Rậm rịch cấm Pokemon Go
Tại Indonesia, Bộ Bảo vệ Trẻ em và Nữ quyền sẽ sớm xem xét ban hành quy định cấm trẻ em chơi Pokemon Go tại trường với lí do trò chơi này có thể ảnh hưởng tới việc học tập.
Bộ trưởng Yohana Yembise cho biết sẽ sớm phê chuẩn dự thảo sắc lệnh cấm trẻ em mang điện thoại di động săn thú Pokemon ở trường. Bà Yohana kêu gọi học sinh tìm thú chơi khác và nhấn mạnh trò chơi ảo này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. “Chơi Pokemon Go có thể làm hại đầu óc và khiến trẻ lười biếng. Chúng ta phải sớm ngăn chặn bằng một sắc lệnh cấp bộ” – bà nói.
Cũng theo bà Yohana thì trò chơi này phổ biến nhanh nhờ vào phát triển công nghệ thông tin, vì thế bà kêu gọi phụ huynh cũng cấm trẻ chơi trò này.
Tại Hồng Kông, Trung Quốc, những người đứng đầu cơ quan quản lí giáo dục cũng lo ngại tác hại của Pokemon Go đối với học sinh. Họ cho biết sẽ yêu cầu nhà sản xuất Pokemon Go không để bất cứ con Pokemon ảo nào trong khu vực trường học và khu vực lân cận để tránh ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh.
Kể từ khi phát hành tại Hồng Kông, Pokemon Go đã nhanh chóng làm mưa làm gió tại đây. Pokemon đã được tìm thấy trong 2 trường học tại Tsuen Wan và 5 địa điểm khác ngay bên ngoài 1 trường tiểu học tại Sha Tin. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Wong Cho Bau tại Tung Chung và một Hiệu trưởng Trường Tiểu học tại Shatin đều phàn nàn có Pokemon trong trường của mình.
Sở Giáo dục Hồng Kông đề nghị phụ huynh và giáo viên thảo luận với học sinh làm sao tránh nghiện game, trong đó có Pokemon Go.
Ngành GD Đài Loan, Trung Quốc cũng đang xem xét cấm Pokemon Go khỏi các trường học trước đề nghị của nhiều phụ huynh muốn cấm trò chơi này trong trường học từ đầu năm học 2016 - 2017.
Trường học tự hành động
Không phải chờ tới khi có tiếng nói của một Bộ trưởng, nhiều trường học tại Indonesia đã ngăn chặn học sinh chơi Pokemon Go từ trước đó. Trường THCS công lập SMPN tại Purwokerto, Trung Java, giám sát chặt hơn học sinh trong khu vực trường. Điện thoại di động của khoảng 1.000 học sinh bị kiểm tra liên tục để bảo đảm học sinh không thể chơi trò này ở trường; và những ứng dụng trực tuyến dựa trên Android không được tải về điện thoại.
“Chúng tôi không muốn trò chơi này ảnh hưởng đến việc học hành, vì vậy chúng tôi phải ban hành quy định cấm chơi” – Hiệu trưởng Sulistyaningsih nói. Nữ Hiệu trưởng này cho biết, hàng trăm điện thoại Android của học sinh có cài ứng dụng Pokemon Go đã bị yêu cầu xoá ngay lập tức. “Sau khi giải thích mối nguy hại của trò chơi, học sinh hiểu và sẵn sàng loại bỏ ứng dụng này khỏi điện thoại của mình” – Sulistyaningsih nói.
Sulistyaningsih cũng cho biết trường đã cấm sử dụng điện thoại di động thông minh ở trường sau một nghiên cứu cấp trường. Nghiên cứu cho thấy, học sinh càng dùng điện thoại đa chức năng thì kết quả học tập càng giảm. Vị Hiệu trưởng này cũng dẫn chứng từ báo chí rằng sử dụng điện thoại thông minh có thể gây tổn hại não và thần kinh mắt. Mặc dù cấm sử dụng điện thoại thông minh, trường vẫn cho phép học sinh sử dụng thiết bị viễn thông cho mục đích hạn chế như gửi tin nhắn.