Nghệ An: Nhiều hình thức dạy học phù hợp, đảm bảo tiến độ chương trình

GD&TĐ - Năm học 2021-2022 triển khai trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và lan rộng khắp địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, các trường vẫn đảm bảo tiến độ chương trình năm học và các nhiệm vụ giáo dục khác.

Học kỳ II năm học 2021-2022, ngành giáo dục Nghệ An còn nhiều nhiệm vụ cần thực hiện trong triển khai chương trình GDPT 2018.
Học kỳ II năm học 2021-2022, ngành giáo dục Nghệ An còn nhiều nhiệm vụ cần thực hiện trong triển khai chương trình GDPT 2018.

Chiều 18/2, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2021–2022.

Học kỳ I năm học 2021–2022, ngành giáo dục Nghệ An đã chủ động tổ chức dạy học bằng các hình thức phù hợp: Trực tuyến, trực tiếp, hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Qua đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa không gián đoạn việc dạy học trong các nhà trường. Mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học đạt được theo kế hoạch đề ra.

Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến Sơ kết học kỳ I năm học 2021-2022.
Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến Sơ kết học kỳ I năm học 2021-2022.

Ngành cũng ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần triển khai được hiệu quả nhiệm vụ năm học trong bối cảnh phòng chống Covid-19.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, đáp ứng lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa. Xây dựng các mô hình quản lý, hoạt động giáo dục, huy động nguồn lực.

Trong học kỳ I vừa qua, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh tiếp tục được khẳng định. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn có sự cải thiện, phát triển.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của các nhà trường tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh.

Lớp học tại Trường THCS Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) vẫn triển khai bình thường với giáo viên F1, F0 dạy học trực tuyến tại nhà.
Lớp học tại Trường THCS Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) vẫn triển khai bình thường với giáo viên F1, F0 dạy học trực tuyến tại nhà.

Lãnh đạo Sở xác định, từ nay đến cuối năm học, dịch Covid – 19 sẽ còn tiếp tục tác động rất lớn đến ngành giáo dục. Sở yêu cầu các nhà trường cần chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng các phương án để thích nghi trong hoàn cảnh mới, thực hiện tốt nhiệm vụ kép của năm học.

Sau Tết Nguyên đán, các địa phương ghi nhận hàng trăm học sinh, giáo viên F0. Dạy học trong thời điểm này, các nhà trường chịu nhiều áp lực cả về trong đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như phòng dịch, ổn định tâm lý phụ huynh, học sinh.

Tuy nhiên, trên tinh thần chung của Chính phủ, các nhà trường cũng cần linh hoạt trong việc triển khai các hoạt động giáo dục. Tùy thực tế để dạy học, giúp học sinh tương tác trong lớp, giữa các lớp nếu đảm bảo an toàn. Sở yêu cầu nếu trường có F0 thì theo quy định tối thiểu điều trị sau 7 ngày mới quay lại trường.

Từ nay đến cuối năm học, các nhà trường cần tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 9 và 12.
Từ nay đến cuối năm học, các nhà trường cần tăng cường ôn tập cho học sinh lớp 9 và 12.

Thường xuyên khảo sát năng lực học sinh kịp thời bù đắp lỗ hổng kiến thức cho học sinh trong thời gian học trực tuyến. Giúp các em đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo quy định của chương trình và phát huy năng lực, năng khiếu của mình.

Các nhà trường cũng cần đảm bảo kế hoạch ôn tập, luyện tập cho học sinh lớp 9 và 12. Đối với học sinh THPT, chú trọng vào việc triển khai các kỳ thi đánh giá năng lực. Các nhà trường rà soát và tiếp tục bồi dưỡng phụ đạo học sinh hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng như đạt mục tiêu trong xét tuyển ĐH, CĐ, nâng cao vị trí xếp hạng về kết quả so với cả nước.

Phát triển năng lực toàn diện người học, xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu quan trọng của giáo dục.
Phát triển năng lực toàn diện người học, xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu quan trọng của giáo dục.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, trường học cũng cần quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, đoàn thanh niên. Kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý, phối hợp với phụ huynh, gia đình học sinh, địa phương để hỗ trợ, giáo dục các em trong lứa tuổi hình thành nhân cách.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới dạy và học ở các nhà trường. Nhiệm vụ hiện nay của các nhà trường chính là “Tạo hứng khởi học tập, hướng đến sự thành đạt của người học”. 

Để làm tốt điều đó, ngoài đảm bảo việc dạy tốt các môn học truyền thống như Ngữ văn, Toán, Hóa học, Vật lý thì các nhà trường mà cần phải định hướng để phát triển năng lực toàn diện của học sinh qua các môn ứng dụng, năng khiếu... Xây dựng trường học hạnh phúc để học sinh thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Trong học kỳ II năm học 2021-2022, ngành giáo dục Nghệ An còn nhiều nhiệm vụ cần thực hiện như: thực hiện công tác kiểm định chất lượng ở các nhà trường; tham mưu để ban hành Nghị quyết về chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, tổ chức các kỳ thi; xây dựng các mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, trường tiên tiến; chuẩn bị thẩm định việc thay sách giáo khoa lớp 3, lớp 10, bồi dưỡng giáo viên. Vì vậy, đây là “thời điểm vàng” để toàn ngành phải nỗ lực, cố gắng, bám sát các định hướng chỉ đạo hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò.