Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình), giá các loại như rau muống, rau khoai, cải… tăng từ 2 - 3 lần so với trước đó. Cụ thể, trước mưa lũ, giá mỗi bó cải xanh ở chợ Đồng Hới dao động từ 8 -10 nghìn đồng, sau lũ rau cải được bán theo kg nên đẩy giá mỗi bó rau tăng gấp 3 - 4 lần.
Theo các tiểu thương, giá rau xanh tăng mạnh do nguồn cung hàng khan hiếm, nhiều diện tích hoa màu, nguồn cung trước đây đều bị thiệt hại do mưa lũ, một số loại rau phổ biến hàng ngày thậm chí còn không có hàng. Giá rau xanh tăng cũng khiến hoạt động buôn bán của họ trở nên khó khăn hơn.
Cô Lê Thị Hồng Quảng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Đồng Hới) cho biết: Mỗi ngày có khoảng 300 trẻ ăn tại trường nên nhu cầu rau xanh tương đối lớn.
Trước mưa lũ, nhà trường tự cung cấp từ vườn rau của bé. Tuy nhiên, mưa lũ nhiều ngày khiến rau khoai lang, muống, ngót Nhật Bản… hỏng, buộc nhà trường phải tìm nguồn cung cấp ở thị trường.
Giá rau xanh đẩy cao, bếp ăn của nhà trường phải chấp nhận để bảo đảm dinh dưỡng cung cấp cho trẻ theo quy định. Với tình hình hiện tại, phải hơn 10 ngày nữa giá rau xanh mới bình ổn, do vậy nhà trường cần tính toán để điều chỉnh rau xanh thành củ quả vừa bảo đảm chất lượng bữa ăn cũng như định mức ăn hàng ngày của trẻ.
Cô Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Đồn (TX Ba Đồn – Quảng Bình) chia sẻ: Khuôn viên nhà trường hạn hẹp không thể tăng gia rau củ quả sạch cho bếp ăn của trẻ hàng ngày.
Trước thực trạng khan hiếm rau xanh, nhà trường có kế hoạch hợp đồng các siêu thị trên địa bàn. Nguồn cung cấp này từ Đà Lạt nên khẩu phần ăn của trẻ vẫn đủ lượng rau xanh, củ quả.
Bên cạnh việc tìm nguồn rau xanh, thực phẩm sạch, các trường học có bếp ăn, tổ chức bán trú cho học sinh còn thắt chặt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sau lũ. Các bếp ăn được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng, khử khuẩn đồ dùng để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tổ chức bữa ăn, tổ chức bán trú cho học sinh…