Học sinh đi học trở lại: Trường học linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học

GD&TĐ - Không ít trường học vùng cao rơi vào tình trạng vừa nghỉ dịch lại nghỉ Tết, học sinh dân tộc dễ nhớ mau quên, không triển khai được dạy học trực tuyến…

Việc dạy học sau Tết được các trường linh hoạt điều chỉnh phù hợp thực tế. Ảnh: IT
Việc dạy học sau Tết được các trường linh hoạt điều chỉnh phù hợp thực tế. Ảnh: IT

Với khó khăn riêng, buộc các trường linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học để đảm bảo chất lượng và biên chế năm học sau khi học sinh trở lại học trực tiếp. 

Dạy học bám sát thực tế

Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) cho biết: Dịch bùng phát tại địa phương nên 307 học sinh, 74 giáo viên phải ăn, nghỉ 1 tháng tại trường để thực hiện cách ly xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe. Thời gian này việc dạy và học tạm ngừng bởi phòng học được trưng dụng thành khu cách ly.

Để đảm bảo thời lượng dạy học, ngay sau hết cách ly cho tới nghỉ Tết, ban giám hiệu đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học cho sát với thực tế. Một mặt trường triển khai dạy học tinh giản nội dung của Bộ GD&ĐT hướng dẫn, mặt khác dạy học cả ngày thứ 6 và tăng cường thêm thứ 7, Chủ nhật để đảm bảo hoàn thành đúng thời gian, chất lượng.

Với sự điều chỉnh này, theo thầy Đông dự kiến hết 3/2022 (nếu không phải nghỉ dịch tiếp) trường sẽ hoàn thành xong chương trình. Tháng 4, 5 sẽ ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh vững vàng. Dù “về đích” chương trình sớm hơn 2 tháng nhưng trường vẫn điều chỉnh lịch dạy học nhằm tận dụng tối đa thời gian “vàng” cho học sinh học trực tiếp. Cùng đó đề phòng dịch bùng phát học sinh đã được học xong chương trình trực tiếp.

Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) có hơn 480 học sinh đã phải nghỉ học trực tiếp 2 lần cộng nghỉ Tết với tổng thời gian 30 ngày. Việc dạy học phải tạm ngưng hoàn toàn bởi các điều kiện chung cho dạy học trực tuyến không đảm bảo.

Theo thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, để bù lại thời lượng và khối lượng kiến thức thiếu hụt, tuần đầu tiên sau nghỉ Tết, trường tiến hành ôn lại kiến thức, ổn định trật tự cho học sinh, hoàn thiện một số nội dung chưa hoàn thành. Từ 14/2, giáo viên dạy kiến thức mới theo hướng dẫn chương trình tinh giản ứng phó dịch của Bộ GD&ĐT. Trường cũng xem xét tăng cường học vào thứ 7 hàng tuần. Nếu kế hoạch dạy học thông suốt, cuối tháng 4 đầu tháng 5 sẽ hoàn thành năm học.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) bước vào học tập ngay sau Tết. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) bước vào học tập ngay sau Tết. Ảnh: NTCC

Thầy Tùng cho biết thêm: Học sinh dân tộc, đặc biệt lớp 1- 2 sau nghỉ dịch và Tết 1,5 tháng sẽ quên khá nhiều kiến thức. Việc dành ra 1 tuần ôn tập vô cùng cần thiết. Bởi “nếu không vững kiến thức cơ bản học kỳ I thì bước vào học kỳ II việc tiếp thu của học sinh khó đảm bảo. Ban giám hiệu đã quán triệt giáo viên dạy lớp 1, mục tiêu kết thúc năm học là đọc thông viết thạo, như vậy thầy cô phải chủ động, linh hoạt dạy học, tránh nóng vội hoàn thành chương trình mà không đảm bảo chất lượng...”.

Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) cũng nằm trong vùng dịch và phải tạm ngừng hoạt động dạy học 7 ngày. Việc dạy học sau đó được tăng cường thứ 7 nên cơ bản chương trình đảm bảo.

Tuy nhiên, chia sẻ của thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng, học sinh trở lại trường đã triển khai dạy kiến thức mới. Dự kiến bước vào tuần 2 của tháng 2 sẽ tăng cường thứ 7 để dạy học cuốn chiếu. Giữa 4/2022 hoàn thành chương trình, thời gian còn lại tập trung ôn tập, củng cố kiến thức chuyên sâu.

Ngành Giáo dục Lào Cai đã trao quyền tự chủ cho các trường trong quá trình triển khai năm học. Do đó, việc dạy kiến thức mới, không ôn tập ngay cũng không đáng lo ngại. Quá trình dạy học giáo viên sẽ nắm bắt tiếp nhận của học sinh, nếu “bất ổn” ban giám hiệu sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học. Làm sao để dạy tới đâu chắc tới đó; đảm bảo cả tiến độ và chất lượng...

Thầy Tạ Văn Kha, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang) thông tin: Trường nghỉ phòng chống dịch 1 tháng. Để đảm bảo sức khỏe và kế hoạch biên chế năm học, ngày đầu học sinh trở lại trường thực hiện tách học sinh bán trú và ngoại trú thành 2 khu vực, chia lớp giảng dạy. Như vậy, nhằm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh toàn trường, không ảnh hưởng thời gian kết thúc năm học. Việc tăng cường ngày thứ 7 để dạy học cũng được cân nhắc theo thực tế diễn biến dịch để triển khai.

Nhiều trường học nỗ lực đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh theo kế hoạch tăng cường thời gian học tại trực tiếp. Ảnh: IT
Nhiều trường học nỗ lực đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh theo kế hoạch tăng cường thời gian học tại trực tiếp. Ảnh: IT

Phát huy tinh thần, trách nhiệm

Việc dạy học ứng phó dịch bệnh khiến giáo viên các trường vùng khó, trường phải tạm ngừng dạy học… tăng thêm công việc, trách nhiệm. Điều đó đòi hỏi nỗ lực mỗi thầy cô để hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt khác để đảm bảo hoàn thành tiến độ, chất lượng chương trình, trường có học sinh bán trú, nội trú phải cân đối khẩu phần cho học sinh trong những ngày ở lại trường tăng theo khi chế độ cố định.

Thầy Dương Văn Đông chia sẻ: Mỗi tuần 2 ngày thì mỗi tháng dư 8 ngày. 4 tháng tăng cường thì sẽ “đội” thêm 30 ngày khẩu phần ăn/học sinh.

Không có nguồn bổ sung, hỗ trợ nên trường cân đối trên tinh thần “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Miễn sao chế độ ăn của học sinh vẫn đảm bảo khoa học, đủ chất và lượng, đảm bảo sức khỏe dù không dư dôi.

Tại Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa), chế độ trong thời gian học sinh nghỉ học sẽ bù vào số ngày tăng cường cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, nếu phải tăng cường thêm Chủ nhật và kéo dài vài tháng thì trường sẽ gặp khó khăn.

Dạy thêm ngày thứ 7, Chủ nhật đồng nghĩa giáo viên lao động cả tuần. Phải soạn giáo án bài giảng cho phù hợp. Sinh hoạt tại trường khi điều kiện đáp ứng chưa đầy đủ, xa gia đình... Tuy nhiên “Giáo viên đều hiểu rằng thời gian nghỉ phòng, chống dịch (dù không mong muốn) nhưng thầy cô đã được nghỉ, mà vẫn được trả lương. Do đó khi nhà trường điều chỉnh dạy học, có sự thay đổi nhất định trong công việc, đời sống, đội ngũ đều hiểu và chung sức, quyết tâm đưa năm học nhiều khó khăn thử thách “về đích”…”, thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng trao đổi.

Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) nằm ở “vùng xanh” nên học sinh chưa nghỉ học ngày nào. Thời lượng chương trình đúng kế hoạch. Tuy vậy, thầy Hà Ánh Hùng, Hiệu trưởng cho hay: Ngày 14/2 học sinh quay lại học trực tiếp, thời điểm bắt đầu chậm hơn so với một số địa phương. Do đó trường không ôn tập lại kiến thức mà dạy ngay nội dung kiến thức cốt lõi, chương trình… Cuối 4/2022 khi hoàn thành xong sẽ dành trọn tháng 5 để củng cố kiến thức. Dạy học trên tinh thần linh hoạt, bám sát thực tế dịch bệnh địa phương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.