Đảm bảo phòng dịch, GV tận dụng thời gian tự nghiên cứu
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP Hải Phòng phê duyệt danh mục gồm 24 cuốn SGK lớp 2; 36 cuốn SGK lớp 6 cho năm học 2021-2022. Hiện, ngành Giáo dục đang tập huấn chương trình trực tuyến cho GV các nhà trường. Sau khi có quyết định phê duyệt lựa chọn SGK, các trường nhận được bản cứng SGK và chủ động đặt mua thêm sách để GV tự nghiên cứu, xây dựng giáo án và lên ý tưởng dựng bài dạy thực nghiệm.
Cô giáo Đoàn Thị Bích Liên- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thắng, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng cho hay, hiện GV đang tập trung tập huấn chương trình SGK. Dự kiến năm học tới nhà trường có 30 lớp, với 34 GV trong đó 2 GV Ngoại ngữ, một GV tổng phụ trách. Do thiếu GV nên để đảm bảo chương trình, nhà trường dồn lực hết cho chương trình tập huấn.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên chương trình tập huấn diễn ra trực tuyến, trường phân thành từng phòng học cho GV để đảm bảo giãn cách, phòng dịch.
Là trường học vùng khó, điều kiện vật chất còn hạn chế nhưng Tiểu học Hùng Thắng sắp xếp đảm bảo đủ phòng học của các môn văn hóa. Thiếu phòng học bộ môn và phòng quản lý, nhà trường đã đề xuất với UBND huyện quan tâm đầu tư một dãy phòng học và khu hiệu bộ, cô Liên chia sẻ.
Đảm bảo quá trình "chạy" chương trình SGK lớp 2 trơn tru, Trường Tiểu học Vinh Quang, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng huy động GV trong trường tham gia tập huấn. Đảm bảo các thầy cô ở các khối lớp trên được tiếp cận sớm với chương trình mới, chuẩn bị tốt cho những năm sau. GV đến trường bồi dưỡng chương trình phải đeo khẩu trang, sát khuẩn nhanh và ngồi giãn cách để phòng dịch.
Cô giáo Hà Thị Thư- Hiệu trưởng Trường THCS An Đồng, xã An Đồng, huyện An Dương chia sẻ, sau khi có quyết định phê duyệt lựa chọn SGK của thành phố, nhà trường đã nhận được bản cứng SGK để giáo viên nghiên cứu và xây dựng bài giảng.
Để mỗi thầy cô bộ môn, tổ trưởng chuyên môn, cán bộ quản lý đều có một cuốn SGK, nhà trường đã đặt mua thêm. Song song với thời gian tập huấn trực tuyến, GV tự nghiên cứu sách và soạn giáo án. Nhiều thầy cô đã chủ động dựng giáo án cho bài dạy theo khung chương trình và hướng dẫn của ngành.
Hiện nay, ngành Giáo dục toàn thành phố đang bồi dưỡng Mô đun 3,4 và dự kiến hoàn thành chương trình tập huấn trước 31/7.
Linh hoạt đáp ứng
Song hành cùng kế hoạch tuyển sinh cho năm học tới, tập huấn chương trình thay sách, Phòng GD&ĐT Đồ Sơn chủ động các điều kiện đảm bảo đáp ứng chương trình.
Bà Nguyễn Thị Ước - Trưởng phòng GD&ĐT quận Đồ Sơn cho hay, dự kiến năm học tới, toàn quận có 700 HS lớp 6, hơn 800 HS lớp 1 và hơn 700 lớp 2. Qua rà soát, các trường trong quận đảm bảo cơ bản cơ sở vật chất. Về đội ngũ, quận còn thiếu GV ở một số môn như: Tin học, tiếng Anh, môn học tự chọn.
Được sự đầu tư quan tâm của quận, đã có 6 trường tiểu học được đầu tư thiết bị dạy học với tổng hơn 600 triệu đồng. Các trường THCS đã được lên dự toán và có kế hoạch bổ sung thiết bị cho năm học tới.
Ông Cao Văn Rôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng chia sẻ, năm học này toàn huyện thiếu đến trên 70 GV, đơn cử như Trường Tiểu học Hùng Thắng thiếu hơn chục GV. Bên cạnh việc báo cáo phòng Nội vụ để đề xuất chỉ tiêu bổ sung cho năm học, phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường linh hoạt trong phân công chuyên môn và có kế hoạch điều động giáo viên "giúp đỡ" các trường thiếu hụt nhân sự để hoàn thành chương trình.
Triển khai chương trình SGK mới, năm học 2021-2022 toàn thành phố Hải Phòng thiếu 1.353 GV tiểu học, thiếu 518 phòng học để đảm bảo đủ mỗi lớp một phòng. Bậc THCS toàn thành phố thiếu khoảng 300 GV dạy Ngoại ngữ 2 (tiếng Nhật, tiếng Hàn), 29 GV Nghệ thuật, 28 GV Tin học....Đặc biệt, số phòng thực hành Âm nhạc, Nghệ thuật mới đạt 33%, phòng thực hành Lý-Hóa-Sinh- Công nghệ đạt 74%...
Ông Lê Quốc Tiến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, hiện ngành đang triển khai tập huấn cho GV để thực hiện chương trình mới. Vì dịch bệnh nên quá trình triển khai bị ảnh hưởng.
Đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục thì vấn đề đội ngũ là vô cùng quan trọng. Để giải quyết được tình trạng thiếu nhân sự, về lâu dài ngành Giáo dục Hải Phòng cần sớm có kế hoạch "đặt hàng" đào tạo GV với Trường ĐH Hải Phòng. Đặc biệt, khâu truyền thông, định hướng lựa chọn ngành học trong các trường sư phạm đảm bảo độ phủ các môn giảng dạy trong các nhà trường là cần thiết.
Mong muốn sớm có tiết dạy thực nghiệm
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện chương trình mới nhiều trường THCS trong thành phố mong muốn Sở GD&ĐT sớm có chỉ đạo định hướng việc triển khai dạy học môn học Tự chọn; đề xuất với Sở Nội vụ sớm có kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho năm học tới, đặc biệt môn học Tự chọn các trường đều không có nhân lực tại chỗ.
"Các trường đều mong mỏi Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tốp đầu tiên phong xây dựng các tiết dạy thực nghiệm. Từ đó, GV bộ môn sẽ được học cụ thể, hình dung rõ nét về cách thức và nội dung bài học để chủ động xây dựng giáo án", một hiệu trưởng trường THCS bày tỏ mong muốn.
Nhiều trường THCS đề xuất, nên chăng Sở GD&ĐT đưa ra khung đánh giá chất lượng cụ thể cho từng môn học để GV bộ môn các trường bám sát và đánh giá được chất lượng giáo dục.