Trường học toàn quyền bố trí thời gian thực hiện chương trình dạy học

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ điều này khi trao đổi về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

- Theo Luật Giáo dục, nhà trường phải công bố công khai kế hoạch giáo dục. Vậy kế hoạch giáo dục nhà trường cần đáp ứng được yêu cầu nào?

- Khi nói đến kế hoạch giáo dục nhà trường, chúng ta nói đến kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình) do hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành; kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn do các tổ chuyên môn xây dựng; kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy (giáo án) do giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phải bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, thống nhất giữa các tổ chuyên môn và tổ chức đoàn thể; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

PGS Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 với giáo dục trung học. Ảnh: Thế Đại
PGS Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 với giáo dục trung học. Ảnh: Thế Đại

- Chương trình mới không quy định “cứng” số tiết theo từng tuần như hiện nay mà để các trường tự chủ động sắp xếp, bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Điều này cần được thể hiện trong phân phối chương trình?

- Căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học của UBND cấp tỉnh và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm của sở GD&ĐT, hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học, bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Chương trình môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. 

Các nhà trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh. Cụ thể, không bắt buộc phải dạy môn học ở các tuần; không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường. 

Với mỗi mạch kiến thức trong các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí cấp THCS có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học. Ví dụ, cấp THCS, mỗi mạch nội dung của môn Khoa học tự nhiên có thể phân công cho một giáo viên có chuyên môn phù hợp (Hoá học: Chất và sự biến đổi chất; Sinh học: Vật sống; Vật lí: Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời) để thực hiện và hoàn thành trong từng học kì của năm học. 

Với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp THPT, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (nhóm môn học khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật) lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng kí lựa chọn và tổ chức thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Với các hoạt động giáo dục được tổ chức theo hình thức tham quan, cắm trại, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng, hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thực hiện chương trình các môn học và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

- Với những yêu cầu mới, sẽ có những giáo viên lúng túng khi xây dựng kế hoạch giáo dục và giáo án; nhất là khi không cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại di động để hỗ trợ việc học. Ông lưu ý gì với thầy cô khi thực hiện công
việc này?

- Căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng kế hoạch giáo dục trong năm học; trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học. Khung Kế hoạch giáo dục của giáo viên và khung Kế hoạch bài dạy đều được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể.

Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.

Lưu ý, mỗi bài dạy có thể được thực hiện trong nhiều tiết học, bảo đảm đủ thời gian dành cho mỗi hoạt động để học sinh thực hiện hiệu quả. Hệ thống câu hỏi, bài tập luyện tập cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu về số lượng và đủ về thể loại theo yêu cầu phát triển các kĩ năng. Hoạt động vận dụng được thực hiện với những bài hoặc nhóm bài có nội dung phù hợp và chủ yếu được giao cho học sinh thực hiện ở ngoài lớp học.

Trong kế hoạch bài dạy không cần nêu cụ thể lời nói của giáo viên, học sinh mà tập trung mô tả rõ hoạt động cụ thể của giáo viên: Giáo viên giao nhiệm vụ/ yêu cầu/ quan sát/ theo dõi/ hướng dẫn/ nhận xét/ gợi ý/ kiểm tra/ đánh giá; học sinh thực hiện/ đọc/ nghe/ nhìn/ viết/ trình bày/ báo cáo/ thí nghiệm/ thực hành...

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ