Trường học loại bỏ tâm lý "xả hơi" sau thi học kỳ 1

GD&TĐ - Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, do đó đòi hỏi ngành giáo dục và các nhà trường thích ứng linh hoạt để đảm bảo mục tiêu kép là an toàn sức khỏe học sinh và hoàn thành nội dung, chương trình năm học.

Học sinh Trường THCS Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) chuyến sang học kiến thức học kỳ 2 ngay sau thi học kỳ 1.
Học sinh Trường THCS Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) chuyến sang học kiến thức học kỳ 2 ngay sau thi học kỳ 1.

Ứng phó theo diễn biến dịch

Thầy Nguyễn Chí Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết trong những ngày gần đây số ca mắc Covid-19 tăng lên nhưng vẫn nằm trong kiểm soát của địa phương. Do đó việc dạy học vẫn triển khai theo hình thức trực tiếp.

Tuy nhiên, để tận dụng thời gian “vàng” nên ngay sau khi hoàn thành nội dung chương trình và học sinh (HS) thi xong học kỳ I nhà trường đã yêu cầu GV chuyển dạy nội dung kiến thức của học kỳ II mới tiếp nối. Các tiết ôn tập của học kỳ I được “gác” lại vào cuối học kỳ II mới triển khai.  

“Việc đẩy nội dung học kỳ II ngay sau kết thúc học kỳ I giúp nhà trường tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp tại trường cho HS. Trong trường hợp dịch bệnh tăng lên, HS phải nghỉ học phòng chống dịch thì học trực tuyến chỉ chiếm một khối lương kiến thức nhỏ. Các nội dung kiến thức được học trực tiếp sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn; tiết ôn tập trực tuyến cũng không gây khó khăn cho cả HS và giáo viên (GV).

Hơn thế, đẩy triển khai ngay kiến thức mới học kỳ II tiếp nối ngay sau thi học kỳ I cũng buộc HS chú ý hơn, loại bỏ tâm lý “xả hơi” sau thi và chuẩn bị tới Tết. Từ đó công tác duy trì sĩ số, chất lượng dạy học thêm hiệu quả…”, thầy Kiên trao đổi.

Tại huyện Thanh Hà, Hải Dương dịch tăng lên trong những ngày gần đây. Vì vậy các trường học cũng tăng cường ứng phó điều chỉnh bằng nhiều giải pháp trong hoạt động dạy học để phù hợp thực tế.

Cô Nguyễn Hương Nhài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Thủy trao đổi: Dù đang triển khai dạy học trực tiếp song có thực trạng còn nhiều phụ huynh lo lắng dịch bệnh nên không đưa trẻ đến trường. Tính từ 11/2021 đến nay tỉ lệ HS học tại trường chỉ đạt 65-70%; 30 % HS vẫn chưa được gia đình cho trở lại lớp.  

Để ứng phó với dịch từ cán bộ quản lý đến giáo viên, nhân viên đều nêu cao tinh thần không chủ quan trong công tác phòng chống, cực tìm hiểu cập nhật thông tin về dịch, quy định y tế về F để tuyên truyền cho phụ huynh hiểu. Giúp phụ huynh hiểu sự quan trọng của học tập tại trường đối với trẻ để đảm bảo đủ kiến thức, kĩ năng.

Mặt khác, ngoài dạy học trên lớp GV còn xây dựng một loạt video bài giảng gửi các gia đình chưa cho con tới lớp nhằm giúp trẻ có sự tương tác và học theo nội dung hướng dẫn. Các video hướng dẫn được GV xây dựng chú trọng nhiều cho đối tượng trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, giúp trẻ tích lũy kiến thức, kĩ năng tại nhà lúc quay lại trường không hẫng hụt.

Học sinh đi về theo lớp và khung thời gian cách nhau để đảm bảo phòng chống dịch
Học sinh đi về theo lớp và khung thời gian cách nhau để đảm bảo phòng chống dịch

Nhà trường cũng thường xuyên trao đổi, thảo luận cùng phụ huynh trên nhóm zalo hoặc trực tiếp gọi điện để thông báo tình hình dịch, công tác phòng chống dịch tại trường lớp… giúp phụ huynh yên tâm đưa trẻ tới trường.

Về phía GV, nhà trường yêu cầu triệt để trong phòng chống dịch một mặt giữ gìn sức khỏe cho GV nhưng cũng là giữ gìn sức khỏe cho HS, tránh tình trạng trẻ lây nhiễm bệnh từ GV.

Trường còn đưa ra quy định mới trong việc đưa đón trẻ để đảm bảo phòng dịch đạt hiệu quả tối đa. Cụ thể như không để gia đình đưa trẻ vào tận lớp, bố trí nhận trẻ ở sảnh, hành lang, khuôn viên ngoài lớp học, phân chia khu vực nhận trẻ theo lớp, đo nhiệt độ, khử trùng trước khi vào lớp. Khu vực trả trẻ cũng chia theo từng lớp, sắp xếp giãn cách ở sân trường; đón xong yêu cầu phụ huynh đưa trẻ về ngay tránh tụ tập đông người.

Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết địa phương đang “chuyển màu dịch” sang cam nên theo quy định chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến 3 tuần nay. Khi địa phương chuyển về vùng xanh hoặc vàng thì trường lại quay về dạy học trực tiếp.

Theo cô Phượng, do có sự chuẩn bị sẵn sàng các tình huống dạy học cả trực tiếp và trực tuyến trong suốt thời gian qua nên việc dạy học trực tuyến cơ bản đang đáp ứng tốt yêu cầu. Cơ sở vật chất, kĩ năng phương pháp dạy học, khai thác bài giảng số được chuẩn bị đủ và tận dụng hiệu quả. Cả GV và HS đều bắt nhịp ngay với chương trình của học kỳ 2 theo dạy học tuyến không bỡ ngỡ…

Một số trường học tăng cường thời gian học trực tiếp tại trường vào thứ 7.
Một số trường học tăng cường thời gian học trực tiếp tại trường vào thứ 7. 

Linh hoạt để đạt mục tiêu kép

Thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) trao đổi: Do dịch bùng phát tại Mường Khương cách đây 1 tháng nên HS phải nghỉ học 1 tuần. Do đó, khi trở lại “vùng xanh”, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạt sát sao trong dạy học để đảm bảo kế hoạch chương trình không chậm, mặt khác vẫn đảm bảo sức khỏe cho GV, HS.

Hiện tại việc dạy học trực tiếp cho toàn bộ HS Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy được tăng cường thêm thứ 6 và sáng thứ 7. Như vậy sẽ tận dụng thêm được 8 tiết/tuần thời gian HS được học trực tiếp; 4 tuần dạy tăng cường sẽ dôi được thời gian 1 tuần.

Việc dạy học tăng thêm “thời gian vàng” sẽ giúp nhà trường không phải cắt giảm thời lượng, nội dung trong các môn, tiết học vừa đảm bảo sức khỏe HS và chương trình theo biên chế năm học. Việc về đích cuối năm học sẽ được đảm bảo dù dịch bệnh tác động…

Thầy Phùng Thế Tùng khẳng định, sự thích ứng linh hoạt và tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp với trường vùng cao là tất yếu và phải triển khai hiệu quả. Bởi khi có dịch, HS nghỉ học thì việc học sẽ gần như “ tê liệt” hoặc chỉ có thể giao bài tại nhà bởi 80% HS của trường chưa có điều kiện học tập trực tuyến, nhiều thôn bản chưa có mạng...

Cô Nguyễn Hương Nhài, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Thanh Thủy (Hải Dương) cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc thích ứng dạy học, phòng chống dịch đối với các nhà trường, GV rất quan trọng để đảm bảo được mục tiêu kép sức khỏe học sinh và kế hoạch năm học.

Do đó, “Trường luôn khuyến cáo và yêu cầu GV hạn chế xuất hiện ở những chỗ đông người, đám hiếu hỉ. Mỗi tuần đi chợ 1 lần, tránh tiếp xúc người vùng dịch về trong thời gian đầu (kể cả người thân). Việc nâng cao ý thức phòng chống dịch của GV càng tốt bao nhiêu càng đảm bảo cho sức khỏe, kế hoạch dạy học của trẻ tại trường lớp bấy nhiêu…”, cô Nhài trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.