Trường học sau lũ vượt khó dạy học

GD&TĐ - Sau 2 trận lũ xảy ra vào tháng 10, hệ thống cơ sở vật chất của nhiều trường học tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế xuống cấp nghiêm trọng.

Chỉ sau ít ngày ngâm trong nước lũ, những chiếc bàn ghế bằng gỗ ép của giáo viên và học sinh đã bị bong tróc, mục nát.
Chỉ sau ít ngày ngâm trong nước lũ, những chiếc bàn ghế bằng gỗ ép của giáo viên và học sinh đã bị bong tróc, mục nát.

Các trang thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh bị ngập nước, hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động dạy học. Vượt lên khó khăn, các thầy cô nỗ lực bắt nhịp dạy học. Dù trường lớp còn ngổn ngang, tiếng đọc bài, nô đùa của học trò vang lên tại nhiều địa phương.

Nhiều trang thiết bị dạy học hư hỏng

Nằm trong vùng trũng của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), thầy trò Trường Tiểu học Tượng Sơn năm nào cũng chứng kiến cảnh nước lũ tràn. Tuy nhiên, trận lũ năm nay vượt khỏi suy nghĩ và sự chuẩn bị của tập thể giáo viên nhà trường. Mực nước tại phòng học cao hơn 1,2m suốt 3 ngày. Nhiều trang thiết bị (bàn ghế, phòng thư viện…) bị hư hỏng. Ngoài ra, hơn 50m tường rào bị sập đổ, thiệt hại lên tới hơn 600 triệu đồng.

Thầy Trần Huy Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tượng Sơn cho biết: Trước khi lũ về, nhà trường huy động toàn thể giáo viên dọn sách vở và các thiết bị dạy học lên nơi cao ráo. Tuy nhiên, mực nước lũ năm nay nằm ngoài dự tính của nhà trường nên tất cả bị nước nhấn chìm.

Còn tại Trường Tiểu học Thạch Đài, những ngày qua, cô Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng nhà trường phải làm việc tại phòng của đồng nghiệp. Toàn bộ phòng hiệu trưởng đang được tận dụng để kê sách vở, trang thiết bị chưa được dỡ xuống.

“Cứ nghe thông báo có mưa to và bão, giáo viên, học sinh lại nơm nớp lo lắng. Mấy ngày qua, dự báo có bão nên nhà trường chưa đưa đồ đạc xuống để phòng khi mưa ngập trở tay không kịp”, cô Huế tâm sự.

2 cơn lũ vừa qua, Trường Tiểu học Thạch Đài có thời điểm ngập gần 1m. Kinh hoàng nhất là trận lũ ngày 19/10. Nước lên nhanh tràn vào các phòng học, giáo viên và bảo vệ phải bơi trong nước để phá cửa đưa một số đồ dùng lên cao. Tuy nhiên, rất nhiều thiết bị, máy móc bị hư hỏng không thể sử dụng. Thống kê sơ bộ, nhà trường có 500 đầu sách, hơn 50 bộ bàn ghế học sinh, giáo viên, tủ lạnh phục vụ bán trú… đều bị hư hỏng.

“Sau khi lũ rút, các giáo viên  tranh thủ đem phơi nhưng do ngâm nước lâu ngày nên đồ dùng, thiết bị này đã mục nát. 5 chiếc máy tính của phòng thư viện đang được sấy tại cửa hàng sửa chữa. Môn Âm nhạc giáo viên đang phải dạy “chay” do chiếc đàn organ duy nhất của nhà trường đã bị hỏng sau trận lũ”, cô Huế chia sẻ.

Còn tại Trường THCS Đại Thành (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên), nước lũ đã làm hư hỏng hơn 200 bộ bàn ghế cùng nhiều trang thiết bị khác, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Để khắc phục, các thầy cô đang tổ chức tu sửa, tận dụng những bộ bàn ghế còn dùng được, tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Do đó, nhà trường bố trí học sinh ngồi ghép, 3 đến 4 em/bàn.

Thầy Hà Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành cho hay: “Nhà trường  mong  sớm có thêm bàn ghế để ổn định việc học cho các em. Tuy nhiên, trong lúc trông chờ nguồn lực huy động từ phụ huynh rất khó khăn do phần lớn gia đình các em cũng ảnh hưởng từ trận lũ vừa qua”.

Đàn organ tại Trường Tiểu học Thạch Đài bị hỏng do ngâm trong nước.
Đàn organ tại Trường Tiểu học Thạch Đài bị hỏng do ngâm trong nước. 

Cùng vượt khó

Để bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch dạy và học, ngành Giáo dục huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) vừa chủ động ứng phó với diễn biến mới của thời tiết, tập trung khắc phục thiệt hại, ổn định trường, lớp.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền trao đổi: Thực hiện phương châm nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó, phòng chỉ đạo các trường chủ động dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng lớp học và khuôn viên nhà trường… nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường để tránh những dịch bệnh thường bùng phát sau mưa. Đồng thời, phòng yêu cầu các trường thường xuyên nắm bắt tình hình trường lớp cũng như hoàn cảnh từng học sinh để báo cáo cấp trên, kịp thời có phương án hỗ trợ đúng đối tượng; kiểm tra kỹ hệ thống điện, nếu có dấu hiệu hư hỏng, mất an toàn  kịp thời sửa chữa, khắc phục và cảnh báo với học sinh, không để xảy ra rủi ro không đáng có.

Thầy Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phò Ninh, xã Phong An thông tin: “Nằm ở vùng thấp trũng, các phòng học ở tầng 1 của trường bị ngập gần 1,5m. Để hạn chế thiệt hại, nước vừa rút, nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ giáo viên, nhân viên đến dọn vệ sinh trước khi học sinh đi học trở lại”.

Theo cô Trương Thị Thiên Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hiền, xã Phong Hiền, dù có sự chuẩn bị trước, nhưng do sức tàn phá của các đợt thiên tai quá nặng, nhiều phòng học bị ngập khiến hệ thống bàn ghế bằng chất liệu gỗ ép hư hỏng hoàn toàn. Mưa dài ngày, phòng ốc ẩm ướt, hệ thống máy tính bị hư hỏng nặng, toàn bộ dây mạng phải thay mới. Cũng trên tinh thần vận dụng lực lượng tại chỗ để dọn dẹp, sửa chữa những hạng mục nhỏ… đã đón học sinh trở lại trường sau lũ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó phòng GD&ĐT huyện Phong Điền chia sẻ: 100% học sinh trên địa bàn được nhận quà hỗ trợ. Với học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh có gia đình bị ảnh hưởng nặng do lũ được quan tâm đặc biệt… nên không có em nào phải nghỉ học do lũ.

Còn theo cô Trần Thị Dung Huế, thời gian nghỉ học lâu, nhiều em khi trở lại trường tỏ ra không hứng thú. Giáo viên phải thường xuyên động viên, lồng ghép nhiều hoạt động vào trong các tiết học để tạo hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường chưa chú trọng ôn kiến thức mới mà tập trung ôn kỹ kiến thức cũ để học sinh nắm chắc mới chuyển qua bài học mới.

Bên cạnh các giải pháp cứu trợ nhu yếu phẩm và vật tư để giúp đỡ khẩn cấp cho phụ huynh và học sinh, ngành đã đặt ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục hệ thống trường lớp, khi thời tiết thuận lợi, tổ chức dạy bù để bảo đảm kế hoạch dạy học đúng tiến độ. Với những trường bị thiệt hại nặng, cần kinh phí lớn, phòng sẽ tham mưu cấp trên để có phương án giải quyết. - Ông Nguyễn Phi Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.