Ôn thi giai đoạn nước rút: Trường giúp trường, trò giúp trò

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Ở giai đoạn nước rút, mỗi địa phương, nhà trường đều phát huy kinh nghiệm riêng trong triển khai công tác ôn tập để bảo đảm tối đa chất lượng, hiệu quả.

Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) phát huy mô hình “trò giúp trò” trong ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NTCC
Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) phát huy mô hình “trò giúp trò” trong ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NTCC

Phát huy ưu thế, kinh nghiệm

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT) Lào Cai cho biết: Năm học này, Lào Cai sắp xếp 13 cặp trường THPT giúp nhau ôn thi tốt nghiệp THPT. Các trường “tốp trên” sẽ hỗ trợ về công tác quản lý chương trình lớp 12, ôn tập; trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; giúp đỡ về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học... Hoạt động kéo dài từ học kỳ I, đến hết học kỳ II và tập trung ở giai đoạn ôn thi nước rút.

Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) được phân công giúp đỡ Trường THPT Si Ma Cai 1 (Si Ma Cai, Lào Cai). Theo cô Nguyễn Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, học kỳ I, trường đã tổ chức hội thảo chuyên môn. Học kỳ II tiếp tục hỗ trợ nội dung, phương pháp ôn tập để nâng cao chất lượng.

Hoạt động “trò giúp trò” tại Trường THPT số 1 Bắc Hà cũng được thực hiện từ đầu năm học. Giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp (dựa trên bài kiểm tra khảo sát, kết quả học tập những năm trước). Cùng đó “nhặt” ra những học sinh học tốt nhất các môn thi tốt nghiệp và cử kèm bạn học yếu kém.

Theo cô Lâm Thị Oanh, với lứa tuổi học sinh, các em tiếp nhận kiến thức từ bạn bè đôi khi hiệu quả hơn thầy cô. Học với bạn sẽ ý thức và chăm chỉ hơn. Thậm chí, tâm lý “thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”, càng khiến các em biết ngại để nỗ lực học tập.

Cô Lâm Thị Oanh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT số 1 Bắc Hà cho hay: Những học sinh kèm và được kèm bố trí ngồi cạnh nhau trong tất cả giờ ôn tập. Bất kỳ nội dung, vấn đề nào học sinh học kém chưa hiểu đều có thể hỏi bạn kèm mình. Mặt khác, sinh học giỏi còn có thể chữa bài, chỉ ra lỗi sai gặp phải... thay giáo viên.

Em Lê Thị Hải Yến, lớp 12A3 được giao hỗ trợ bạn Lê Đức Toản môn Ngữ văn trao đổi: Chúng em cùng lập dàn ý đề bài cô giao, về nhà bạn sẽ phải tự viết thành bài văn hoàn chỉnh. Em hỗ trợ bạn cả trên lớp lẫn khi ôn tập buổi tối tại phòng ôn chung của trường.

“Sau 1 học kỳ em thấy ý thức học tập của bạn tiến bộ. Toản luôn chủ động hỏi em và cô giáo kiến thức chưa hiểu; không vắng mặt bất kỳ buổi ôn nào. Học kỳ II, bạn đã nhận biết các thể loại văn học; biết cách triển khai đúng và nhanh phần mở bài, thân bài các bài văn dạng đọc hiểu; Nghị luận xã hội; Nghị luận văn học. Phần kết luận biết chia tách ý để phân tích…

Em thấy cách ôn tập “trò giúp trò” hiệu quả, không ảnh hưởng thời gian của mình. Không chỉ bạn học kém hơn được giúp đỡ mà bản thân em mỗi lần hỗ trợ cũng là cách củng cố lại kiến thức cho chình mình”.

Tại Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), mô hình “trò giúp trò” cũng được triển khai trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút. Thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Từ đầu tháng 5, trường mở cửa phòng ôn tập buổi tối để tất cả học sinh có thể đến ôn tập dưới sự hỗ trợ của thầy cô.

Đặc biệt, các buổi ôn tập này, học sinh học lực khá, giỏi được nhà trường tăng cường để hỗ trợ nhóm có sức học yếu hơn ở tất cả môn ôn thi. “Các em đều hào hứng, tinh thần ôn tập thoải mái bởi tất cả cùng được ôn lại kiến thức, thêm vững vàng bước vào kỳ thi…”, thầy Thành chia sẻ.

Học sinh khối 12 Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) ôn tập buổi tối. Ảnh: NTCC
Học sinh  khối 12 Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) ôn tập buổi tối. Ảnh: NTCC

Ôn trọng tâm theo nhóm

Học sinh Trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) thuộc vùng khó khăn, đặc biệt cha mẹ cơ bản làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà, họ hàng. Do thiếu sự quan tâm, quản lý trực tiếp từ bố mẹ nên việc ôn thi tốt nghiệp THPT còn nhiều hạn chế. Cũng vì thiếu sự quan tâm, định hướng từ gia đình nên học sinh nhiều năm nay có xu hướng chỉ học hết lớp 12 rồi đi làm, thiếu ý thức học tập, ôn thi thiếu quyết tâm, nỗ lực.

Với đặc thù này, công tác ôn thi tốt nghiệp được trường đặc biệt chú trọng vào phân loại học sinh theo tổ hợp môn thi và năng lực học tập để ôn tập phù hợp hiệu quả. Thầy Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) cho hay: Ở giai đoạn nước rút, với học sinh yếu kém 80% thời gian của các tiết ôn tập sẽ dành cho phần nhận biết, thông hiểu, 20% còn lại tập trung cho phần vận dụng và vận dụng cao để kiếm điểm trung bình. Cùng đó, thầy cô cho học sinh làm nhiều các bài luyện theo đề mẫu, chữa và chấm chi tiết. Với học sinh có học lực khá, giỏi vẫn ôn “quét” toàn bộ kiến thức cơ bản nhưng thời gian ôn tập chủ yếu dành cho phần vận dụng và vận dụng cao để bài thi có điểm cao.

Thầy Hà cho biết thêm: Trường lọc ra 36 học sinh qua 3 lần thi thử có kết quả bình quân 4 bài thi dưới 20 điểm để tiến hành ôn tập miễn phí vào Chủ nhật hàng tuần. Các thầy cô tham gia ôn tập đều được nhà trường lựa chọn có chuyên môn tốt nhất, kinh nghiệm ôn tập lâu năm… để hỗ trợ học trò.

Tại Trường THPT Đồng Văn (Hà Giang), thầy và trò đã hoàn thành xong chương trình chính khóa, toàn bộ học sinh khối 12 đang bước vào ôn thi tốt nghiệp. Bên cạnh phân chia theo nhóm để ôn tập, trường tiếp tục “lọc” ra 20/158 học sinh có học lực yếu kém để ôn tập nhóm riêng. Giao trách nhiệm, chỉ tiêu cho từng giáo viên bộ môn trong ôn tập.

Thầy Nông Thế Huân, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Ngoài ôn tập buổi sáng, trường tăng cường 1 tuần 3 buổi chiều, mỗi buổi 3 tiết để ôn tập. Dự kiến tuần cuối tháng 5 khi học sinh khối 10, 11 kết thúc năm học, trường sẽ dồn toàn bộ học sinh lớp 12, ưu tiên học sinh học lực yếu kém vào khu bán trú để sinh hoạt, ôn tập trung 3 buổi/ngày, tăng cường giáo viên quản lý ôn tập, hỗ trợ học sinh.

Theo thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), trường chia theo lớp, nhóm để ôn tập. Lớp nào hoàn thành chương trình chính khóa sớm sẽ ôn tập cả ngày, lớp nào chưa hoàn thành sẽ ôn tập vào buổi sáng, học buổi chiều để tránh mệt mỏi. Thậm chí, học sinh yếu kém còn được kèm ôn tập 1 thầy 1 trò...     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.