Trường học hạnh phúc hôm nay: Những người 'đãi cát tìm vàng'

GD&TĐ - Dù là học sinh “cá biệt” các em cũng có tiềm năng, cá tính riêng.

Mỗi năm đến ngày 20/11, nhiều thế hệ học sinh vẫn trở về thăm cô giáo Minh Hương, trong đó có những học sinh “đặc biệt”.
Mỗi năm đến ngày 20/11, nhiều thế hệ học sinh vẫn trở về thăm cô giáo Minh Hương, trong đó có những học sinh “đặc biệt”.

Không chỉ dạy học, chăm sóc, rèn luyện kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, thầy cô giáo còn cố gắng “đãi cát tìm vàng” bồi dưỡng thế mạnh ẩn nấp, giúp trò trở thành người có ích cho xã hội.

Lạt mềm buộc chặt

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô giáo Bùi Thị Minh Hương - Trường THPT Can Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nhiều năm đoạt giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh… Đặc biệt, cô là một trong những giáo viên xuất sắc với nhiều sáng kiến tuyên truyền pháp luật và biện pháp giáo dục học sinh “cá biệt”, góp phần rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống, phát triển hoàn thiện nhân cách học sinh.

Theo cô Hương, lứa tuổi học sinh THPT, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, tự ái, muốn khẳng định mình bằng sự hiểu biết chưa hoàn thiện. Không nên chỉ vì một vài biểu hiện bốc đồng nhất thời đã gán ghép các em bằng cái tên “cá biệt”.

Điều quan trọng trong quá trình “uốn những cành cây cong” là phải để các em nhận thức rõ vai trò, vị trí bản thân; thể hiện và khẳng định mình khi tham gia các hoạt động tập thể; ý kiến được các bạn và thầy cô nghe. Đây chính là “chìa khóa” đẩy mạnh hoạt động giáo dục học trò chưa ngoan.

“Nhiều giáo viên áp lực, căng thẳng khi đảm nhận lớp có học sinh cá tính mạnh. Nhưng nếu giáo dục học sinh bằng la mắng, thậm chí đòn roi chỉ khiến các em chống đối, tạo khoảng cách với giáo viên. Thay vào đó, tôi cố gắng bình tĩnh chọn biện pháp đối thoại, để tìm tiếng nói chung giữa cô trò. Những lỗi có thể bỏ qua, tôi sẽ gặp riêng rồi nhẹ nhàng, ôn tồn phân tích khuyên nhủ, tạo ‘khoảng lặng’ cho học sinh có cơ hội, thời gian nhìn nhận, tự đánh giá”, cô Minh Hương chia sẻ.

Hơn 15 năm dạy học, cô Phan Thị Thu Hiền – Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) không nhớ đã đến nhà bao nhiêu học sinh, gặp phụ huynh trong hoàn cảnh nào... Nhưng đến nay cô luôn khắc tâm phương pháp “lạt mềm buộc chặt”.

“Tôi không xem các em là học sinh cá biệt, mà đó là cá tính mỗi người. Có học sinh cá tính đặc biệt, giáo viên phải biết kết hợp cương, nhu, vừa là chỗ dựa về tinh thần, một mình đóng nhiều vai để định hướng các em. Dù bất cứ môi trường giáo dục nào, với tình yêu thương, tận tụy tôi tin các em sẽ chuyển hóa”, cô Thu Hiền đúc kết.

Trường hợp em X.H (cựu học sinh lớp 12C) là một điển hình. Trượt lớp 10, H vào trường trung cấp nghề với tâm lý chán nản, lười học, không tuân thủ nội quy lớp, trường. Sau khi tìm hiểu, cô Hiền nhìn ra mặt tích cực để động viên H

Quá trình đó không chỉ một vài tháng mà cả năm trời, nhưng chưa bao giờ cô Hiền nản lòng. Chỉ cần sự tiến bộ dù rất nhỏ của H đều nhận được sự khích lệ từ cô chủ nhiệm. “Các em tiến bộ ở phương diện nào cũng được nhìn nhận, đánh giá cao; những biểu hiện chưa ngoan trước đây tôi đều bỏ qua, quên hết”, cô Thu Hiền cho biết.

Sân chơi phát triển năng lực học sinh tại Trung tâm GDNN&GDTX huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Sân chơi phát triển năng lực học sinh tại Trung tâm GDNN&GDTX huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Giúp trò khám phá chính mình

Trở thành kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sam Sung Việt Nam, nhưng Bùi Quang Ngọc Nhớ (sinh năm 2000) cựu học sinh khóa 2015 - 2018 Trung tâm GDNN&GDTX huyện Thạch Hà vẫn nhớ về cô giáo cũ – người đã “bẻ lái” cuộc đời của mình.

Nhớ từng là học sinh nghiện game nên nghỉ học thường xuyên. Chàng kỹ sư trẻ cũng không đếm được bao lần cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Nga (Trung tâm GDNN&GDTX huyện Thạch Hà) phải đi tìm tại quán net. Không chỉ vậy, ngoài giờ học, cô Nga đến nhà trò chuyện, phối hợp với phụ huynh để quản lý giờ giấc sinh hoạt.

“Chưa bao giờ cô mắng, cả khi thấy em bỏ học la cà ngoài quán game. Em nhớ như in câu nói của cô là hãy trở thành người có giá trị, biến thứ em giỏi trở thành chìa khóa mở cửa tương lai. Nếu không có sự đồng hành của cô, chắc chắn cuộc đời em đã sang một ngã rẽ mịt mờ”, Nhớ tâm sự.

Biết Nhớ có sở trường và đam mê máy tính, cô Nga đã khuyên em thử sức với lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhờ sự định hướng ấy, năm lớp 12, Nhớ thi đỗ khoa Công nghệ Điện tử và Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) trước sự ngạc nhiên của bố mẹ, bạn bè. Hiện em là kỹ sư điện tử với mức thu nhập đáng mơ ước.

Theo cô Nguyễn Thị Nga, người thầy nào cũng mong muốn được dạy học sinh ngoan, học giỏi. Thế nhưng, thực tế, ở môi trường GDTX thì 1/3 học sinh trong lớp có cá tính đặc biệt. Chỉ dùng tình yêu thương, bao dung, sự kiên nhẫn... mới giúp học trò ngỗ nghịch trở thành công dân có ích.

Bên cạnh “rèn người”, là giáo viên Vật lý, cô Nga cũng tổ chức nhiều sân chơi gắn kiến thức môn học vừa kích thích sự hứng thú và phát huy năng lực của học sinh, nhất là hoạt động STEM. Qua đó, các em được tự do sáng tạo dựa trên kiến thức đã học, biết tổ chức nhóm, trình bày sản phẩm của mình trước đám đông…

Là giáo viên nhiều năm đảm nhận những lớp “đặc biệt” của Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh), cô Bùi Thị Minh Hương nhận thấy, với học sinh cá tính mạnh không nên quản lý chung chung mà phải tìm ra nguyên nhân để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. Trước hết, để giáo dục học trò, phải hiểu từ hoàn cảnh, đến tâm sinh lý, điểm mạnh, yếu… của học sinh để có giải pháp giáo dục phù hợp từng em.

“Không thể chỉ đánh giá năng lực học sinh dựa trên kết quả các môn văn hóa. Những học sinh ‘cá biệt’ có thể không giỏi Toán, Văn, ngoại ngữ... nhưng lại có năng khiếu về thể thao hoặc kỹ năng khác. Dạy những lớp này, tôi thường cố gắng tạo sân chơi để các em khám phá khả năng, biết sử dụng năng lượng vào đâu… Bản thân tôi thấy hữu dụng khi có thể lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp; đó cũng là mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 hướng đến”, cô Hương lý giải.

Từ thực tiễn đó, nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, những lớp do cô Hương đảm trách, số học sinh cá tính mạnh trong lớp có tỷ lệ đạt hạnh kiểm loại tốt, khá cao hơn nhiều. Nhiều em còn đỗ vào trường đại học, cao đẳng với điểm số từ 23 điểm trở lên.

Tôi nghĩ không riêng gì GDTX mà ở môi trường giáo dục nào cũng cần đặt yếu tố “rèn người rồi mới luyện chữ” lên hàng đầu. Muốn làm được điều đó, trước hết, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, trong đó có vai trò của giáo viên chủ nhiệm - họ sẽ là người truyền lửa, khai phá năng lực mỗi học sinh… - Ông Lê Anh Đức (Giám đốc Trung tâm GDNN&GDTX huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ