(GD&TĐ) - Hội thảo khoa học Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tê-xã hội và hội nhập quốc tế. Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học-Công nghệ Nghệ An; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh; lãnh đạo các trường trung học phổ thông đóng tại Vinh và gần 100 cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Vinh.
Quang cảnh hội thảo |
Hội thảo đã nhận được 27 báo cáo khoa học. Các báo cáo khoa học tham gia hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề: thực trạng giáo dục và đào tạo hiện nay; vì sao phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là gì.
Theo PGS.TS Đinh Xuân Khoa, đổi mới giáo dục đại học phải bắt đầu từ đổi mới mục tiêu đào tạo, đổi mới chương trình, đổi mới tư duy quản lý giáo dục đại học, đổi mới công tác cán bộ. Để thực hiện đổi mới giáo dục đại học, Trường Đại học Vinh đã và đang tập trung vào 10 giải pháp: đổi mới công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng chiến lược phát triển nhà trường; hoàn thiện phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ và đổi mới chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh ngành Sư phạm; đổi mới hình thức đào tạo và phương pháp dạy học; nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; đổi mới công tác kế hoạch và tài chính; nâng cao hoạt động hợp tác quốc tế; làm tốt công tác học sinh, sinh viên; đẩy mạnh hoạt động thanh tra và công tác đảm bảo chất lượng.
Đối với việc đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương phải tập trung vào bốn nhóm vấn đề: bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ quan quản lý giáo dục và các nhà trường, bảo đảm đội ngũ này được nâng cao một cách thực chất về phương pháp tư duy giáo dục, năng lực quản lý giáo dục, quản lý nhà trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bồi dưỡng nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ giáo viên, bảo đảm đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu giảng dạy một cách thực chất chứ không phải chỉ bồi dưỡng để đạt chuẩn đào tạo về mặt bằng cấp; đổi mới hoạt động giáo dục, bảo đảm giáo dục học sinh đạt được các mục tiêu giáo dục của từng cấp học mà Luật Giáo dục 2005 đã quy định; kiên kiên xoá bỏ bệnh thành tích ngày từ các cơ sở giáo dục, phát huy dân chủ trong các cơ quan quản lý giáo dục, trong các cơ sở giáo dục để huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, cá nhân trong đơn vị.
Bên cạnh những ý kiến trên, nhiều ý kiến đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu một số nội dung trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm để tạo điều kiện cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông; đưa vào chương trình khung của các trường sư phạm một thời lượng thích hợp cho việc giảng dạy các học phần về “văn hoá học đường”; thay đổi thời gian học của các cấp học phổ thông: cấp tiểu học chỉ nên học 4 năm (học 2 buổi/ngày), cấp trung học cơ sở nên 3 năm (học 2 buổi/ngày), cấp trung học phổ thông giữ nguyên 3 năm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga hoan nghênh sự quan tâm, suy nghĩ của các đại biểu đối với nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hy vọng các địa phương, các nhà trường, đặc biệt là Trường Đại học Vinh sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này để đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của đất nước, của vùng, của địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập hợp, nghiêm cứu đầy đủ mọi ý kiến đề xuất của các cá nhận, đơn vị đối với Bộ trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Minh Đức