Trường học huy động lực lượng hỗ trợ dạy học trong điều kiện dịch bệnh

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục đã huy động mọi lực lượng trong trường tham gia vào công tác phòng chống dịch và hỗ trợ quản lý các tiết dạy trực tuyến.

Cô trò Trường trung học cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội dạy học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh.
Cô trò Trường trung học cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội dạy học linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh.

Hỗ trợ tối đa cho giáo viên

Từ khi cho học sinh quay trở lại trường, số lượng học sinh và giáo viên Trường trung học cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội trở thành F0, F1 nhiều, khiến việc tổ chức dạy học gặp khó khăn. Vẫn còn có phụ huynh học sinh - dù là số ít - vẫn chưa thực sự yên tâm cho con em quay trở lại trường.

Chia sẻ giải pháp, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, nhà trường đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới.

Theo đó, hệ thống mạng internet toàn trường được nâng cấp; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy học trực tuyến: mỗi lớp đều có máy tính, Projector được kết nối mạng dây, wifi bảo đảm đường truyền internet cho các thầy cô dạy online bằng laptop, loa, mic, camera…

“Về nhân lực, với giáo viên là F0, những ngày mệt mỏi, nhà trường sẽ phân công giáo viên dạy thay; trường hợp sức khỏe đã đảm bảo, thầy cô tự nguyện xin được dạy trực tuyến tại nhà. Các thầy cô là F1 đều không triệu chứng nên cũng tự nguyện xin dạy trực tuyến tại nhà. Các trường hợp này, Ban giám hiệu đều phân giáo viên quản lý lớp tại trường vào tiết dạy trực tuyến”.

Chia sẻ thông tin trên, cô Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết thêm: Nhằm tăng hiệu quả các tiết học trực tuyến kết hợp trực tiếp, không mất thời gian, 100% các lớp đều cử ra một học phụ trách về công nghệ thông tin với nhiệm vụ bật hệ thống máy tính, Projector, mở phòng Zoom khi bắt đầu vào tiết học...

“Bên cạnh các giải pháp trên, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sử dụng các biểu trực tuyến để cập nhật thông tin và số liệu; lập biểu trực tuyến theo dõi F0, F1 hàng ngày...” - cô Nguyễn Thị Mỹ Linh cho hay.

Để bảo đảm phòng chống dịch và tổ chức dạy học hiệu quả, Trường trung học cơ sở Gia Thụy huy động mọi lực lượng trong trường tham gia vào công tác phòng chống dịch, hỗ trợ quản lý các tiết dạy trực tuyến. 100% đoàn viên tham gia đo thân nhiệt đầu giờ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Ngoài giáo viên, nhà trường còn phân công nhân viên, ban nền nếp, ban thiếu nhi tham gia quản lý lớp các tiết dạy trực tuyến.

Nhóm chăm sóc sức khỏe nội bộ có tên “Nhóm yêu thương” cũng được thành lập; thành phần gồm có ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, nhân viên y tế, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong diện cách ly. Theo đó, ban giám hiệu sẽ nắm bắt sức khỏe cán bộ, giáo viên, nhân viên để xử lý công việc kịp thời; chủ tịch công đoàn động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng giáo viên, có phương án hỗ trợ khi cần; nhân viên y tế có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ chuyên môn.

Những công việc triển khai như trên không chỉ ở trung học cơ sở Gia Thụy. Chia sẻ của bà Vũ Thị Thu Hà, Trường phòng GD&ĐT quận Long Biên (Hà Nội), khi học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 đi học trở lại, 100% trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đều có giáo viên là F0, F1, tuy nhiên việc dạy và học vẫn được tiến hành bình thường.

Để các tiết dạy trực tiếp song song trực tuyến hiệu quả, các trường học đều chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Ban thiếu nhi, các giáo viên trống tiết… hỗ trợ dạy thay và quản lý lớp khi có các tình huống phát sinh.

Cô trò Trường trung học cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội trong giờ học.
Cô trò Trường trung học cơ sở Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội trong giờ học.

Nhiều giải pháp duy trì chất lượng

Năm học 2021-2022, Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Theo hiệu trưởng Trương Thị Nguyện, trong điều kiện dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, nhà trường tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp, chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, linh hoạt, phù hợp tình hình dịch bệnh và đối tượng học sinh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm duy trì chất lượng giáo dục.

Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, cũng như dạy trực tiếp. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng nền tảng dạy và học dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho học sinh cũng là một nhiệm vụ mà nhà trường cũng đặt ra.

“Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, trường cũng đặc biệt quan tâm và có giải pháp luôn ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh bị tác động vì dịch bệnh. Theo đó, tăng cường phối hợp giữa nhà trường-gia đình trong quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Công tác giáo dục thể chất và y tế trường học luôn được chú trọng; cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường” - cô Trương Thị Nguyện cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ