Thầy cô cắt rừng, băng suối vào trường học sau lũ

GD&TĐ - Đi xuồng, leo núi, rồi lại lội suối, lúc phải bám vào cây rừng men để trèo qua con đường gian nan và nguy hiểm. Có lúc tủi thân bật khóc rồi lại bảo nhau: "Cố gắng, cho đến khi vào được đến trường"! Đó là hành trình đến trường của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An sau trận lũ lịch sử trên sông Nậm Típ.

Tuyến đường độc đạo vào Mường Típ, Mường Ải bị lũ phá hủy hoàn toàn, thầy cô lội bộ đến trường
Tuyến đường độc đạo vào Mường Típ, Mường Ải bị lũ phá hủy hoàn toàn, thầy cô lội bộ đến trường

Gần 12 năm dạy học ở Mường Típ, chưa bao giờ cô Lê Thị Hằng lại thấy con đường đến trường gian nan, vất vả và nguy hiểm như thế. “Nói là đường, nhưng làm gì còn đường nữa, đã bị trôi, sạt lở xuống sông hết rồi”, cô Hằng nói.

Cùng nhau vượt qua đoạn suối nước chảy siết
 Cùng nhau vượt qua đoạn suối nước chảy siết

Trận lũ quét, lũ ống do cơn bão số 4 vừa qua đã cắt đứt hoàn toàn con đường độc đạo từ thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) vào các xã Mường Típ, Mường Ải.

Nước lũ dâng cao kỷ lục cuốn trôi các công trình cầu, xóa sổ nhiều đoạn đường và cô lập các bản làng của 2 xã bên dòng sông Nậm Típ với trung tâm huyện.

Để vào trường chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ buộc phải đi bộ hơn 35km… với đủ núi cao, vực sâu, nước suối chảy siết.

Sau trận lũ, con đường dọc sông Nậm Típ bị phá hủy, ngổn ngang đất, đá, thân cây gãy
Sau trận lũ, con đường dọc sông Nậm Típ bị phá hủy, ngổn ngang đất, đá, thân cây gãy 

Trước đó, cuối tháng 7, ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn liên tục đã khiến tuyến đường trên bị sạt lở, nhiều đoạn nứt toác. Việc khắc phục chưa xong thì trận lũ mới ập đến phá hỏng toàn bộ tuyến đường trên. Không ai dám đi một mình, mà phải đi thành từng nhóm để hỗ trợ nhau.

Nhóm của cô Lê Thị Hằng vào tựu trường hôm ấy có tất cả 5 người, ngoài cô Hằng còn có cô Trần Thị Minh Yến, Vi Thị Thỏa, Nguyễn Thị Thu Hiền và thầy Ốc Văn Tình…

“Chúng tôi cứ nhìn theo dòng chảy của con sông để xác định hướng đi. Đầu tiên là đi bộ, rồi đi nhờ xuồng của bà con. Nhưng sau đó chủ yếu trèo núi. Có những đoạn một bên là núi, một bên là vực, phía dưới nước sông vẫn chảy cuồn cuộn, đục ngầu. chúng tôi nối nhau, bám vào cây rừng, không dám nhìn xuống, cứ thế leo qua, từng đoạn, từng đoạn”, cô Hằng kể.

Hai cô giáo bám chặt lấy nhau lội qua suối
 Hai cô giáo bám chặt lấy nhau lội qua suối

Trên đường đi, cô Nguyễn Thị Thu Hiền không may sẩy chân rơi xuống vực. Đó là đoạn qua bản Xốp Phong - nơi mái đồi đổ ập xuống trong cơn lũ tối trước đó, cuốn trôi 2 người dân mất tích.

“Lúc đó tôi rất hoảng loạn, chỉ thấy bị rơi xuống rất nhanh, xung quanh tối sầm. Tôi nghĩ thôi lần này mình chết thật rồi. Đến khi không bị lăn nữa, tôi mới mở mắt ra, thấy mình đầy bùn đất, chân đau nhói. Rồi tôi cố đứng dậy, bám vào rễ, cành cây trèo dần lên. Các thầy cô đồng nghiệp giúp kéo tôi lên khỏi miệng vực. Biết sống rồi thì ôm nhau khóc”, cô Hiền nhớ lại.

Nhưng khóc xong rồi thì lại động viên nhau đi tiếp. Dưới chân thì đất đá, bùn lầy, trời thì nắng chang chang, vừa đi vừa thờ, một đoạn thì nghỉ lấy sức.

Phút giây nhờ nhà dân bản ngồi nghỉ tạm
Phút giây nhờ nhà dân bản ngồi nghỉ tạm 

Kỳ Sơn vẫn đang mùa mưa, trời đang nắng như thế, nhưng thoắt cái, có thể kéo mây mà mưa xối xả. Nếu trời mưa, thì lại càng vất vả và nguy hiểm hơn nữa nên mọi người không dám nghỉ lâu, dừng lại một lúc lại đi tiếp.

Thế nhưng, cũng phải mất 2 ngày 1 đêm ròng rã, các thầy cô mới vào được đến trường Tiểu học Mường Típ, ngôi trường vẫn còn ngổn ngang những bùn đất sau trận lũ. Một số phòng học, nhà ăn, nhà ở giáo viên bị nước lũ cuốn trôi.

Trước đó, ngày 1/8 trả phép, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ đã kịp đưa sách vở cho năm học mới vào trường. Lần này, chỉ mang theo ít tư trạng, còn chủ yếu mang theo lương thực, thực phẩm.

Thầy cô nào cũng mang theo balo nặng trĩu
Thầy cô nào cũng mang theo balo nặng trĩu 

Balo nặng trĩu, nhưng không dám bỏ lại nhiều. Con đường bị xóa sổ nhiều đoạn, khó lòng khắc phục thời gian tới. Vì vậy, đó là thức ăn dự trữ của các thầy cô, trong những ngày đầu năm học, với nhiều công việc phải làm phía trước.

Một số hình ảnh khác về hành trình vượt rừng vào trường học sau bão của thầy cô Tiểu học Mường Típ (Kỳ Sơn, Nghệ An):

Những thân cây được bắc tạm để qua suối
 Những thân cây được bắc tạm để qua suối
Có đoạn phải bám vào cây rừng, men dọc mép vực
 Có đoạn phải bám vào cây rừng, men dọc mép vực
Bữa ăn trưa của các thầy cô dọc đường sau đó tiếp tục hành trình
 Bữa ăn trưa của các thầy cô dọc đường sau đó tiếp tục hành trình
Trèo lên đồi cao để đi
 Trèo lên đồi cao để đi
Hành trình gian nan và nguy hiểm nhưng các thầy cô động viên nhau cố gắng để kịp vào chuẩn bị cho khai giảng năm học mới
 Hành trình gian nan và nguy hiểm nhưng các thầy cô động viên nhau cố gắng để kịp vào chuẩn bị cho khai giảng năm học mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.