Cuộc thi có tổng số 104 sản phẩm đăng ký dự thi của 17/22 lĩnh vực, gồm: Khoa học xã hội và hành vi; Hóa sinh; Tin học; Y sinh và Khoa học sức khỏe; Kỹ thuật Y sinh; Hóa học; Khoa học trái đất và môi trường;
Hệ thống nhúng; Năng lượng vật lý; Vật lý và Thiên văn; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật môi trường; Khoa học vật liệu; Khoa học động vật; Khoa học thực vật; Robot và máy tính thông minh; Phần mềm hệ thống.
34 đơn vị tham gia dự thi gồm 26/27 trường THPT và 8/8 Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố. Các sản phẩm dự thi được đánh giá cơ bản đạt các yêu cầu đặt ra, như có tính mới, tính sáng tạo; tính ứng dụng, nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội...
Công tác chấm thi có một số đổi mới đảm bảo tính khách quan, chính xác, đồng thời thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, có 68 dự án đoạt giải, trong đó có 10 giải nhất, 15 giải nhì, 26 giải ba và 17 giải tư.
Căn cứ điểm xét giải các dự án, Sở GD&ĐT lựa chọn 2 dự án chính thức tham gia dự thi cuộc thi cấp quốc gia, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2022, gồm: Dự án “Hệ thống cảnh báo, giám sát giao thông thông minh tại các điểm giao cắt nguy hiểm” của trường THPT Hoa Lư A và dự án “Nghiên cứu tác dụng bảo vệ Gan của một số FLAVONOID được phân lập từ cây mật nhân vườn quốc gia Cúc Phương” của trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Đồng thời, lựa chọn dự án “Thiết kế phần mềm điều khiển các hệ thống thông minh lưới điện EMS” của trường THPT chuyên Lương Văn Tụy là dự án dự bị tham gia cuộc thi cấp quốc gia.
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được đánh giá là sân chơi trí tuệ và bổ ích, góp phần giáo dục toàn diện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Với việc phát động phong trào sáng tạo KHKT hàng năm mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận với thế giới khoa học, góp phần ươm mầm tài năng khoa học trong tương lai và nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học...