Trường học hạnh phúc hôm nay: Tạo động lực để thay đổi

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng trường học hạnh phúc cần tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên có động lực làm việc...

Đội ngũ giáo viên cũng cần được tạo cảm hứng tích cực để trao truyền tới học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Hiệu trưởng phải thay đổi

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, để kiến tạo ngôi trường hạnh phúc cần nhiều thành tố và điều kiện. Khi xác định con đường xây dựng, lãnh đạo nhà trường phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cơ sở lý luận, đặc biệt là những quan điểm về trường học hạnh phúc của UNESCO.

Từ đó, nhà trường vận dụng linh hoạt, hợp lý từ đặc điểm, điều kiện thực tế để xây dựng đúng hướng nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng. Theo đó, trường học hạnh phúc cần 4 thành tố chính: Nguyên tắc (Principles), con người (People), quy trình (Process), địa điểm (Place) cùng với điều kiện bối cảnh xã hội.

Trường THPT Hoàng Cầu hoạt động theo mô hình tự chủ toàn phần về tài chính, diện tích khiêm tốn nằm sâu trong ngõ đông dân cư, đi lại khó khăn, thiếu phòng chức năng hiện đại. Đội ngũ giáo viên nhiều thành phần (biên chế, cơ hữu, thỉnh giảng) nên khó trong việc quản lý và thống nhất. Tuy nhiên, nhà trường có một tập thể đoàn kết, tràn đầy quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo. Sau 5 năm triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, nhà trường đã gặt hái được những thành tựu quan trọng.

Từ kinh nghiệm xây dựng trường học hạnh phúc tại trường, theo cô Lập, người đầu tiên cần thay đổi chính là hiệu trưởng. Không phải ngẫu nhiên có nhiều hội thảo, chương trình về trường học hạnh phúc dành cho các hiệu trưởng như: “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc”; “Hiệu trưởng thay đổi về một trường học hạnh phúc”. Hiệu trưởng của trường học hạnh phúc thay đổi cách quản trị để tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, tích cực, biến áp lực thành động lực để giáo viên hăng say đổi mới sáng tạo.

Cô Lưu Thị Lập khẳng định, nếu giáo viên cảm thấy hạnh phúc thì chắc chắn quá trình làm việc sẽ tạo ra thành tích tốt trong dạy học. Trường học không thể thiếu kết quả đánh giá, thi đua… Nhưng quá trình thi đua, phấn đấu, áp lực ở trường học hạnh phúc không giống truyền thống là không chú ý đến sự động viên khích lệ, trạng thái tinh thần của giáo viên.

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu và học sinh. Ảnh: TG

Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu và học sinh. Ảnh: TG

Muốn có trường học hạnh phúc, trước tiên phải xây dựng được lớp học hạnh phúc. Chia sẻ điều này, cô Phương Châu - Trường Tiểu học An Cựu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đồng thời nhấn mạnh: Để lớp học hạnh phúc thì giáo viên phải hạnh phúc. Khi người dạy hạnh phúc mới mang đến môi trường học tập tích cực, đầy yêu thương. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp, giảm áp lực về thành tích, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh để giáo viên cống hiến hết mình vì học sinh thân yêu.

“Là giáo viên, tôi không mong nhận gì nhiều ngoài tình cảm, sự phấn khởi của học trò mỗi ngày đến trường. Tôi muốn các em học và phát triển tốt dưới sự dẫn dắt của thầy cô”, cô Châu nói.

Giáo viên cần được quan tâm

Mỗi khi đến trường, cô Nguyễn Thị Thu Vỹ - Trường Mầm non Hoa Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) luôn tạo cho mình tinh thần thoải mái, tìm tòi những trò chơi hay hấp dẫn để cùng chơi với trẻ. Đồng thời, cô cố gắng trang trí góc chơi đa dạng; sắp xếp các đồ dùng, đồ chơi đảm bảo an toàn và đáp ứng được mục đích giáo dục. Từ đó, trẻ cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương thông qua trò chơi ở lớp do cô giáo chuẩn bị.

Nữ giáo viên cũng đề xuất các cấp/ngành quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục cho trẻ; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Nhà trường tạo cơ hội để mỗi giáo viên, học sinh phát triển tối đa năng lực, sở trường. Mọi thành viên luôn được quan tâm, động viên, giúp đỡ để cùng nhau thay đổi và tiến bộ; thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm kỷ cương, nền nếp.

Cô Nguyễn Thị Thu Vỹ là 1 trong 200 nhà giáo tiêu biểu năm 2023 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TG

Cô Nguyễn Thị Thu Vỹ là 1 trong 200 nhà giáo tiêu biểu năm 2023 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TG

Theo quan điểm của thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), một trong những yếu tố để trường học hạnh phúc là mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh gần gũi, chan hoà. Học sinh sẵn sàng sẻ chia tâm tư, mong muốn, đặc biệt khi gặp vấn đề khó khăn về tâm lý sẽ được giáo viên lắng nghe, thậm chí “đoán bắt” biểu hiện bất thường để hỗ trợ.

“Vấn đề căn cơ từ chính thầy cô giáo - những người hằng ngày gần gũi nhất với học sinh. Để điều này trở nên khả thi hơn thì vai trò của quản lý nhà trường rất quan trọng. Ngoài tư vấn, hướng dẫn mang tính chỉ đạo cần linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ để giáo viên giảm bớt áp lực không đáng có. Từ đó có thời gian, tâm sức quan tâm tới tâm lý học sinh bên cạnh truyền dạy kiến thức. Cùng đó, thầy cô cần được trang bị kỹ năng xử lý tình huống, làm chủ cảm xúc”, thầy Mạnh khẳng định.

Trường Tiểu học Hội Hợp B vừa khánh thành phòng chờ dành cho giáo viên rộng gần 50m2 trên cơ sở cải tạo phòng chức năng cũ. Phòng được thiết kế theo hướng hiện đại, thân thiện và trang bị nhiều sách báo cho thầy cô đọc. Ngoài ra, giáo viên có thể làm công việc cá nhân như chấm bài, hoàn thiện sổ sách tại không gian này. Đây được xem như một trong những cách giúp giáo viên bớt căng thẳng, cân bằng tâm lý trước giờ lên lớp mỗi ngày.

Để có trường học hạnh phúc, người quản lý cần thay đổi cách điều hành, quản trị, giảm bớt áp lực, công việc không tên cho nhà giáo; đặc biệt giảm bệnh thành tích trong tư duy của người lãnh đạo đến giáo viên và phụ huynh. Có như vậy mới tạo ra môi trường hạnh phúc, truyền cảm hứng học tập cho học trò. - PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ