Bồi dưỡng giáo viên: Bảo đảm “đồng tốc” giữa Bộ; sở GD&ĐT và trường sư phạm

GD&TĐ - Chiều 18/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra thực hiện Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tại Trường ĐHSP Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra thực hiện Chương trình ETEP tại Trường ĐHSP Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra thực hiện Chương trình ETEP tại Trường ĐHSP Hà Nội.

Theo PGS.TS, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được phân công phụ trách bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà của 10 tỉnh/thành phố là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

Đến nay, hầu hết các sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà mô đun 1 năm 2020 (trừ Hà Nội đã bồi dưỡng trực tiếp). Có 9 tỉnh/thành phố đã bồi dưỡng đại trà mô đun 1 cho giáo viên tiểu học dạy lớp 1 qua hệ thống LMS (Hà Nội bồi dưỡng trực tiếp). Một số tỉnh/thành tiến triển xa hơn, như Bắc Ninh đang bồi dưỡng đại trà mô đun 1 và mô đun 2 cho giáo viên các cấp từ tháng 8 đến hết tháng 12/2020; Quảng Ninh đang bồi dưỡng đại trà mô đun 1 và mô đun 2 cho toàn bộ giáo viên phổ thông các cấp từ 15/8/2020-15/1/2021…

Về bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng mô đun 2, mô đun 3 từ 18/10/2020. Hiện Trường đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 2 cho giáo viên phổ thông cốt cán các cấp và mô đun 3 cho giáo viên phổ thông cốt cán cấp THCS, THPT. Mô đun 2 cấp tiểu học, trường bồi dưỡng trực tiếp được 2.194 giáo viên. Mô đun 3 cho giáo viên phổ thông cốt cán cấp tiểu học, trường tổ chức bồi dưỡng trực tiếp vào ngày 25, 26, 27/12. Nhà trường đang tích cực đốc thúc giáo viên phổ thông cốt cán hoàn thành nhiệm vụ online.  

Về phát triển tài liệu, theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, nhà trường đã hoàn thành phát triển tài liệu mô đun 2 (cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục), mô đun 3 (cho giáo viên phổ thông cốt cán) năm 2020. Tài liệu đã được chuyển giao cho Bộ GD&ĐT để triển khai bồi dưỡng trên toàn quốc. Với tài liệu đại trà mô đun 2, nhà trường đã nhận được góp ý của Ngân hàng Thế giới; hiện đang hoàn thiện để có thể chuyển giao cho Bộ đăng tải trên LMS, phục vụ bồi dưỡng đại trà.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Với tài liệu mô đun 5 bồi dưỡng giáo viên phổ thông về “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục”, nhà trường đã xây dựng đề cương và được các bên liên quan góp ý bằng văn bản tại Hội thảo - tập huấn phát triển tài liệu mô đun 5 đến 9 - bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Trường sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện tài liệu đúng tiến độ, góp phần bảo đảm tiến độ của cả chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực của Trường ĐH Sư phạm trong việc triển khai Chương trình ETEP thời gian qua ở cả 3 nhiệm vụ quan trọng là: xây dựng tài liệu; bồi dưỡng, tập huấn; nâng cao năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng, CNTT.

Chia sẻ những nội dung quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc rà soát lại các hồ sơ, minh chứng về công tác quản lý Chương trình ETEP tại nhà trường. Cùng với đó, xây dựng các tài liệu bồi dưỡng cần bảo đảm về chất lượng, không có “sạn”; đồng thời bảo đảm về tiến độ thời gian.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban Quản lý Chương trình ETEP trung ương sớm xây dựng kế hoạch để triển khai Chương trình hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Ban quản lý Chương trình ETEP, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã cùng trao đổi để tổ chức triển khai Chương trình ETEP tốt hơn trong thời gian tới.

Với hoạt động tổ chức bồi dưỡng, Thứ trưởng yêu cầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai Chương trình ETEP với các sở GD&ĐT mà Trường được phân công phụ trách bồi dưỡng giáo viên, có sự tham dự của Bộ GD&ĐT để kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Chỉ khi nào có được sự đồng tốc của cả sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, nhà trường, thì việc triển khai mới hiệu quả; và mối quan hệ giữa nhà trường với các sở GD&ĐT phải là mối quan hệ gắn bó và thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ