Để xóa khoảng cách về chất lượng, ngành Giáo dục Hà Nội đẩy mạnh phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025.
Nâng cao chất lượng dạy học
Mặc dù nhận được sự quan tâm về mọi mặt của thành phố Hà Nội, đầu tư lớn về cơ sở vật chất cho giáo dục, song huyện Sóc Sơn vẫn gặp một số khó khăn trong công tác giáo dục cũng như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Trần Văn Sa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn) cho biết: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cơ bản bảo đảm phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học. Giáo viên được bố trí dạy đúng, đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh/lớp còn cao (39 học sinh/lớp); cơ sở vật chất xuống cấp nhưng chưa có nhiều kinh phí để cải tạo. Nhà trường vẫn thiếu nhân viên thư viện, thiết bị, công nghệ thông tin, phải bố trí giáo viên Tin học hướng dẫn công nghệ thông tin cho giáo viên trong trường.
Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo thấp (chưa đến 50%), số giáo viên lớn tuổi cao (trên 60%) khiến việc ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Trước những khó khăn kể trên, nhà trường đề xuất tuyển đủ biên chế giáo viên, có kế hoạch sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị đồ dùng. Trường cũng đề xuất phòng GD&ĐT tổ chức các chuyên đề, tập huấn về đổi mới nội dung, Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, nhà trường mong muốn được chia sẻ, giao lưu với đơn vị bạn.
Nắm bắt được nhu cầu giao lưu, trao đổi, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025. Phong trào nhằm vận động các nhà trường, nhà giáo ở nơi thuận lợi hỗ trợ trường, đồng nghiệp và học sinh ở địa bàn còn khó khăn; qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.
Hưởng ứng phong trào, phòng GD&ĐT và nhiều trường học trên địa bàn quận Đống Đa xây dựng kế hoạch kết nối với huyện Sóc Sơn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Bởi thực tế cho thấy, không phải trường học ở khu vực thuận lợi thì không có khó khăn và ngược lại nhiều trường ở địa bàn khó khăn lại có sáng kiến, mô hình hay có thể nhân rộng.
Bà Trịnh Đan Ly - Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa cho biết, với phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”, các trường học quận Đống Đa đều hưởng ứng nhiệt tình với mong muốn được giao lưu, trao đổi, học hỏi thêm nhiều mô hình hay của giáo dục huyện Sóc Sơn. Đồng thời mong muốn lĩnh vực giáo dục sẽ là “cầu nối” mở ra mối quan hệ hợp tác ở nhiều nội dung khác giữa hai đơn vị.
Lãnh đạo các phòng GD&ĐT cam kết đẩy mạnh phong trào. Ảnh: Lan Anh |
Hiệu quả ngoài mong đợi
Triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”, thời gian qua, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn dạy và học trong nhà trường; thực hiện một số chuyên đề nâng cao chất lượng chuyên môn theo từng cấp học.
Có thể kể đến hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng, nhất là việc ôn tập thi vào lớp 10 THPT. Buổi trao đổi thu hút nhiều lãnh đạo, chuyên viên hai phòng GD&ĐT và hàng trăm thầy cô giáo của các trường quận Đống Đa và huyện Sóc Sơn tham dự. 3 chuyên đề tương ứng với 3 bộ môn học sinh sẽ dự thi vào lớp 10 THPT là Toán, Văn, Tiếng Anh được bàn thảo.
Là người trực tiếp tham gia vào hoạt động này, cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) cho hay, chương trình chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 THPT do quận Đống Đa thực hiện tại huyện Sóc Sơn mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, các thầy cô giáo của quận Đống Đa đã chia sẻ kinh nghiệm ôn thi và giáo viên huyện Sóc Sơn nói về những khó khăn thường gặp. Chương trình là một hình thức sinh hoạt chuyên môn sâu, giúp các trường gắn kết, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa quận và huyện.
Cô Hạnh cho biết thêm, thời gian tới, nhà trường tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh về giảng dạy các môn học trong Chương trình phổ thông 2018. Đặc biệt, trong chương trình giáo dục địa phương, học sinh huyện Sóc Sơn có thể tìm hiểu về Gò Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; còn học sinh quận Đống Đa có thể tham quan trải nghiệm di tích đền Gióng.
Chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà trường là hoạt động ý nghĩa. Qua buổi giao lưu, chia sẻ phát huy được tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học của các trường trên toàn huyện.
Chia sẻ thông tin, cô Hồ Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) đồng thời cho rằng: Buổi thảo luận tìm ra giải pháp phát huy hiệu quả giúp học sinh có kết quả tốt hơn trong kỳ thi vào lớp 10. Đặc biệt, đây là cơ hội tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa hai nhà trường, hai phòng giáo dục. Các thầy cô có dịp làm quen, trao đổi những khó khăn, học hỏi, sẻ chia kinh nghiệm về chuyên môn, cách quản lý, giảng dạy trong nhà trường.
Chia sẻ về kế hoạch giao lưu, kết nghĩa của ngành GD-ĐT Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kỳ vọng, với sự chuẩn bị bài bản, thống nhất, kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ ở toàn thành phố và phát triển thành phong trào sâu rộng, có đánh giá, sơ kết, tổng kết. Qua đó giúp giáo dục Hà Nội, trong đó có giáo dục ngoại thành thêm cơ hội để phát triển thực chất, toàn diện hơn trong thời gian tới.