Trường học sau lũ: Dạy bù nhưng không gây áp lực cho thầy và trò

GD&TĐ - Thanh Chương là huyện bị ngập nặng nhất tỉnh Nghệ An trong đợt mưa lũ vừa qua. Sau lũ, chính quyền địa phương xác định ưu tiên nguồn lực cho các trường học khắc thiệt hại, sớm ổn định dạy và học trở lại.

Trường Mầm non Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An dọn dẹp sau lũ
Trường Mầm non Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An dọn dẹp sau lũ

Đảm bảo tiến độ chương trình nhưng không gây áp lực

Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngành giáo dục Thanh Chương, Nghệ An ước tính thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh, phòng dịch được các nhà trường khẩn trương thực hiện với sự hỗ trợ lớn từ các cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội Sư đoàn 324... Ngành y tế cũng phối hợp với các nhà trường để xử lý môi trường, nguồn nước, phòng dịch bệnh. 

Theo ông Trần Xuân Hà – Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết, đến nay 100% trường học trên địa bàn đã hoàn thành dọn dẹp, vệ sinh, đón học sinh quay lại trường. Tuy nhiên một số địa phương học sinh đi lại vẫn chưa an toàn nên các trường vẫn quyết định cho học sinh nghỉ học. Cụ thể đến ngày 4/11, có 105 trường đi học, còn 11 trường vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học, chủ yếu do ngập lụt cục bộ ở các thôn xóm.

Ông Trần Xuân Hà (đứng bên phải) - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Chương, Nghệ An kiểm tra công tác dọn dẹp sau lũ tại các trường học trên địa bàn
Ông Trần Xuân Hà (đứng bên phải) - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Chương, Nghệ An kiểm tra công tác dọn dẹp sau lũ tại các trường học trên địa bàn

Trong đó, có 2 trường Mầm non Thanh Hà và Thanh Nho dù đã cơ bản hoàn thành dọn dẹp, vệ sinh nhưng vẫn chưa thể đón trẻ và tổ chức bán trú. Lý do các trường này ở vùng thấp trũng, hiện xung quanh vẫn bị ngập lụt. Môi trường ẩm thấp dễ phát sinh bệnh cho trẻ. Vì vậy, sau khi thời tiết ổn định, trường lớp được khử khuẩn, khô ráo thì mới tổ chức bán trú trở lại.  

Đối với các trường tiểu học, lo lắng nhất là thiếu SGK lớp 1, do đây là năm đầu tiên triển khai chương trình mới. Tuy nhiên, qua báo cáo của các hiệu trưởng, nhà trường đã kêu gọi, vận động xã hội hóa và nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm.

“Ngành giáo dục huyện không để học sinh đi học mà thiếu sách vở. Chúng tôi cũng ưu tiên kêu gọi hỗ trợ, đặc biệt là tivi dành cho trường tiểu học, mầm non để hỗ trợ giáo viên dạy học đủ kênh chữ và kênh hình”, ông Trần Xuân Hà khẳng định.

Lực lượng quân đội hỗ trợ trường học khắc phục hậu quả do lũ
Lực lượng quân đội hỗ trợ trường học khắc phục hậu quả do lũ

Cũng theo ông Trần Xuân Hà, quan điểm của lãnh đạo huyện và phòng GD&ĐT là các trường khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt để đón học sinh quay trở lại trường sớm nhất nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Những trường chưa đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất và giao thông đi lại - cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi an toàn mới quay lại trường. Đồng thời có kế hoạch dạy bù khi các em quay lại học.

Khi các trường hoạt động trở lại, Phòng GD&ĐT cũng bám sát kế hoạch giáo dục của các trường năm học 2020- 2021 để chỉ đạo việc dạy bù. Đảm bảo không gây áp lực cho học sinh, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo kế hoạch giáo dục đã đề ra.

Ổn định tâm lý, động viên học sinh tới trường sau lũ

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho biết, Phòng đã thống kê thiệt hại của các trường do mưa lũ gây ra báo cáo UBND huyện, Sở GD&ĐT Nghệ An. Qua đó, đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả, kịp thời đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sách vở cho học sinh. Lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng rất quan tâm, xác định ưu tiên các nguồn lực khắc phục những thiệt hại để các nhà trường sớm ổn định công tác dạy và học.

Hiện 100% các trường học tại Thanh Chương đã dọn dẹp xong, chuẩn bị các điều kiện dạy học trở lại
Hiện 100% các trường học tại Thanh Chương đã dọn dẹp xong, chuẩn bị các điều kiện dạy học trở lại

Phòng cũng chỉ đạo các trường sử dụng các nguồn vận động tài trợ của phụ huynh học sinh và các nguồn thu hợp pháp khác, chuyển hạng mục các công trình chưa thực sự cần thiết để ưu tiên công tác khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra, sớm ổn định công tác dạy học.

Theo người dân huyện Thanh Chương, Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua gây ngập lụt nặng nhất trong hơn 10 năm lại đây. Hàng trăm ngôi nhà bị chìm trong nước lũ. Dù lũ lên nhanh, rút nhanh, song nhiều gia đình bị cuốn trôi hư hỏng tài sản, thiệt hại hoa màu, vật nuôi... Thiệt hại về kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình học sinh. Vì vậy, Phòng GD&ĐT Thanh Chương cũng yêu cầu các trường thuộc vùng lũ quan tâm, động viên, ổn định tinh thần học sinh sau khi đi học trở lại. Đồng thời nắm danh sách gia đình học sinh bị ảnh hưởng, gặp tổn thất do lũ để kịp thời có hỗ trợ, tặng quà, động viên gia đình các em.

Các đơn vị đến hỗ trợ thiết bị, máy tính cho trường học vùng lũ Nghệ An
Các đơn vị đến hỗ trợ thiết bị, máy tính cho trường học vùng lũ Nghệ An 

Ông Trần Xuân Hà cho biết, trước đó, khi các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh bị thiệt hại lớn do mưa lũ, sạt lở, ngành giáo dục Thanh Chương đã huy động hơn 600 triệu tiền mặt, cùng với nhiều hiện vật để gửi ủng hộ. Thời điểm đó, Phòng không huy động trong học sinh, nhưng các em vẫn tích cực và mong muốn được tham gia.

Có câu chuyện cảm động như ở Trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn – vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ). Học sinh đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên trường không phát động quyên góp. Nhưng chính các em lại chủ động hỏi thầy cô “khi nào thì chúng em được ủng hộ, giúp đỡ bạn bè vùng lũ”. Sau đó, có em mang theo 4 gói mì tôm, em thì mang đến 5 quyển vở... để ủng hộ.

“Đến khi Thanh Chương bị ngập lụt, chúng tôi lại nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ đồng bào cả nước và đón cả đoàn thiện nguyện của chính bà con vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh... Đây cũng là nguồn động viên cả về vật chất lẫn tinh thần rất lớn đối với thầy cô và học sinh trên địa bàn, để khắc phục hậu quả do lũ gây ra, sớm ổn định dạy học trở lại”, Trưởng Phòng GD&ĐT Thanh Chương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ