Trường học vùng khó Điện Biên dồn sức triển khai chương trình sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Việc triển khai chương trình SGK mới trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó. Tỉnh Điện Biên đang dồn sức để triển khai chương trình này với năm học có nhiều gian nan và thách thức.

Phương pháp giảng dạy của giáo viên quyết định kết quả học tập của học sinh
Phương pháp giảng dạy của giáo viên quyết định kết quả học tập của học sinh

Chia điểm, chia môn tập huấn

Từ giữa tháng 4/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Theo đó, bộ sách lớp 2 có 8 quyển của Nhà Xuất bản Giáo dục, 1 quyển (Tiếng Anh) của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm. Bộ SGK lớp 6 có 12 quyển thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục, 1 quyển Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm.

Các nhà xuất bản phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn SGK mới bằng hình thức trực tuyến theo từng khu vực, từng môn cụ thể, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Tại tỉnh Điện Biên, cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS và Tiểu học trên địa bàn tham gia từ ngày 26 – 30/7.

Mường Nhé là địa phương có nhiều khó khăn đặc thù của Điện Biên. Theo ông Phạm Thiết Chùy, Phó trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo, động viên các nhà trường khắc phục khó khăn, chuẩn bị chu đáo để chương trình tập huấn diễn ra thuận lợi, do đây là 1/3 nhiệm vụ trọng tâm được phòng xác định đầu mỗi năm học.

“Mỗi điểm trường được bố trí là một điểm cầu. Chúng tôi bố trí hơn 60 phòng cho giáo viên tham gia tập huấn, không để phòng nào quá 20 người. Trước đó, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị cung cấp đường truyền và các điều kiện cần thiết để đảm bảo luôn sẵn sàng, ổn định trong suốt thời gian tập huấn” – ông Chùy cho hay.

Tại Trường PTDTBT THCS Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông), cơ sở vật chất và điều kiện thời tiết còn gặp nhiều khó khăn, song nhà trường đã cố gắng khắc phục, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Học sinh sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức ở bộ SGK mới

Học sinh sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức ở bộ SGK mới

“Chúng tôi đã chuẩn bị, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện an toàn dịch bệnh cho 1 phòng học trực tuyến. Từng bộ môn sẽ có sự sắp xếp bố trí cán bộ quản lý, giáo viên tham gia phù hợp. Vì thế mỗi lớp học chỉ có 6 – 8 người tham gia, tùy bộ môn” – thầy giáo Khương Cao Quyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

18/18 cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đều được bố trí tham gia tập huấn. Mục tiêu là để chủ động tiếp cận với sách mới, chương trình mới, cũng như nắm bắt, tham khảo một số phương pháp giảng dạy cơ bản. Qua đó, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác tổ chức, triển khai sắp tới.

Cân đối phương pháp giảng dạy

Thời điểm này, công tác tập huấn, bồi dưỡng SGK mới đã hoàn tất. Các nhà trường đang tập trung tu sửa, chuẩn bị cơ sở vật chất giảng dạy. Đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu SGK mới, để chủ động lên phương án giảng dạy. Do số lượng sách nhận về đợt đầu còn hạn chế nên hầu hết đều ưu tiên cho giáo viên mượn để nghiên cứu.

Thầy giáo Vũ Mạnh Cường, Trường PTDTBT THCS Hừa Ngài (xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà) cho biết: “Tôi tham gia 2 môn là Khoa học tự nhiên và Hoạt động ngoài giờ, hoạt động hướng nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình tập huấn, ngay trong đầu tháng 8 chúng tôi đã được nhà trường ưu tiên cho mượn SGK mới. Vì vậy cũng có nhiều thời gian hơn để chủ động nghiên cứu chương trình của năm học sắp tới”.

Theo thầy Cường, với những nội dung trong chương trình SGK mới, thì tại nhiều địa phương vùng khó có thể giáo viên chỉ áp dụng được khoảng 50%. Bởi những hạn chế trong việc nghe, hiểu ngôn ngữ, cũng như tính linh hoạt trong tư duy của học sinh.

Một phần SGK được các nhà trường tạm ứng trước và ưu tiên cho giáo viên mượn để chủ động nghiên cứu

Một phần SGK được các nhà trường tạm ứng trước và ưu tiên cho giáo viên mượn để chủ động nghiên cứu

“Tới đây, chúng tôi phải họp tổ chuyên môn cùng nhau gỡ vướng mắc từng phần để cân đối, đưa ra phương pháp giảng dạy tối ưu nhất, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Có thể các em chưa thể tiếp cận được toàn bộ kiến thức chương trình mới ngay với học sinh lớp 6, mà phải gối qua các năm để tiếp cận dần dần” – thầy Cường nói.

Chương trình mới với học lớp 2 lại được nhiều thầy cô cho rằng phù hợp với học sinh vùng khó.

“Tôi thấy nội dung gần giống với chương trình cũ trước đây chúng ta vẫn học. Chỉ khác là đối với bộ sách mới thì có tính mở và phát huy vai trò chủ động của học sinh hơn. Vì thế đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp phù hợp” – thầy giáo Giàng A Hờ, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Anh (Mường Chà) cho hay.

Còn tại Trường PTDTBT THCS Tìa Dình, theo thầy Quyền, hiện nay cơ sở vật chất dạy học theo chương trình mới cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Khó khăn nhất với nhà trường hiện nay là làm sao có được kinh phí để mua SGK cho học sinh.

“Trước mắt, chúng tôi tạm ứng tiền để mua một phần về cho giáo viên chủ động nghiên cứu. Nhà trường cố gắng bằng mọi cách để các em có đầy đủ sách học, còn sách tham khảo có thể sẽ phải dùng chung, hoặc mượn tại thư viện trường”.  

Mặc dù vậy, nhiều giáo viên cũng thừa nhận, khả năng tiếp thu và kết quả học tập của học sinh phụ thuộc không nhỏ vào phương pháp giảng dạy của giáo viên. Chính vì thế, đòi hỏi mỗi giáo viên và đơn vị nhà trương phải xây dựng kế hoạch và phương pháp hết sức linh hoạt, mới mong có được kết quả như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ