Đại tướng Lê Đức Anh với dấu ấn Cách mạng Tháng Tám

GD&TĐ - “Bài học về chọn thời cơ, chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi”. Đó là những dòng hồi ức của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - cuộc đời và sự nghiệp” ( NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật năm 2015).

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh (Ảnh: TTXVN)
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh (Ảnh: TTXVN)

Trong cuốn hồi ký, cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể khá nhiều về thời kỳ ông cùng các đồng chí của mình tổ chức các nghiệp đoàn ở đồn điền cao su Lộc Ninh và tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Làm thuê để hoạt động cách mạng

Để tránh sự truy lùng của địch, cuối năm 1939, ông Lê Đức Anh lánh vào Hội An - Quảng Nam rồi vào Phan Rang và đi xe lửa lên Đà Lạt.

Đến Đà Lat, ông ở nhà chị gái. Một tháng sau, ông xin vào làm công tại khu nghỉ mát của sở Nam Kỳ. Hồi đó, bọn chủ gọi những người lao động là cu ly. Công việc hàng ngày là quét dọn trong nhà, ngoài sân, quét lá thông ở tất cả các đồi. Họ trả lương 15 đồng một tháng. Tiền ăn đã hết 12 đồng, chỉ còn lại 3 đồng, phải tằn tiện chắt bóp lắm mới đủ tiêu vặt cho những sinh hoạt thường nhật.

Suốt 1 năm vừa làm cu ly vừa quét dọn, ông được một người Pháp giới thiệu về làm xúc xích và dăm bông ở đồn điền cao su Lộc Ninh với mức lương 30 đồng/tháng.

Với điều kiện làm việc không bị quản chặt như phu cạo mủ cao su, ông có điều kiện đến các làng tiếp xúc với phu cao su để vận động, xây dựng phong trào của phu cao su, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với tổ chức cách mạng.

“Tôi tìm hiểu tình hình và biết rõ thực trạng cuộc sống của những người lao động trong từng lô cao su. Tôi lựa lời bàn với họ làm sao giúp nhau để bảo đảm cho đời sống của người phu cao su đỡ cực khổ. Tôi nói chuyện với các thầy xu và bàn với họ: Phải làm sao để chủ Tây không chửi mắng, không khinh người Việt ta quá thể...” - ông Lê Đức Anh kể lại trong hồi ký.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa IX tại Hà Nội, tháng 12/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa IX tại Hà Nội, tháng 12/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) 

Thông qua việc vận động các thầy xu, ông Lê Đức Anh thực hiện được ý định đầu tiên là tổ chức, củng cố đời sống vật chất và tinh thần cho những người phu cao su.

“Hồi đó, rau tươi hiếm, trong bữa ăn của phu cao su chỉ có cơm với cá khô và tương. Xung quanh nhà của người phu có nhiều đất, tôi nói với các thầy xu khuyến khích người phu trồng rau muống cạn, nơi ao chuôm có nước thì trồng rau muống nước. Bữa ăn có rau muống luộc chấm tương, người phu ăn thấy ngon miệng hơn. Rau muống ăn không hết thì họ cắt bán cho công ty. Các lô khác thấy vậy cũng bắt chước làm theo. Sự căng thẳng giữa người phu với cặp rằng và thầy xu giảm dần”.

“Khi công việc này đã có những kết quả khả quan, tôi nghĩ đến việc chọn những người tiêu biểu để giác ngộ và gây dựng lực lượng đầu tiên cho cách mạng ở vùng này. Nhưng muốn tiến hành việc đó, trước hết phải tìm cách bắt được liên lạc với tổ chức của Đảng. Lúc này, với đồng lương và sự tiết kiệm trong chi tiêu đã giúp tôi có điều kiện để thực hiện ý định này” - Đại tướng Lê Đức Anh nhớ lại.

Do làm công việc phân phối thực phẩm, ông có điều kiện đi lại tiếp xúc với nhiều người ở trong và ngoài đồn điền cao su. Tại đồn điền cao su Lộc Ninh, năm 1942, ông gặp được người em của ông Nguyễn Văn Tạo (sau này là Bộ trưởng Bộ Lao động) rồi được dẫn về nhà bố mẹ ông Tạo ở Bình Chánh - Sài Gòn. Từ đây, ông chính thức bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng.

Nổi dậy giành chính quyền

Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào cách mạng chung trong toàn tỉnh, đầu năm 1943, tại làng 1, đồn điền cao su Dầu Tiếng, Tỉnh ủy lâm thời (gọi là Ban Cán sự Đảng) tỉnh Thủ Dầu Một được tái lập do ông Văn Công Khai làm Bí thư. Ông Lê Đức Anh được bổ sung vào Tỉnh ủy và được phân công cùng một người nữa chỉ đạo phong trào Lộc Ninh và toàn bộ vùng phía bắc.

Sang năm 1943, phong trào công nhân ở đồn điền cao su Lộc Ninh đã vững, ông phát triển sang Công ty Cao su Đất đỏ, gồm: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch. Tháng 2/1944, một chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Lộc Ninh gồm 5 Đảng viên, ông trở thành Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một, kiêm Bí thư chi bộ và phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do trận lũ quét đêm mồng 7, rạng sáng 8/10/1992 tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do trận lũ quét đêm mồng 7, rạng sáng 8/10/1992 tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN 

Giữa năm 1944, Xứ ủy chủ trương xúc tiến việc thành lập các đoàn thể Mặt trân Việt Minh ở Nam Bộ, Tỉnh Thủ Dầu Một đề ra phương châm: nơi nào đã phục hồi cơ sở đảng thì tổ chức các hội cứu quốc (Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc….) sau đó phát triển đến các nơi khác.

Ngày 9/3/1045, Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp. Giành quyền cai trị Đông Dương. Việc quản lý xã hội của quân Nhật trở nên lỏng lẻo, đây là thời cơ tốt để ta phát triển lực lượng cách mạng.

Sáng 24/8/1945, hàng nghìn công nhân các làng, đồn điền cao su Lộc Ninh - Đa Kia cùng nông dân các địa phương nhất tề nổi dậy. Từng đoàn người cầm gậy tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác, cung tên tiến vào các nhà máy, xí nghiệp đồn điền cao su. Làn sóng người ào ào vượt rào, leo tường, trương cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.

Quần chúng biểu tình chiếm các trụ sở hành chính, trụ sở cảnh sát trong thị trấn. Binh lính, sĩ quan ngụy nộp vũ khí và được khoan hồng. Tại Bù Đốp, lực lượng khởi nghĩa thu được kho súng máy của địch.

Cùng với Lộc Ninh, các quận Tân Uyên, Lái Thiêu, Bến Cát nổi dậy giành chính quyền trong buổi sáng ngày 24-8- 1945. Lộc Ninh là một trong những nơi giành chính quyền sớm trong tỉnh.

Ngay tối hôm đó, công nhân, người dân các làng cùng với chi bộ Đảng ngay tối đó đã tổ chức lễ mừng chiến thắng và cử hành lễ truy điệu 22 chiến sĩ hy sinh. Ông Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người, trang bị vũ khí vừa thu được và giáo mác, tầm vông,... kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa.

“Mỗi lần ôn lại về Cách mạng Tháng Tám, tôi tâm đắc một điều: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giỏi quá! Giỏi ở việc chọn thời cơ và chớp thời cơ phát lệnh khởi nghĩa…Bài học về chọn thời cơ, chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi”, cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể lại trong hồi ký .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.