMN nói chung và công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Cấp học mầm non đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hằng năm. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư, công tác phát triển đội ngũ được quan tâm nhiều hơn.

"Các địa phương đã quan tâm ưu tiên mở rộng diện tích, bố trí đất sử dụng cho giáo dục và nguồn lực lớn để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Vốn đầu tư phát triển được ưu tiên dành cho xây dựng mới, cải tạo sửa chữa các công trình đã xuống cấp cho các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mầm non ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Một số địa phương đã có đề án kiên cố hóa các trường mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tiến tới xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia" - Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ