Xây trường học hạnh phúc - biến giấc mơ thành hiện thực

GD&TĐ - Xây dựng trường học thân thiện, hiện đại, xanh - sạch - đẹp; trường đạt Chuẩn quốc gia là việc mà ngành Giáo dục đang từng bước đạt được trong những năm gần đây.

Thầy trò Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa hạnh phúc trong ngôi trường phát triển, tiến bộ.
Thầy trò Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa hạnh phúc trong ngôi trường phát triển, tiến bộ.

Tuy nhiên, xây dựng trường học hạnh phúc, điều mà xã hội, cha mẹ, học sinh và cả thầy cô giáo mong mỏi thì dường như còn đang tìm đích đến. 

Xây hạnh phúc, dựng chất lượng

Kết quả nghiên cứu, khảo sát của Phòng Tâm lý học đường của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy: “Có 88 – 92% HS cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường… Với phương châm “Chăm lo đến từng học sinh, giúp cho mỗi học trò đều tiến bộ”, hàng năm số HS đạt được kết quả cao hơn của chính mình trước đó, số HS thay đổi bản thân luôn đạt gần 100%”.

Nói về triết lý giáo dục của nhà trường “Dạy học là dạy làm người, học để làm người”, TS Nguyễn Văn Hòa - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Chúng tôi giáo dục cho HS có ước mơ, để các em xây dựng tương lai cho chính mình chứ không đuổi theo thành tích. Thành tích của HS và nhà trường có được đều là tự nhiên mà tới”.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận thức “dạy học để hình thành nhân cách, phẩm chất và phát triển năng lực” từ 15 - 20 năm nay. “Chúng tôi lắng nghe cảm xúc của HS, hiểu được từng cá thể, tôn trọng  và từ đó giúp các con tiến bộ.  Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy lấy chỉ số hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục. Trường cũng luôn hướng tới đào tạo nên những người tự chủ, trách nhiệm có tâm hồn phong phú, sống tử tế, thân thiện, có khả năng sáng tạo, thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hôm nay”, thầy Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Theo thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường đem hạnh phúc cho HS bằng cách giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với HS; xây dựng môi trường thân thiện tràn ngập yêu thương; có chuyên gia tâm lý hỗ trợ, tổ chức nhiều hoạt động phát triển khả năng của mỗi học trò.

Thể dục, Giáo dục công dân, Nghệ thuật… vốn bị coi là môn phụ ở không ít trường thì ở Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có vị trí xứng đáng. Giáo dục công dân không phải là giờ triết lý khô khan mà những câu chuyện cuộc sống được chính học sinh tái hiện để trải nghiệm. Thể dục không còn nhàm chán khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi em qua nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông… Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn chủ động dạy học gắn liền với thực tiễn, cho HS trải nghiệm trong thực tế, được trực tiếp tham gia lao động sản xuất và tạo ra sản phẩm. Trong đó, việc ra đời trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường tại TP Vĩnh Yên dần trở thành một mô hình giáo dục đặc biệt…

Tại thư viện nhà trường cuốn “Totto-chan bên cửa sổ” luôn được HS tìm đọc. Và, mỗi HS khi đọc cuốn sách này lại có dịp tự hào so sánh ngôi trường mình đang học với Trường Tomoe của Totto-chan. Thầy Đàm Tiến Nam cho rằng: Để mỗi ước mơ sớm thành hiện thực, nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, người làm cha mẹ cũng nên đọc lại cuốn sách này. Để thấy rằng, “đứa trẻ nào sinh ra cũng có những phẩm chất tốt” và việc của chúng ta là tìm ra những phẩm chất tốt đó, phát triển chúng để giúp trẻ nên người. Chúng ta sẽ thấy, trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà để sống, hạnh phúc, làm cho bản thân mình hoàn thiện hơn.

Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phát huy năng lực sáng tạo, khám phá bản thân.
Học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm phát huy năng lực sáng tạo, khám phá bản thân.

Nuôi dưỡng cảm xúc hạnh phúc của thầy và trò

Dạy và học 2 buổi/ngày nên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) có điều kiện dạy kỹ năng sống cho học trò. HS trong trường luôn tự hào mỗi học trò có một thời khóa biểu. Tất cả HS cần và được đăng ký tham gia một trong các câu lạc bộ (CLB) văn hóa như Tin học, Tiếng Anh, các CLB nghệ thuật (ca hát, múa, nhạc, nhảy hiện đại), CLB nghề nghiệp như truyền thông. Trong CLB Truyền thông có nhóm viết, ảnh, làm phim. Các CLB thể thao với điều kiện tập luyện tốt như có sân bóng đá, bóng rổ, võ đài,  hệ thống máy tập thể hình chất lượng tốt… 

Ngoài giờ học các môn chung trên lớp, 2 tiết cuối mỗi buổi chiều, HS chọn sinh hoạt trong một CLB năng khiếu và sở thích dành cho HS lớp 10, 11 và 12, đủ cả ban khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ranh giới đơn vị lớp không còn khuôn cứng nên học trò kết nối rộng mở và đoàn kết. Hệ thống các CLB văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho tất cả HS cùng tham gia để được rèn luyện sức khỏe, khơi dậy tài năng. Đây cũng là nơi tạo điều kiện cho các em thử sức mình trong ước mơ nghề nghiệp. 

Hàng năm, Trường THPT Phan Huy Chú đều tổ chức lấy ý kiến của HS về các hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường. HS đều bày tỏ ý kiến hài lòng về các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, xây dựng trường học chất lượng, hạnh phúc của trường. Điều này phản ánh rõ nét qua sự tham gia tích cực, nhiệt tình và hiệu quả các hoạt động của HS các khối lớp. Thầy và trò nhà trường tự giác tạo dựng niềm vui và hạnh phúc cho ngôi trường.

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ: “Xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng vững vàng và không ngừng tiến bộ luôn là thử thách. Thầy cô giáo tâm huyết say nghề, muốn rèn học trò hiệu quả, nhưng lại cần nuôi dưỡng cho HS những cảm xúc hạnh phúc trong ngôi trường là rất khó. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi hiểu rõ hạnh phúc làm thầy không chỉ ngọt ngào, trong đó còn có phần đắng mệt, nhưng hạnh phúc vẫn luôn là khao khát. Với HS cũng vậy, các con sẽ hạnh phúc khi làm một học trò xứng với tin yêu trong ngôi trường hạnh phúc”.

Chúng tôi luôn quan niệm xây dựng ngôi trường chất lượng, hạnh phúc để cả thầy và trò cùng vui khi đến trường. Ở đó kỷ luật vẫn nghiêm, kỷ cương vẫn được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác và ý thức xây dựng tích cực của mỗi người. Điều này khiến thầy và trò bớt áp lực không đáng có để cùng phấn đấu vì một mục đích chung là giáo dục con người có tri thức, kỹ năng và niềm tin vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.