Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, người dân 16 xã, trong đó có không ít học sinh Trường An Phước, tập trung về sân vận động tổng An Phước ngày 16/8/1945, lên đường giành chính quyền.
Tiếng vang An Phước
Trường An Phước nguyên là lớp học chữ Nho cho con em làng Cẩm Toại, do ông Tú Lâm Hữu Mẫn, nguyên Bang tá Tỉnh ủy của Nghĩa hội Quảng Nam, mở từ năm 1888, tại xóm Gò Lòi, bấy giờ thuộc thôn Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc. 16 năm sau, hưởng ứng Phong trào Duy Tân, ông Tú Mẫn giao trường lại cho trưởng nam là Tú tài Lâm Quang Tự, thường được gọi là ông Nghè Lâm.
Năm 1908, sau khi nổ ra phong trào “kháng sưu, chống thuế” ở Đại Lộc rồi lan rộng ra vùng phía Tây Hòa Vang, trường được dời về xóm Đình bên Tỉnh lộ 102, nay là Quốc lộ 14B và chuyển hẳn sang dạy Quốc ngữ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong lời tựa cuốn Trường Tiểu học An Phước - 95 năm truyền thống đã nhấn mạnh: “Riêng ở Quảng Nam, có thể coi là cái lò bễ thổi tư tưởng Duy Tân từ ngoài vào trong nước với những chiến sĩ tiên phong như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp… thì tiếp sau nghĩa thục là cả một cuộc vùng dậy “dân biến” làm điên đảo chế độ thực dân phong kiến. “Nghĩa thục An Phước” ra đời trong cái lò luyện dân khí ấy”.
Nhắc đến ngôi trường tiểu học dân lập đầu tiên của đất Đà Nẵng, người dân nơi đây luôn tự hào với câu ca: “Quê mình có chợ Túy Loan/ Có Trường An Phước tiếng vang một thời”.
Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, đã có không ít HS Trường An Phước hòa cùng dòng người tham gia giành chính quyền. Đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm 1946, các thế hệ học trò của trường được bậc hương sư ưu thời mẫn thế trực tiếp dạy dỗ, phần lớn đều tham gia phong trào cách mạng tại địa phương.
Như PGS.TS Trần Ngọc Toản (SN 1937), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu khí Việt Nam, khi lên 10 tuổi đã tham gia cách mạng, từ làm liên lạc, rồi trở thành du kích dũng cảm, nhanh nhẹn. Cuối năm 1952, ông và tiểu đội du kích đã lập mưu chiếm được 2 xe ô tô tải ngay trước đồn địch đưa về khu du kích. Năm 1953, khi mới 15 tuổi, chàng thiếu niên Trần Ngọc Toản trở thành chiến sĩ trẻ tuổi nhất trong đoàn chiến sĩ thi đua Liên khu 5 ra dự Hội nghị Chiến sĩ Thi đua toàn quốc ở Việt Bắc. Sau này Hội nghị đã hoãn lại để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kết thúc hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, hơn 400 liệt sĩ là cựu HS Trường An Phước đã ngã xuống. Không chỉ anh dũng trong đấu tranh, trường còn là điểm tựa để nâng bước cho hơn 100 cán bộ cao, trung cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, trong đó có hơn 20 giáo sư, tiến sĩ khoa học nổi tiếng.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Toản, có đến 80% cựu HS An Phước đang sống ở Hà Nội là GS, TS. Tất cả đều dạy học, làm việc ở các trường đại học lớn, viện nghiên cứu, cơ quan Trung ương và cả ở nước ngoài. Tinh thần Duy Tân – Nghĩa Thục của ngôi trường vẫn vẹn nguyên giá trị, được thế hệ thầy trò hôm nay phát huy trong đổi mới giáo dục.
Gieo hạt gửi mùa sau
Đốm lửa nhỏ được nhóm lên ở làng Cẩm Toại từ hơn 110 năm qua đã bừng sáng thành ngọn lửa An Phước trên vùng đất học Hòa Vang. Nếu trong thời chiến, Trường Tông An Phước, Trường Sơ học An Phước – những tên gọi trước đây của Trường Tiểu học An Phước là nơi gieo mầm những hạt giống đầu tiên cho phong trào yêu nước và cách mạng thì thời bình, danh tiếng ngôi trường tiếp tục vang xa khi có nhiều cựu học sinh trưởng thành từ mái trường này.
Lúc sinh thời, Đại tá Lâm Quang Minh – cựu học sinh của trường, luôn đồng hành, hỗ trợ thầy trò nhà trường trong hoạt động dạy – học. Không chỉ quan tâm đến chất lượng dạy – học, ông Minh thường xuyên động viên, hỗ trợ, khen thưởng kịp thời những thành tích học tập, rèn luyện của HS. Những HS được giải ở các cuộc thi cấp thành phố, ông đều có phần thưởng cho cả thầy và trò. Đó là cách ông khích lệ để giáo viên luôn đổi mới, sáng tạo trong dạy học.
Trong ký ức của ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (HS khóa 1975 – 1980), ngôi trường Tiểu học An Phước chỉ có 2 dãy phòng học. “Học sinh đến trường còn mặc quần đùi, có hôm đi chân đất. Trên sân trường có một cái giếng, HS chạy nhảy thấy nóng quá thì múc nước lên tắm. Có thầy cô người Hòa Vang, nhưng cũng nhiều thầy cô ở tận dưới phố lên dạy. Điều kiện dạy học khó khăn nhưng thầy cô có trách nhiệm lắm. Thỉnh thoảng, thầy cô giáo đến nhà thăm hỏi, động viên HS, trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con em mình”, ông Lê Trung Chinh nhớ lại.
Ông Chinh vẫn nhớ môn Đạo đức được thầy cô giáo rất chú trọng trong dạy học. “Học trò đều nhớ lời thầy cô dặn dò, đi ngang đám tang phải dừng lại, bỏ mũ xuống và cúi đầu chào. Đi ngang những nơi trang nghiêm như chùa, miếu… cũng phải làm như vậy”. Có lẽ thầy giáo Cần đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về sứ mệnh của người thầy, để rồi sau này, cậu học trò Lê Trung Chinh chọn theo con đường sư phạm.
“Khi tôi đi học, thầy Cần đã lớn tuổi rồi. Thầy rất thương và chăm chút cho HS, uốn nắn từ nét chữ, cách đặt tính đến lời ăn tiếng nói… Trong những bài dạy trên lớp, thầy luôn nhắc các em gắng học để thành người” – ông Chinh kể. Gần chục năm nay, dù ở vị trí công tác nào, ông Chinh vẫn luôn đồng hành cùng nhà trường trong xây dựng định hướng phát triển. Những suất học bổng nghĩa tình từ sự hỗ trợ thầm lặng của người học trò cũ đã góp phần nâng bước đến trường cho những HS vượt khó.
Tiếp nối truyền thống
Cô Đinh Thị Dễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phước - chia sẻ: So với nhiều trường học trên địa bàn, nhà trường gặp thuận lợi trong công tác xã hội hóa. Xuất phát từ thực tế địa phương còn nghèo, HS của trường còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nên việc vận động ủng hộ của nhà trường cũng rất cụ thể. Những đóng góp từ tấm lòng thơm thảo của các HS cũ, nhà trường sử dụng để thưởng cuối kỳ, cuối năm cho HS đạt thành tích xuất sắc, học bổng cho HS nghèo vượt khó, “thưởng nóng” cho HS và GV đoạt giải các cuộc thi cấp thành phố, tổ chức Trung thu với quà bánh, xem múa lân, mua thẻ bảo hiểm y tế cho HS khó khăn…
Cô Dễ tâm sự: “Công tác ở ngôi trường có bề dày truyền thống là niềm vinh dự nhưng cũng đầy áp lực, nhất là trên cương vị quản lý. Gần 115 năm tuổi, ngôi trường là sự tiếp nối của rất nhiều thế hệ thầy và trò, gắn bó với sự trưởng thành của nhiều cuộc đời. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều xác định phải làm tròn nhiệm vụ của mình để tiếp nối truyền thống của nhà trường”.
Tập thể GV Trường Tiểu học An Phước đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, điển hình là việc triển khai các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học. Nhà trường khuyến khích GV ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. GV nhà trường luôn được giải cao trong cuộc thi bài giảng điện tử E-learning cấp thành phố hàng năm.
Trong đổi mới dạy học, với phương châm lấy HS làm trung tâm, dạy học theo hướng cá nhân hóa, nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng mũi nhọn cũng như phụ đạo HS yếu. Chất lượng HS giỏi thành phố tăng cao hàng năm qua các cuộc thi Giao lưu Toán, Tiếng Việt cấp thành phố, Ngày hội Trạng nguyên nhỏ tuổi… Các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động ngoài giờ… được nhà trường duy trì nhằm tăng cường thể chất, hình thành kỹ năng mềm cho HS…
Em Đặng Phạm Thanh Hương (HS lớp 5/4) – Liên đội trưởng Trường Tiểu học An Phước tâm sự: “Em rất tự hào về ngôi trường tiểu học của mình. Từ câu chuyện kể của cô hiệu trưởng, qua các giờ chào cờ, buổi sinh hoạt truyền thống… em biết mình được học tập trong một ngôi trường giàu thành tích, có hơn 100 năm tuổi. Vì vậy, em luôn tự nhủ phải luôn nỗ lực trong học tập. Lên lớp 6, thầy cô đã dặn dò chúng em một số điểm khác so với bậc học tiểu học. Em sẽ cố gắng để duy trì những thành tích đã có ở tiểu học để ngày càng tiến bộ”.