Cách mạng Tháng Tám đã mở đầu việc học của toàn dân của một nước độc lập, đã nêu một bài học mẫu mực về xây dựng một xã hội học tập, tiêu diệt giặc dốt, bước đầu xây dựng nền giáo dục quốc dân.
Chỉ trong một thời gian ngắn (từ 1945 - 1950) và trong một hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách nhưng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho thấy những nỗ lực hiếm có đáng ghi nhận và để lại nhiều bài học về xây dựng nền giáo dục kể cả với công cuộc đổi mới giáo dục của nước ta hiện nay.
Thực hiện thành công công cuộc xóa nạn mù chữ cho nhân dân
Sau Lễ tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay, trong đó nhiệm vụ “Diệt giặc dốt” đứng hàng thứ hai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, sự dốt nát là một loại giặc nội xâm, là mẹ đẻ của mọi thói hư tật xấu, phản lại văn hoá”.
Vì vậy, Người đề nghị mở ngay một chiến dịch diệt dốt và đích thân phát động chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí.
“Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong hoàn cảnh éo le chúng ta cũng quả quyết tiến hành”.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 17-SL, thành lập Nha bình dân học vụ, có nhiệm vụ lo việc học cho nhân dân, Sắc lệnh số 19-SL, qui định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học; Sắc lệnh số 20/SL, ban bố việc học chữ quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.
Trong Thư gửi các học sinh tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao dân trí: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Ngày 4/10/1945, trong Lời kêu gọi toàn dân “chống nạn thất học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”, “Người chưa biết chữ có nghĩa vụ phải học tập, người biết chữ phải có nghĩa vụ dạy những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, phụ nữ lại càng cần phải học”.
Cao trào học tập trong toàn dân là một trong những thành công khởi nguồn sống động cho công cuộc giải phóng con người của Cách mạng Tháng Tám.
Sau một năm từ ngày 8/9/1945 đến 8/9/1946 thực hiện chủ trương bình dân học vụ, đã có 2,5 triệu người biết chữ. Con số ấy thực sự là một kỳ tích trong hoàn cảnh năm đầu tiên của đất nước mới độc lập đang đứng trước những thử thách đầy cam go.
Thành tích kì diệu của công cuộc chống giặc dốt đã góp phần bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Bước đầu xây dựng thiết chế giáo dục đào tạo mới
Bộ Quốc gia giáo dục là một trong những Bộ đầu tiên là thành viên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ngay sau khi thành lập.
Bộ trưởng đầu tiên là ông Vũ Đình Hòe. Chỉ một tháng sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 44/SL thành lập Hội đồng Cố vấn học chính để tư vấn cho Chính phủ những vấn đề về đường hướng phát triển giáo dục.
Dựa vào Hội đồng cố vấn với những trí thức tài ba và có nhiều kinh nghiệm là một cách làm dân chủ và khôn ngoan để lắng nghe những ý kiến đóng góp và phản biện đối với các chủ trương và biện pháp phát triển giáo dục.
Nhiều trí thức Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, nghe theo tiếng gọi của Đảng đã trở về nước tham gia kháng chiến, phụng sự Tổ quốc.
Để có một lực lượng trí thức đông đảo phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước sau khi giành được độc lập, từ những năm 50 của thế kỷ XX, hàng nghìn thanh niên Việt Nam được Đảng ta chọn lựa đưa sang Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đào tạo về khoa học kỹ thuật.
Đảng và Bác Hồ đã sử dụng nhiều trí thức trong bộ máy nhà nước, trên tất cả các lĩnh vực như tổ chức chính phủ, công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, giáo dục...
Bác Hồ quan niệm rằng, cách tốt nhất để phục vụ lợi ích của công nông là phải đưa những người có đủ tài, đủ đức vào bộ máy Nhà nước để phụng sự lợi ích của người lao động. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của trí thức là trong xây dựng nền giáo dục quốc dân.
Xây dựng đúng mục đích, nguyên tắc của nền giáo dục quốc dân
Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó vạch rõ nhiệm vụ của giáo dục là: “Mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ”.
Tiếp đó, ngày 10/8/1946 ra Sắc lệnh số 146/SL và Sắc lệnh số 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới và mục đích tôn chỉ của nó.
Tại Sắc lệnh 146/SL, Chính phủ đã quy định 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới là: “Đại chúng hóa, dân tộc hóa và khoa học hóa, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ”.
Nền giáo dục mới theo quy định của sắc lệnh nói trên gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách; Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học đại học.
Sắc lệnh 147/SL còn ấn định thêm những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền, các môn học dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học, trong tất cả các bộ môn khoa học: Khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Chính phủ cũng định ra một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa…
Đặt trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, những chủ trương, quan điểm, phương châm, sắc lệnh và việc làm nói trên, nhất là ba nguyên tắc (ba tính chất) của nền giáo dục do Đảng và Nhà nước xác định, đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng của chính sách giáo dục thực dân, phong kiến, đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới.
Nền giáo dục mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em”.
Trong phiên họp ngày 22/9/1945, tức là chỉ tròn 20 ngày sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Hội đồng Chính phủ đã thảo luận về việc “mở cửa” trường đại học.
Biên bản cuộc họp ghi lại “Cụ Hồ nói: nên thông cáo rằng Chính phủ sắp mở cửa lại trường đại học. Hội đồng quyết nghị: đến ngày 15/11/1945, trường Đại học sẽ mở cửa”.
Theo biên bản phiên họp tiếp theo vào ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và quyết định nhiều vấn đề cụ thể và quan trọng về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực và bậc đào tạo và về các điều kiện đảm bảo khác để Trường Đại học Việt Nam sớm có thể khai giảng và đi vào hoạt động.
Giải thích vì sao lại bắt tay vào xây đắp nền đại học giữa những ngày cực kỳ khó khăn, GS Nguyễn Văn Huyên - Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - gọi đó là “giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc”, để nói cho thế giới biết rằng “nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam...”.
Tại phiên họp này, Hội đồng Chính phủ cũng tán thành đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe cho phép mời giáo sư ngoại quốc tham gia giảng dạy tại trường.
Bên cạnh các giáo sư, các nhà khoa học nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng cũng được “phân công” giảng dạy Khoa Hiến pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp dạy Khoa Kinh tế…
Nhờ sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, ngay sau lễ khai giảng, thầy và trò Trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã hăng hái bước vào năm học đầu tiên dưới chế độ mới.
Lần đầu tiên Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được chính thức đi vào hoạt động, thể hiện một chủ trương nhất quán và tầm nhìn chiến lược xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tạo dựng nền tảng đầu tiên của toàn bộ nền giáo dục đại học nước nhà.
Cách mạng Tháng Tám đã đưa lại những giá trị to lớn khi người dân Việt Nam được làm chủ vận mệnh của dân tộc và bản thân mình. Người dân được hưởng những quyền tự do bình đẳng trong đó có quyền được hưởng những giá trị giáo dục từ cơ bản đến cao cấp.
Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáng suốt ý thức được điều đó và nhanh chóng thực hiện các công việc cốt tử cho việc xây dựng nền giáo dục quốc dân để đáp ứng nhu cầu giáo dục cho dân chúng đồng thời tạo ra nguồn nhân lực phục vụ chính quyền.
Chỉ trong vòng 5 năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945 mà chính quyền đã thực hiện được những công việc có tính chất căn cốt và đầy sáng tạo trong công tác giáo dục đào tạo.
Giá trị thực tiễn, tính sáng tạo, tính phù hợp của những quyết sách đó đã để lại nhiều bài học bổ ích cho Việt Nam trong công cuộc đổi mới cải cách giáo dục hiện nay.