Trường ĐHSP Hà Nội ứng dụng công nghệ trong bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - Thay vì phải di chuyển hàng trăm km đến từng địa phương để tập huấn trực tiếp thì mỗi giáo viên cốt cán có thể tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và theo dõi tiến trình học tập của hàng nghìn giáo viên cùng một lúc.

Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) ký kết thỏa thuận hợp tác.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) ký kết thỏa thuận hợp tác.

Chiều 5/3, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) ký kết thỏa thuận hợp tác. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự buổi lễ.

Sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021- 2025.

Theo thỏa thuận hợp tác, Viettel Solutions và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ cùng hợp tác triển khai 4 nhóm ứng dụng, giải pháp, bao gồm: Ứng dụng phần mềm trong quản lý và giảng dạy; Giải pháp cho chương trình bồi dưỡng thường xuyên; Triển khai hệ thống học tập điện tử (e-learning) và Triển khai kho học liệu số.

Trong đó, nổi bật là việc triển khai giải pháp hệ thống LMS (Learning Management System) và hạ tầng kết nối để phục vụ cho công tác bồi dưỡng thường xuyên qua mạng cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi giáo viên THPT được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên khoảng 120 tiết học. Hàng năm, cả nước có khoảng 850.000 giáo viên cần được bồi dưỡng thường xuyên; tương đương với 100 triệu tiết học cần được tổ chức. Nếu chỉ triển khai mô hình tập huấn trực tiếp; quá trình bồi dưỡng thường xuyên thường bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, đồng thời tốn kém thời gian, chi phí và nhân lực.

Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thống LMS, thay vì phải di chuyển hàng trăm km đến từng địa phương để tập huấn trực tiếp thì mỗi giáo viên cốt cán có thể tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và theo dõi tiến trình học tập của hàng nghìn giáo viên cùng một lúc. Toàn bộ học liệu đào tạo giáo viên đều được số hóa trên cùng một nền tảng và được các kĩ sư công nghệ thông tin của Viettel vận hành, đảm bảo tính an toàn và bảo mật tuyệt đối. Đặc biệt, với hạ tầng do Viettel làm chủ, toàn bộ các chương trình bồi dưỡng thường xuyên đều được vận hành và triển khai thông suốt với số lượng lớn học viên truy cập đồng thời.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong quản lý hành chính và đào tạo của Nhà trường. Qua đó, ông kì vọng vào sự hợp tác toàn diện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giữa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Viettel Solutions, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trong thời gian qua, Viettel cũng đã triển khai xây dựng Hệ sinh thái các giải pháp thông minh cho ngành Giáo dục. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin tới hơn 25.000 trường trên cả nước để tối ưu công tác quản lý trường học. Phối hợp triển khai tập huấn cho gần 1 triệu giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hỗ trợ 26.000 trường dạy và học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2020. Đồng thời các giải pháp giáo dục của Viettel cũng nhận được những giải thưởng quốc tế uy tín như: Giải Vàng ASEAN ICT Awards 2019, IT World Awards 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.