Những đứa trẻ cũng theo chân người lớn rời bản cũ, từ thượng nguồn Khe Khặng, xuôi sông Giăng đến bản mới, học trường mới, gặp bạn bè mới.
Những ngày đầu nhập học đầy khó khăn, bỡ ngỡ với cả thầy lẫn trò bởi khác biệt môi trường, ngôn ngữ, thói quen... Nhưng chỉ sau hơn 2 năm, bản làng, trường học đã mang diện mạo mới tươi vui, xanh sạch đẹp. Và ánh mắt rụt rè, ngơ ngác, thu mình của những đứa trẻ trong rừng sâu đã trở nên mạnh dạn, tự tin hơn.
Nhập học ở bản mới
Rời quê cũ ở bản Búng (xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An), 22 hộ người Đan Lai bắt đầu một cuộc di dân lịch sử. Nhưng lần này, họ không đi sâu thêm vào rừng, mà đồng ý tái định cư tại bản Kẻ Tắt - Pá Hạ (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông). Những đứa trẻ ngồi sau xe máy, xuôi sông Giăng, vượt chặng đường khoảng 60km, dừng chân ở nhà mới. Chỉ sau đó hơn 1 tháng, năm học mới cũng bắt đầu.
Thầy Nguyễn Duy Linh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 (huyện Con Cuông, Nghệ An) ấn tượng mãi với lễ khai giảng đặc biệt năm học 2019 - 2020. Trường tiếp nhận 7 em học sinh người Đan Lai tại điểm trường mới, được xây dựng cho con em khu tái định cư. Để giúp học sinh sớm hòa nhập, tạo không khí học tập, Ban giám hiệu cử giáo viên vận động 16 học sinh người Thái ở điểm Pá Hạ cũ về học cùng.
“Quá trình thuyết phục không hề dễ dàng vì phụ huynh vẫn còn e ngại khác biệt văn hóa, ngôn ngữ. Nhưng cơ sở vật chất điểm trường nơi tái định cư được xây khang trang, sạch đẹp, khoảng cách gần, thuận lợi cho việc học tập. Nhà trường cũng cam kết giáo viên sẽ quan tâm đến mỗi học sinh. Vậy là lễ khai giảng năm đó được tổ chức từ ngày 4/9, với 24 học sinh cả người Thái lẫn Đan Lai. Thầy cô giáo tặng đồng phục, sách vở cho học sinh có thêm niềm vui, háo hức”, thầy Nguyễn Duy Linh nhớ lại.
Điểm trường mới có đủ lứa tuổi từ lớp 1 - 5, nhưng phải học ghép. Đến năm học 2020 - 2021 nhà trường đã vận động thêm học sinh điểm trường Kẻ Tắt (nằm phía ngoài khu tái định cư 3km) sáp nhập vào Pá Hạ. Đến lúc này, học sinh Kẻ Tắt, Pá Hạ đã cùng về học chung với nhau, gồm 59 em, trong đó có 14 em người Đan Lai. Vậy là những đứa trẻ có bạn mới, làm quen, giao tiếp với nhau. Đó cũng là cách giúp học sinh Đan Lai mạnh dạn hơn, bước ra khỏi thế giới biệt lập của mình. Nhà trường cũng xóa bỏ được lớp ghép, nâng cao chất lượng dạy học.
Cô Cao Thị Thảo là giáo viên trẻ, nhưng gắn bó với học sinh Đan Lai từ những ngày đầu. Cô chia sẻ: Ngoài dạy học, giáo viên luôn tìm cách và dành thời gian trò chuyện, tạo sự tin tưởng, chia sẻ với các em. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp để tăng cường tiếng Việt, kỹ năng cho học sinh Đan Lai. Tạo cơ hội giao lưu, tăng mối đoàn kết giữa học sinh trong trường.
“Làm cho bén rễ, xanh cây” nơi tái định cư
Suốt 3 tuần qua, các thầy cô Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 miệt mài soạn bài, in phiếu bài tập và đến từng nhà học sinh. Cuối năm 2021, dịch bệnh bùng phát ở một số xã thuộc huyện Con Cuông. Toàn huyện tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang dạy học trực tuyến. Nhưng ở những bản vùng sâu vùng xa, sóng liên lạc yếu, điều kiện học online thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Nhất là các em tiểu học, bố mẹ đi làm ăn xa không ở nhà kèm cặp. Phương án tối ưu là vừa duy trì học trực tuyến nhưng kèm theo giao bài tập về nhà.
La Thị Duyên năm nay lên lớp 5. Mỗi lần nhận phiếu bài tập, cô bé đều nhanh chóng hoàn thành để nộp lại cho cô giáo đúng hạn. Dù không đến trường, nhưng Duyên vẫn thường xuyên tự học, tự đọc bài, làm bài theo đề cương ôn tập được giao. Cách đây 2 năm, Duyên là 1 trong 7 học sinh Đan Lai đầu tiên từ bản Búng (xã Môn Sơn) theo bố mẹ chuyển ra Kẻ Tắt – Pá Hạ. Cô bé rụt rè, nhút nhát và nhớ bạn cũ nên ban đầu nhập học còn bỡ ngỡ, tiếp thu chậm. Nhưng thầy cô luôn động viên Duyên và các bạn, thường xuyên phụ đạo lại kiến thức. Từng bước như vậy, dần dần, cô bé người Đan Lai không chỉ bắt nhịp được tiến độ chung của các bạn trong trường, mà còn tiến bộ vượt bậc. Năm học trước, La Thị Duyên là học sinh có học lực tốt của cả lớp.
Thời điểm chuyển về Kẻ Tắt – Pá Hạ, gia đình chị La Thị Hồng mang theo 2 con nhỏ, đứa lớn lớp 2, còn đứa nhỏ mới 5 tuổi. “Bỏ bản cũ cũng buồn lắm, nhưng phải ra thôi. Trong rừng quốc gia không được khai thác nữa. Cá dưới khe cũng ngày một ít. Ở lại thì cuộc sống không khá hơn được. Ra ngoài này gần đường to, có điện, gần trường, các con đi học cũng thuận lợi”, người mẹ trẻ 30 tuổi nói. Ngôi nhà sàn Nhà nước cấp cho cũng được 2 vợ chồng sửa sang lại, đóng thêm đồ đạc cho đẹp hơn. Có bếp riêng, giường ngủ và nơi ngồi học bài cho 2 con.
Theo thầy Nguyễn Duy Linh, học sinh Đan Lai chiếm tỷ lệ nhỏ, thời gian đầu, các em chậm hơn so với mặt bằng chung của trường trong tiếp nhận kiến thức và kỹ năng. Điều này có thể lý giải được bởi Đan Lai là dân tộc rất ít người. Trước đó, các em sống trong bản, địa hình cách biệt và ít khi tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài. Về tâm lý các em cũng nhút nhát, thiếu chủ động. Nhưng trong hơn 2 năm qua, trẻ có sự tiến bộ vượt bậc, nhìn thấy rõ so với chính mình.
Các em không còn tự ti, khép mình nữa mà mạnh dạn trong mối quan hệ với thầy cô, bạn bè. Có được điều này, công sức rất lớn nhờ các thầy cô tận tâm bám bản, bám học trò, tạo ra từng chuyển biến nhỏ. Trong đó, phải kể đến những giáo viên trẻ mà tâm huyết như thầy Lê Văn Cương, cô Lê Thị Hạnh, Cao Thị Thảo... đã ươm mầm, “làm cho bén rễ, xanh cây” sự nghiệp trồng người nơi tái định cư.
Xóa mù cho phụ huynh để thêm “sáng đường” con trẻ
Cùng với việc chăm lo dạy học tại trường cho học sinh, Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 còn tổ chức lớp xóa mù cho phụ huynh là bà con người Đan Lai tái định cư. Lớp học đầu tiên được mở năm 2020 tại bản Kẻ Tắt – Pá Hạ.
Thầy giáo trẻ Lê Văn Cường (sinh năm 1997) phụ trách lớp học xóa mù cho bà con Đan Lai. Nhận công tác về Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 được 3 năm cũng là từng ấy thời gian thầy xung phong đi bản lẻ, bản khó và gắn bó với học sinh Đan Lai. Mỗi ngày 2 buổi sáng, chiều cả dạy học chính khóa lẫn tăng tiết cho học sinh. Buổi tối, tại gian ký túc xá, thầy còn nhận phụ đạo cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng thêm cho những em khá. Gắn bó với những đứa trẻ Đan Lai, nên thầy cũng tình nguyện dạy xóa mù cho phụ huynh của học trò mình.
“Tôi cũng sinh ra lớn lên ở vùng cao, nhà ở huyện Tương Dương, nên thấu hiểu được khó khăn, thua thiệt của học sinh dân tộc thiểu số cũng như vất vả của người dân. Với phụ huynh Đan Lai, do trước kia không được đi học đầy đủ nên giờ còn nhiều người chưa biết chữ hoặc tái mù. Bản thân mình có kiến thức, nghiệp vụ và thời gian thì cố gắng dạy chữ cho bà con”, thầy Cường chia sẻ.
Lớp học được tổ chức vào buổi tối, sau khi bà con đi làm hoặc lên nương rẫy về. Theo các thầy cô, việc dạy cho người lớn còn công phu hơn học sinh, bởi khả năng tiếp thu chậm, tay cứng, dễ nản... Để “duy trì sĩ số” mỗi tiết học, giáo viên thường mua quà như vở, bút, bánh kẹo... cho học viên. Biến bài học chữ, phép tính thành những đoạn thơ hoặc bài hát. Thậm chí tổ chức hát karaoke để luyện... đọc chữ cho học viên.
Sau khóa đầu tiên thành công, năm nay, lớp học lại tiếp tục được mở cho người dân ở bản Thạch Sơn – nơi có những hộ gia đình người Đan Lai đầu tiên đến tái định cư từ 15 năm trước. Chị La Thị Thoa (bản Thạch Sơn) nói: “Tôi chuyển về tái định cư ở Thạch Ngàn từ năm 2012. Ngày xưa vất vả, chữ cũng quên hết. Giờ được đi học lại mừng lắm, viết được tên của mình, tên của các con. Người Đan Lai cảm ơn các thầy cô đã nhiệt tình dạy học”.
Theo thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2, việc dạy xóa mù, trước hết để giúp bà con Đan Lai biết đọc, biết viết và các con số cơ bản, giúp ích cho chính cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, khi phụ huynh biết chữ, cảm nhận được sự quan tâm của thầy cô, có thêm hiểu biết sẽ quan tâm hơn đến việc học của con cái. Đó cũng là cách để tăng mối quan hệ gắn bó, tương tác giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh.
“Điều đáng mừng là khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, bà con Đan Lai ở Thạch Sơn, trong đó chủ yếu là phụ nữ đã chủ động đề xuất nhà trường mở thêm lớp ở bản này. Chứng tỏ những điều mà chúng tôi thực hiện, tận tâm với trò, phụ huynh đã được đón nhận và tạo sự thay đổi trong nhận thức của bà con dân bản”, thầy Linh phấn khởi nói.