Nâng cao nhận thức
Từ lứa tuổi tiểu học, bé gái đã được giáo viên truyền tải kỹ năng sống, biết nhận diện những hành động ảnh hưởng tới thân thể. Các em được giáo viên hướng dẫn quan niệm tân tiến về phân biệt vai trò bé trai, bé gái…
Với học sinh THCS, THPT được học về bình đẳng giới ở bài học môn Giáo dục công dân, Sinh học. Các em được trang bị về quyền và nghĩa vụ của công dân; cơ chế sinh trưởng, yếu tố ảnh hưởng đến giới, yếu tố gien…
Có được điều này bởi Chương trình, sách giáo khoa mới đã hướng đến nâng cao nhận thức giới cho giáo viên, học sinh trong toàn ngành. Sách mới đã điều chỉnh và loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh - Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục cho biết: Thời gian quan, Bộ GD&ĐT đã quan tâm xóa bỏ định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa, giúp nâng cao nhận thức của ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội chung về vấn đề giới. Bộ đã xây dựng, phổ biến và tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu hướng dẫn về lồng ghép giới trong sách giáo khoa (bao gồm nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ...) tới các ban biên soạn, thẩm định Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau năm 2018).
Trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông các môn học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 thể hiện rõ quan điểm: “Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan (trong đó có Luật Bình đẳng giới); tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh”.
Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Khoản 2, Điều 4 nêu rõ: “Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội”.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn “Lồng ghép giới vào Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Mục tiêu của tài liệu nhằm cung cấp thông tin và trang bị một số kỹ năng cần thiết cho cán bộ trong ngành Giáo dục và thành viên Ban xây dựng chương trình, Ban soạn thảo sách giáo khoa cách thức nhận biết định kiến và khuôn mẫu giới tồn tại trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành để đưa ra các quyết định phù hợp, bảo đảm tốt nhất việc lồng ghép giới trong xây dựng, thẩm định, biên soạn sách mới…
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo xây dựng tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo, chỉ dẫn nguồn, phổ biến, tập huấn cho giáo viên phương pháp thích hợp giảng dạy về giới tính, giới, sức khỏe sinh sản, tình dục và bình đẳng giới vào các môn Tự nhiên, Xã hội, Sinh học, Giáo dục công dân. Phối hợp với Bộ Y tế thực hiện chương trình thử nghiệm về giáo dục giới tính và cung cấp thông tin truyền thông về sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa cho học sinh, sinh viên.
Đơn giản hóa hình thức truyền tải
Theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục Cần Thơ, nhận thức và chú trọng nội dung bình đẳng giới được thể hiện rõ nét trong Chương trình, sách giáo khoa mới.
Trước kia, bình đẳng giới chưa được chú trọng trong sách giáo khoa. Hình ảnh lực lượng công an, quân đội thiếu vắng bóng dáng phụ nữ. Hình ảnh nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái thiếu vắng hình ảnh nam giới…
Ông Nhân nhận định: Với Chương trình, sách giáo khoa mới, vấn đề giới đã được quan tâm và chú trọng kỹ càng, khoa học hơn. Các hình ảnh, nội dung trong sách hài hòa giữa nam và nữ. Điều này giúp học sinh nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới…
Cô Tạ Thu Hương - giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Duyên Thái, (huyện Thường Tín, Hà Nội) nhìn nhận: Giới và bình đẳng giới là vấn đề nổi cộm của xã hội. Mất cân bằng giới tính len lỏi vào từng ngõ xóm, bạo lực học đường trẻ hoá ở cấp học, phá thai ở tuổi vị thành niên số lượng tăng lên không ngừng… Việc giải quyết các hậu quả chỉ xử lí được phần ngọn của định kiến giới và bất bình đẳng giới. Để triệt tận gốc cần hướng vào ý thức của mọi người. Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước nên cần có hành trang về giới và bình đẳng giới vững vàng.
Là giáo viên dạy môn Sinh học, kiến thức bộ môn rất gần với vấn đề giới và bình đẳng giới, trong Sinh học 8 và Sinh học 9, cô Hương đã vận dụng, lồng ghép các kiến thức để làm rõ hơn một số mảng liên quan giới và bình đẳng giới; hậu quả sinh con ở tuổi vị thành niên. Tại sao pháp luật quy định hôn nhân 1 vợ, 1 chồng? Cách phòng tránh xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên; có hay không lựa chọn giới tính của thai nhi?…
Cô Hương chia sẻ: Để học sinh dễ dàng chia sẻ quan điểm cá nhân, giúp tôi hiểu được suy nghĩ, có định hướng, uốn các em vào con đường đúng đắn, tôi thường xây dựng hoạt động học tập theo hướng mở thông qua tình huống thực tế. Ở tình huống đó, học sinh là người chỉ rõ nguyên nhân; nêu hậu quả; vạch ra biện pháp giải quyết và biện pháp phòng tránh; khẳng định được biện pháp hiệu quả nhất trong các biện pháp đưa ra. Cuối cùng, các em là rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và “Không để bản thân rơi vào tình huống đó”.