Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội...
Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”[1].
Qua 74 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc Cách mạng Tháng Tám luôn tạo nên sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI.
Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đó là thắng lợi oanh liệt của cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, vượt qua cơn “động đất chính trị” trên thế giới khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ; xây dựng đất nước từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh; vượt qua mọi khó khăn, bao vây, cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, và thực hiện mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhất là khu vực Đông Nam Á.
Ở trong nước, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao (năm 2018, GDP tăng 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm. 6 tháng đầu năm 2019, GDP tiếp tục tăng 6,76%). Tình hình chính trị - xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh; công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt và có hiệu quả theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không ngừng nghỉ”.
Niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố và tăng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại ngày càng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Từ ngày 1-1-2020 nước ta đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai (với số phiếu bầu đạt cao 193/194 phiếu).
Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như: Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Anh và Iran. Tình hình Biển Đông thời gian qua đang diễn ra nhiều nguy cơ phức tạp, trở thành “điểm nóng” trên thế giới. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa Mỹ và EU đang làm thay đổi trật tự và có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Chủ nghĩa bảo hộ đang ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Ở trong nước, tuy kinh tế tăng trưởng cao nhưng năng suất, chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, phân hóa xã hội gia tăng, đạo đức xã hội xuống cấp đáng lo ngại; biến đổi khí hậu bất thường, thiên tai, bão, lụt diễn ra nhanh và phức tạp.
An toàn mạng, an toàn giao thông, an toàn môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đang là bốn vấn đề bức xúc của xã hội, tác động hằng ngày, hằng giờ đến tư tưởng, chất lượng sống của nhân dân.
Ngoài ra, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng bằng các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta…
Trước tình hình đó, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện Di chúc bất hủ của Bác Hồ và phương châm của Đảng: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” để sớm đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Trước hết, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để kiên trì ổn định nền kinh tế vĩ mô, phấn đấu đưa mức tăng trưởng cao hơn nữa, nhất là tập trung thực hiện tốt 3 Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trên cơ sở đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chú trọng nguồn lực con người - coi con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững; tập trung thực hiện có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trên cơ sở gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Đồng thời, thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Công tác xây dựng Đảng cũng cần tiến hành thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Việc phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng sẽ từng bước khắc phục được tình trạng cục bộ, địa phương chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”.
Tiến hành công khai hóa những vụ việc đã xử lý theo tinh thần “Thượng tôn pháp luật” được thực hiện nghiêm trong Đảng, trong xã hội theo lời dạy của Lênin: “Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta”.
Thời gian đã lùi xa, nhưng tinh thần của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã và đang động viên, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kiên trì con đường mà Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, làm đúng theo bản Di chúc bất hủ của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại; xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; củng cố và giữ vững niềm tin trong nhân dân, tăng cường đoàn kết để xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
---------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1996, tập 6, trang 629.