Giáo viên căng mình dạy học
Việc dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến đang là giải pháp tối ưu đang được nhiều trường học Hà Nội áp dụng khi học sinh đi học trở lại trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên lớp, ngoài giảng bài cho học sinh đi học trực tiếp, các thầy cô còn đồng thời dạy học cho những em đang theo dõi qua Internet.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang - giáo viên Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Sau gần 2 tuần dạy trực tiếp, đến nay, việc dạy học của nhà trường đã dần ổn định. Dù số cán bộ, giáo viên và học sinh thuộc trường hợp F0 phải điều trị, trường hợp F1 phải cách ly không ngừng tăng nhưng nền nếp học tập của nhà trường vẫn được duy trì, học sinh đều phấn khởi, vui vẻ đến trường.
“Để duy trì việc dạy học, các thầy cô đã nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều so với trước. Từ việc phòng dịch trên lớp học, rồi dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến thế nào để học sinh tiếp thu được bài giảng hiệu quả nhất. Nhờ sự đầu tư của các cấp, nhà trường có thiết bị dạy học hiện đại như camera, máy tính, máy chiếu nên việc dạy học cũng thuận lợi hơn”, cô Trang cho biết.
Lo lắng nhất của giáo viên là triển khai dạy học trực tiếp trên lớp cho học sinh, đồng thời vẫn đảm bảo mạch kiến thức cho những em chưa thể đến trường, phải học trực tuyến tại nhà. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Hồng Hạnh - giáo viên Trường THCS Sài Sơn (huyện Quốc Oai) thông tin: Để tạo điều kiện cho học sinh thuộc diện F0, F1 học trực tuyến tại nhà, nhà trường đã bố trí lớp học trực tuyến riêng, cử thầy cô có kỹ năng công nghệ thông tin tốt tham gia giảng dạy. Điều này thích hợp với điều kiện thực tế của nhà trường hiện nay, nhưng cũng khiến nhiều thầy cô vất vả khi vừa dạy trực tiếp một buổi, vừa dạy trực tuyến buổi khác trong cùng một ngày.
Để giúp các em tham gia học cùng các bạn, Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã lắp đặt thiết bị truyền dẫn tại 20 phòng học. Theo cô Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên), học sinh diện F sẽ học cùng các bạn đang học trực tiếp trên lớp. Nhà trường luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết với mong muốn không em nào vì nhiều lý do không thể đến trường lại bị gián đoạn hoặc học lệch chương trình so với bạn bè đang học trực tiếp tại trường.
Còn thầy Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi thông tin: Nhà trường đã chuẩn bị 3 phòng học trực tuyến ở mỗi khối lớp. Các học sinh không thể đến trường học trực tiếp sẽ được tập hợp lại theo khối và tham gia học trực tuyến cùng các bạn trong một lớp.
“Qua thống kê, nhà trường có hơn 40 học sinh học trực tuyến vì những lý do khác nhau. Trường cũng có phương án linh hoạt nếu có giáo viên không thể tới trường dạy trực tiếp. Tất cả đều vì mục đích không làm gián đoạn việc dạy và học”, thầy Xuân khẳng định.
Tập huấn giáo viên thích nghi với cách dạy học mới
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Dù chưa đón học sinh đi học trở lại nhưng các thầy cô đều bày tỏ lo lắng khi tổ chức dạy học cho các em, nhất là việc dạy học đối với trẻ F0, F1 có đủ sức khỏe để học tập nhưng không được đến trường học trực tiếp.
Do đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hoàng Liệt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cùng tổ công nghệ thông tin (CNTT) của trường tìm giải pháp, đề xuất tham mưu các điều kiện cần cho một lớp học có thể vừa dạy trực tiếp vừa phát trực tiếp, dạy trực tuyến cho học sinh chưa được tới trường.
Sau vài ngày thí điểm, tổ CNTT đã tham mưu cho nhà trường phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến bằng cách sử dụng máy quay, quay trực tiếp cô giáo dạy tại lớp và phát trực tuyến qua phần mềm Zoom cho những học sinh là F1, F0 đang trong thời gian cách ly phải học online ở nhà.
Đối với giáo viên thành thạo CNTT sẽ sử dụng linh hoạt vừa phát trực tiếp, vừa chia sẻ màn hình trình chiếu PowerPoint hoặc dùng máy soi chữa bài cho học sinh, cả lớp đều quan sát và nhận xét được bài làm của bạn. Đối với các cô sử dụng chưa linh hoạt, thành thạo CNTT, giáo viên sẽ phát trực tiếp giờ học cho học sinh học trực tuyến qua Zoom, hình ảnh và âm thanh truyền trực tiếp đều rõ, nét.
Nhấn mạnh việc bồi dưỡng giáo viên là then chốt trong việc triển khai việc dạy học ứng phó với dịch bệnh, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì cho biết: Để đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới, phòng đã triển khai tập huấn kỹ năng CNTT cho toàn bộ đội ngũ cán bộ giáo viên trên địa bàn huyện, trong đó có kỹ năng dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Tại buổi tập huấn, chuyên gia CNTT đến từ công ty máy tính, phần mềm uy tín đã hướng dẫn các thầy cô những kinh nghiệm để dạy học hiệu quả, kết hợp sử dụng phần mềm Zoom, sử dụng padlet và các công cụ dạy học online khác. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, các trường học trên địa bàn Ba Vì đã triển khai rất tốt việc dạy học trực tuyến. Những kinh nghiệm dạy học trực tuyến trong 2 năm học vừa qua là cơ sở để các giáo viên vững tin triển khai việc dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến trong thời gian tới.