Trường học hạnh phúc hôm nay: Định vị giá trị cốt lõi

GD&TĐ - Làm thế nào để có trường học hạnh phúc, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới giáo dục?

TS Nguyễn Văn Hòa cùng giáo viên, học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NTCC
TS Nguyễn Văn Hòa cùng giáo viên, học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NTCC

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia gợi mở nhằm mang đến những yêu thương, an toàn và tôn trọng trong nhà trường.

“Cởi trói” cho học trò

Từ thực tiễn, ThS Bùi Thị Ngọc Lan – Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, xây dựng trường, lớp học hạnh phúc không dễ chút nào nếu không xuất phát từ những trải nghiệm thay đổi của thực tiễn. Gốc rễ của việc xây dựng lớp, trường học hạnh phúc chính là yêu thương. Mọi ứng xử của các thành viên trong lớp học đều xuất phát từ trái tim thì sẽ nhận hạnh phúc.

“Trường học hạnh phúc là nơi an trú, sân chơi sáng tạo, tình thân gia đình ấm áp và là thanh xuân rực rỡ của học sinh. Ở đó, các em sẽ thụ hưởng những quyền lợi và nhận thức được trách nhiệm của bản thân, chủ động sống tích cực, tự khẳng định mình và ước mơ”, ThS Bùi Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Nhấn mạnh, trường học hạnh phúc không phải là khái niệm, mô hình, TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) hàm ý cách thức vận hành trường học để thực hiện được mục tiêu giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh.

Nhớ lại những năm đầu mới thành lập trường, TS Nguyễn Văn Hòa luôn giữ triết lý và mục tiêu giáo dục để đào tạo nên những học trò xuất sắc, tài năng và trở thành nhân tài của xã hội. Bên cạnh đó, dù làm hiệu trưởng trường dân lập nhưng thầy Hòa xây dựng phương hướng quản lý, phong cách theo hướng trường công lập. Định hướng này xuất phát từ việc phụ huynh tin tưởng vào chất lượng trường công lập nhiều hơn.

“Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, nhiều vấn đề nảy sinh khiến ‘tư tưởng đào tạo nhân tài’ vỡ vụn: Học sinh quậy phá, không chịu học hành, gây rối. Giáo viên bị xúc phạm, tìm hiệu trưởng để ‘kiện’. Nhiều giáo viên không chịu được áp lực và xin nghỉ việc. Phụ huynh khi thấy con không tiến bộ cũng tìm hiệu trưởng… Thời điểm đó, suốt ngày tôi đi ‘xử kiện’. Nhiều lúc nghĩ: Đời hiệu trưởng sao mà khổ thế!”, TS Nguyễn Văn Hòa trải lòng.

Nhận thấy nhiều vấn đề trong cách vận hành và quản lý trường học, TS Nguyễn Văn Hòa quyết định thay đổi nhà trường và chính mình. “Tôi nghĩ đến việc phải “cởi trói” cho học trò bằng cách giảm bớt những quy chế, quy định trong nhà trường”, TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Cô Bùi Thị Ngọc Lan tham gia Hội giảng Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh: NVCC

Cô Bùi Thị Ngọc Lan tham gia Hội giảng Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh: NVCC

Hành trình hạnh phúc

Không ít người tin rằng, càng đặt ra nhiều quy định càng dễ quản lý học sinh. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, TS Nguyễn Văn Hòa nhận thấy, nhà trường đưa ra nhiều quy định, học sinh càng tìm cách phá vỡ, vì các em đang trong độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm. Để làm được điều ấy, TS Hòa thuyết phục giáo viên và chính mình phải yêu thương học trò, không áp dụng những kỷ luật hà khắc khi học sinh làm sai hoặc bị điểm kém.

Giáo viên không nên đặt nặng thành tích, chạy theo điểm số và luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ trong lớp học. “Tôi khuyên các thầy, cô đừng dùng ‘con mắt điểm số’ để nhìn học trò; đặc biệt với học sinh trường tư thục vì có em không đủ điểm vào trường công lập mới vào trường này”, TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ và cho rằng, chạy theo thành tích sẽ khiến học sinh mất đi sự độc lập, tự tin và trở thành người “chỉ biết thực hành” theo yêu cầu, không phải là người sáng tạo.

Ngoài câu chuyện về hành trình “cởi trói” cho không chỉ học trò mà cả với giáo viên, TS Nguyễn Văn Hòa cũng nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh và bản chất đích thực của nhà giáo. Đó là trở thành nhà giáo dục, đồng thời là nhà tâm lý. Các thầy cô cần nâng cao hiểu biết về tâm lý học để có thể hiểu, yêu chính mình và sống hài hòa. Đến lúc đó, thầy, cô, học trò, gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc không mới, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định vì cho rằng, cách đây 45 năm, GS.TS Hồ Ngọc Đại đã đề cập đến với mô hình trường thực nghiệm. Ngày ấy, nhiều người cho rằng đây là điều không tưởng. Thế nhưng ngày nay trường học hạnh phúc được quan tâm và triển khai ở nhiều nơi. Trường học hạnh phúc mang đến niềm vui cho học sinh, cán bộ, giáo viên; từ đó thúc đẩy phát triển giáo dục mạnh mẽ hơn.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, sự hiểu biết một cách hệ thống, toàn diện các thành tố tạo ra trường hạnh phúc là vấn đề được nhà giáo dục, quản lý, phụ huynh, học sinh quan tâm. Vì vậy, mỗi trường có điểm khác nhau, song vẫn có “mẫu số chung”. Bởi vậy, xây dựng chương trình giáo dục hướng đến trường học hạnh phúc tại Việt Nam một cách khoa học, hiện đại và được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới là vấn đề cần được ưu tiên.

Đó là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng nhà trường hạnh phúc mà ở đó luôn tràn ngập yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập, nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, tâm thần, phát huy trí tuệ mỗi nhà trường và thầy - trò.

Một lớp học của quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Một lớp học của quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Những giá trị cốt lõi

Kỷ nguyên số, sáng tạo buộc con người phải vượt ra khỏi khuôn khổ và áp lực của nền giáo dục giáo điều để phát huy tiềm năng của người dạy và học. GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ quan điểm và nhìn nhận, chính sự thay đổi này đòi hỏi nhà quản lý giáo dục cần xây dựng chiến lược, mục tiêu giáo dục. Từ đó, cung cấp cho người học tư duy, kiến thức, kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.

Do đó, cần xây dựng trường học hạnh phúc để mỗi thành viên nhà trường đều giữ vai trò chủ chốt. Trong bối cảnh đổi mới, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cần thực hiện tốt trách nhiệm cá nhân, đồng thời thay đổi tư duy tích cực để phù hợp, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, một trong những trách nhiệm của giáo viên khi xây dựng trường học hạnh phúc là phải hiểu biết sư phạm hiện đại, nắm bắt tâm lý học sinh thời đại 4.0. Giáo viên tích cực tự học để cập nhật và thay đổi tư duy, thái độ, hành động của mình trong tương tác giữa thầy với trò và với đồng nghiệp.

Trong bối cảnh mới, giáo viên cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình, thay đổi để có tâm thế vững vàng, giữ vững vị thế người thầy, phù hợp và thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về phía học sinh, trách nhiệm của các em trong xây dựng trường học hạnh phúc là tập trung vào mục tiêu hình thành, phát triển năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực.

Học sinh là trung tâm của quá trình dạy học và giáo dục. Mang lại hạnh phúc cho các em là mục tiêu lớn nhất trong xây dựng trường học hạnh phúc. Làm thế nào để học sinh nhận biết, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là trách nhiệm của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên nhà trường.

Quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm của các bên liên quan xoay quanh trục tiêu điểm làm cho học sinh hạnh phúc. Điều này chỉ có nếu chúng ta quyết tâm đổi thay và thay đổi từng chút một, hướng đến yêu thương, chăm sóc, giáo dục bằng sự tôn trọng, hết lòng…

Nhấn mạnh, trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, với định hướng là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM phân tích, về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi các em đến trường như là về nhà.

Ngoài ra, cần tôn trọng sự khác biệt bởi điều đó mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung. Yêu thương là cốt lõi của giáo dục và cảm hóa học sinh. Yêu thương bắt nguồn từ thái độ lắng nghe, thấu cảm và phản hồi tích cực.

Hiện, giáo viên, học sinh và các cơ sở giáo dục chịu nhiều áp lực, nhất là trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội. Theo đó, mỗi hành vi của thầy, cô giáo dù sơ suất nhỏ cũng trở thành “cơn bão” trên mạng xã hội. Điều này khiến giáo viên e dè, không dám hoặc không được bộc lộ cảm xúc thực sự.

Do vậy, từ năm 2018, xây dựng trường học hạnh phúc đã được Bộ GD&ĐT khởi động với 3 tiêu chí cốt lõi: Yêu thương, an toàn, tôn trọng, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tại Tọa đàm Trường học hạnh phúc - Happy Lof Schools tại Việt Nam.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT tôn trọng sự đa dạng, khác biệt trong xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi cần được thống nhất để tránh biến tướng không phù hợp với mục tiêu của trường học hạnh phúc. Ngoài ra, xây dựng trường học hạnh phúc phải là nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường chứ không phải hoạt động mang tính phong trào, nhất thời hay áp tiêu chí thi đua. Các nhà trường khi triển khai cần tránh lợi dụng, thương mại hóa.

Nếu chúng ta biến nó thành phong trào rộng khắp trên cả nước và thành một tiêu chí thi đua thì vô hình trung lại tạo áp lực cho nhà trường, giáo viên. Tuy nhiên, muốn xây dựng trường học hạnh phúc thành nhu cầu tự thân, thì cần nội dung, cách đi cụ thể và tôn trọng sự khác biệt của từng đối tượng. Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có động thái quản lý phù hợp.

Sau tất cả, học tập chỉ là một trong những năng lực của con người và không học sinh nào yếu kém. Bên cạnh đó, thầy cũng đặt ra mục tiêu giáo dục sẽ vì sự tiến bộ phát triển của học trò thay vì đạt được điểm số và thành tích cao. - TS Nguyễn Văn Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.