Dạy học tích hợp liên môn online với bảo tàng thực tế ảo

GD&TĐ - Học kỳ vừa qua, dù không thể trải nghiệm thực tế tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) vì dịch bệnh, nhưng thầy trò Trường Olympia (Hà Nội) vẫn có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử thời đại Lý - Trần theo một cách độc đáo.

Thiết kế tổng quan của Bảo tàng ảo trong dự án liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Mỹ thuật của học sinh khối 7 Trường PTLC Olympia.
Thiết kế tổng quan của Bảo tàng ảo trong dự án liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Mỹ thuật của học sinh khối 7 Trường PTLC Olympia.

Đó là tham quan thông qua bảo tàng triển lãm ảo “Dời đô - Quyết định vượt thời đại”. 

Giải pháp dạy học tích hợp liên môn online

Cô Trần Thị Hội - một trong những giáo viên tham gia tổ chức cho học sinh Olympia khối 7 xây dựng bảo tàng ảo “Dời đô - Quyết định vượt thời đại” - cho biết: Dự án được hình thành từ trăn trở của thầy cô bộ môn Lịch sử, Mỹ thuật, Ngữ văn khối THCS khi học trò không thể tham gia các chuyến trải nghiệm thực tế vì dịch Covid-19. Nhằm tăng hiệu quả học tập, thầy cô với tinh thần chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đã nghĩ ra ý tưởng và bắt tay tổ chức.

Làm rõ về yêu cầu đầu ra cho sản phẩm bảo tàng tích hợp liên môn, theo cô Trần Thị Hội, ở môn Lịch sử, học sinh được định hướng làm biểu đồ thời gian các dòng sự kiện từ thế kỷ X đến XV và tạo các thẻ giới thiệu nhân vật lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn đó. Với môn Ngữ văn, học sinh có thể làm các video ngâm thơ, bình tác phẩm văn học của thời kỳ Lý - Trần hoặc thuyết trình về tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc. Yêu cầu của môn Mỹ thuật trong dự án là vẽ chân dung các nhân vật lịch sử tiêu biểu với trang phục, hoa văn, họa tiết đặc trưng của thời đại Lý - Trần.

“Bảo tàng ảo với 6 chương, chia ra các nội dung và chương hồi như một câu chuyện lịch sử. Mỗi chương trong bảo tàng là tổng hòa các sản phẩm sáng tạo của học sinh trong các bộ môn Lịch sử, Ngữ văn và Mỹ thuật... Và hơn tất cả, các em được trao đổi, chia sẻ ý tưởng và tự mình thiết kế trên phần mềm của công nghệ 4.0.

Hiệu quả tuyệt vời nữa của dự án là khả năng hướng nghiệp với việc các em được trải nghiệm, học hỏi tập làm bảo tàng, hướng dẫn viên du lịch, nhà thiết kế, nhà văn, nhà hùng biện, làm họa sĩ và nghiên cứu lịch sử... Bảo tàng ảo còn là tài liệu vô giá, lâu dài và không đóng kín vì luôn luôn được sử dụng ở bất cứ đâu, luôn được bổ sung, cập nhật cho hoàn chỉnh hơn; và hơn nữa được chia sẻ cho bất cứ ai cần. Tôi gọi đó là năng lực nối dài chuyên môn trong giáo dục” - cô Trần Thị Hội chia sẻ.

Học sinh Trường PTLC Olympia thuyết trình về tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với dân tộc trong dự án Bảo tàng ảo: “Dời đô - Quyết định vượt thời đại”.
Học sinh Trường PTLC Olympia thuyết trình về tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với dân tộc trong dự án Bảo tàng ảo: “Dời đô - Quyết định vượt thời đại”.

Trải nghiệm độc đáo, bổ ích

Rất tâm đắc với ý tưởng Bảo tàng thực tế ảo, học sinh Lê Lam Giang, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia, cho biết: Dự án triển khai khi học sinh khối 7 đang học thể loại thơ Đường Luật trong môn Ngữ văn; các triều đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý trong môn Lịch sử và Mỹ thuật là các kiến thức về hội họa trong lịch sử. Thay vì tiếp tục sử dụng hình thức truyền thống, thầy cô đã tìm ra điểm chung trong những kiến thức 3 bộ môn và bắt đầu thực hiện dự án. Giang cho rằng, cách học mới mẻ này truyền đạt kiến thức thú vị hơn, hấp dẫn hơn nhiều việc học thuộc lòng để làm bài kiểm tra trên giấy.

“Hãy hình dung, khi bước vào Bảo tàng triển lãm ảo, chúng ta được đi theo một mạch truyện. Đầu tiên là thông tin về một vài triều đại phong kiến qua mốc thời gian, thẻ nhân vật và hình ảnh tư liệu. Sau đó, chúng ta sẽ được xem một vài tác phẩm kiến trúc trong giai đoạn đó, chân dung của các nhân vật nổi bật trong một vài triều đại. Cuối cùng là được xem video của các bạn chia sẻ ý kiến của mình về chủ đề tinh thần dân tộc - trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. Em cảm thấy tự hào về những sản phẩm mà mình và các bạn đã làm” - Lê Lam Giang cho hay.

Không chỉ Lam Giang, các học sinh tham gia dự án đều cho biết không chỉ được tiếp nhận kiến thức bằng một cách học mới mẻ, đầy hấp dẫn, mà qua đó còn được phát triển nhiều kỹ năng khác. Trong đó có kỹ năng về công nghệ thông tin, làm việc nhóm, thuyết trình, năng lực sáng tạo… Đặc biệt, với yêu cầu cần liên tục trao đổi, thảo luận khi thực hiện cùng bè bạn, thầy cô giáo, những ngày học online của cả thầy và trò trở nên sôi nổi, thú vị hơn; khoảng cách về địa lý giữa thầy - trò khi học trực tuyến được thu hẹp tối thiểu.

Chia sẻ cảm xúc khi tham gia dự án này, Cát Tường, học sinh khối 7, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia nhớ lại mình và các bạn trong nhóm đã cùng chia công việc: Một nhóm làm poster, còn một nhóm làm slide về Hào Khí Đông A. Làm poster về nhân vật lịch sử cần tìm thông tin cá nhân của nhân vật và cố gắng tìm được những thông tin đặc biệt, như tuổi thơ hoặc biến cố trong cuộc đời của nhân vật, những trận đánh tiêu biểu và công lao của nhân vật với đất nước.

Còn về slide, việc thực hiện là làm biểu đồ thời gian về một triều đại và nêu ra các địa điểm nổi bật. “Quá trình làm việc, cả nhóm đã tìm hiểu, thu nhận được nhiều thông tin về lịch sử nước nhà, các thông tin về triều đại và thông tin về những nhân vật lịch sử. Em thực sự hào hứng với cách học này” – Cát Tường bày tỏ suy nghĩ.

Bảo tàng ảo “Dời đô - Quyết định vượt thời đại” là một ví dụ sinh động trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học vừa thích ứng với bối cảnh mới hiện nay, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy điều này trong các dự án sắp tới, chia sẻ và lan truyền. Bảo tàng không chỉ là tài liệu giáo dục cho giáo viên, học sinh, mà còn là một phương pháp giáo dục mới ứng dụng công nghệ 4.0, giúp học sinh phát triển các năng lực toàn diện. - Cô Trần Thị Hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ