Do đó, bước vào năm học mới, các nhà trường đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy kiến thức mới, dặm lại kiến thức cũ để phù hợp với học trò và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Mỗi trường một cách
Theo cô Khuất Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây, Hà Nội), năm học trước tuy việc dạy học có chịu ảnh hưởng dịch bệnh song nhà trường vẫn tổ chức dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nên cơ bản đảm bảo các nội dung, chương trình. Học sinh vẫn đáp ứng được yêu cầu kiến thức cuối năm học. Mặt khác trong hè, trường triển khai củng cố kiến thức cho học sinh có kết quả chưa tốt thông qua giao bài tập, giáo viên hỗ trợ (giao bài qua Zalo, trao đổi điện thoại) nên đa phần đều đáp ứng được yêu cầu lên lớp.
Tuy nhiên, năm học trước, học sinh cơ bản học trực tuyến, hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, trải nghiệm… bị “gác lại” nên quá trình xây dựng kế hoạch năm học, ban giám hiệu đã lưu ý giáo viên tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, học theo chuyên đề… để học sinh được bù lại, cân bằng hơn các tiết học trên lớp và thực tế.
Riêng học sinh lớp 1, sau tựu trường, giáo viên dành nhiều buổi để hướng dẫn các kỹ năng cơ bản trong học tập, sinh hoạt. Cụ thể như, học sinh được tìm hiểu, làm quen từng phòng chức năng; cần gặp thầy cô thì tìm ở đâu?, phòng y tế chỗ nào? ốm đau, mệt mỏi… thì đến phòng nào? gọi ai?; Học sinh còn được hướng dẫn làm quen và ghi nhớ khu vệ sinh theo tầng, cách dùng thiết bị; rửa tay đúng cách.
Đặc biệt, chú trọng dạy cách xếp hàng, chào hỏi, nhớ vị trí lớp học, việc tự ăn, ngủ khi bán trú; cách giao tiếp với giáo viên, bạn bè ở trường; làm quen cách cầm bút, ngồi học đúng tư thế; giữ sách vở, sử dụng đồ dùng học tập; Hiểu các quy ước, yêu cầu của giáo viên trong giờ học…
Cô Lại Ánh Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình) lại cho biết, do Ninh Bình không ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, hoạt động dạy học vẫn đảm bảo, học sinh đáp ứng tốt các yêu cầu cần đạt cuối năm. Ngay cả học sinh mầm non bước vào lớp 1 cũng có nền nếp, kỹ năng tốt. Cộng thêm 2 tuần làm quen sau tựu trường đã nhanh chóng hòa nhập ở môi trường mới.
Song từ thực tế, cô Hường cho rằng, để phòng chống dịch bệnh, nhà trường chỉ triển khai các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm theo quy mô nhỏ (nhóm lớp), hiệu quả chưa cao và phong phú, sinh động. Do đó, năm học này, trường sẽ tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm mang tính tập thể, quy mô theo trường hoặc khối ngay từ đầu năm.
“Trong tháng 9, chúng tôi tổ chức hoạt động ngoại khóa lớn như: Trang trí trường lớp; Lễ hội trăng rằm; Làm quen An toàn giao thông… Các tuần tiếp theo học kỳ I, hoạt động tham quan, trải nghiệm trong và ngoài địa phương cũng được tiến hành”, cô Lại Ánh Hường chia sẻ.
Là trường vùng khó, học sinh dân tộc chiếm 100%, chịu ảnh hưởng dịch bệnh nên việc ổn định lại nền nếp, củng cố kiến thức cũ, tăng cường tiếng Việt… được xác định như nhiệm vụ quan trọng của giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa).
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng cho hay, với học sinh vào lớp 1, từ ngày tựu trường (22/8) đã tổ chức tăng cường tiếng Việt qua nói chuyện, giao tiếp với giáo viên, bạn cùng lớp bằng tiếng Việt. Hoạt động này tiếp tục duy trì ở nhiều tuần tiếp theo sau khai giảng. Hiện toàn trường tiến hành song song 2 hoạt động dạy kiến thức mới vào buổi sáng, hệ thống lại kiến thức cũ, tăng cường tiếng Việt vào buổi chiều.
Gắn bó với giáo dục vùng khó và học sinh dân tộc nhiều năm, thầy Nguyễn Văn Mạnh, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mướng Lát, Thanh Hóa) chia sẻ: Học sinh còn yếu về tiếng Việt, quên kiến thức… nhưng không thể “ngắt” thêm 2 tuần đầu chỉ để củng cố kiến thức, kỹ năng bởi việc dạy học kiến thức mới cũng phải đáp ứng yêu cầu thời gian. Do đó, quá trình dạy học giáo viên có thể linh hoạt bù lấp kiến thức theo thực tế từng lớp và học sinh. Nếu lớp, em nào tiếp thu nhanh có thể chuyển sang dạy kiến thức mới cả sáng và chiều; Ở điểm trường nào học sinh còn non về kiến thức cũ, hạn chế tiếng Việt thì tiếp tục duy trì việc củng cố bên cạnh dạy nội dung mới. Làm sao để học sinh nắm chắc hệ thống kiến thức cũ và có thể vận dụng vào học bài mới.
Học trực tiếp được nhiều trường triển khai đồng bộ với phương án phụ đạo trực tuyến. Ảnh minh họa |
Để học trò cân bằng trong học tập
Việc học tập của học sinh tiểu học vừa bước ra khỏi đại dịch và sau những tháng nghỉ hè cần những phương pháp, kế hoạch dạy học phù hợp, linh hoạt của mỗi nhà trường để tránh tình trạng “ngợp” kiến thức, dẫn đến sợ học.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, sở đã có công văn về việc tăng cường thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, tổ chức các hoạt động cho học sinh đầu năm học mới. Trong đó đặc biệt chú ý việc tổ chức các hoạt động giáo dục thiết thực trước thềm năm học mới, tạo tâm thế phấn khởi cho học sinh…
Mặt khác, các trường cần tăng cường xây dựng và tổ chức câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, kỹ năng sống, tư vấn pháp luật… nhằm đáp ứng cho học sinh có nhu cầu, sở trường năng lực, thiên hướng khác nhau; xây dựng kế hoạch hoạt động câu lạc bộ cụ thể, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên…
Học sinh bước vào năm học mới sau thời gian dịch bệnh, để đảm bảo hiệu quả và cân bằng tâm lý, hoạt động giáo dục, Phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bái) đã yêu cầu, khuyến khích các trường tăng cường đầu tư bố trí thêm thiết bị hỗ trợ vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với bậc học để học sinh vận động thường xuyên, nâng thể lực, chiều cao, sức khỏe.
“Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, sinh hoạt chuyên đề… nâng cao hiệu quả dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được lưu ý. Tuy nhiên, phải phù hợp với học sinh, điều kiện chung của nhà trường, gia đình, tránh lãng phí, kém hiệu quả…”, ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bái) nhấn mạnh.
“Củng cố kiến thức, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc vô cùng quan trọng. Làm tốt điều đó sẽ tránh được tình trạng cô nói cô nghe, trò không hiểu. Dạy học sinh dân tộc vì thế không thể nôn nóng, áp dụng theo công thức chung. Giáo viên cần tận tụy, linh hoạt và hiểu học trò để dạy học hiệu quả…”, thầy Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.