Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế): Uy tín trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tạo lập uy tín vững chắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cấp của 10 tỉnh duyên Hải miền Trung.

Một lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp do Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức.
Một lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp do Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức.

Ngày 17/5, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã tổ chức tổng kết Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP). 

Tới dự có TS Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP, cùng đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, trường ĐH Sư phạm tham gia Chương trình ETEP.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho hay: Từ năm 2017, Trường ĐH Sư phạm (Đại học Huế) là 1 trong 8 trường đại học sư phạm/học viện được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Chương trình ETEP.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tạo lập uy tín vững chắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cấp của 10 tỉnh duyên Hải miền Trung và lan tỏa từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau.

PGS.TS Lê Anh Phương phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS Lê Anh Phương phát biểu tại hội nghị.

Theo PGS.TS Lê Anh Phương, dù có nhiều thách thức nhưng Chương trình ETEP đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nhà trường, trong đó thể hiện rõ nét qua năng lực của nhà trường được phát triển một cách toàn diện, từ đội ngũ giảng viên đến chương trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, nhà trường đã đạt và vượt cam kết khi đánh giá theo bộ chỉ số TEIDI. Về phát triển chương trình đào tạo, nhà trường đã cập nhật, xây dựng mới toàn bộ chương trình đào tạo bậc cử nhân theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Về biên soạn giáo trình cốt lõi, nhà trường đã hoàn thành 18 giáo trình và nhiều giáo trình khác phục vụ giảng dạy và đào tạo. Nhà trường đã xây dựng tài liệu bồi dưỡng mô-đun 4 “Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh ở trường Tiểu học/THCS/THPT” dành cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, mô-đun 7 “Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong trường Tiểu học/THCS/Trung THPT" dành cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Các tài liệu đã được Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)  xây dựng theo đúng các quy trình và đưa vào sử dụng.

Các dại biểu tham dự hội nghị.
Các dại biểu tham dự hội nghị.

Thầy Nguyễn Đức Tuệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) nhận xét, thông qua chương trình, đã tạo ra cộng đồng tự học tập, bồi dưỡng; Xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).

Thời gian qua, chương trình tập huấn, bồi dưỡng, cán bộ giáo viên đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GĐ&ĐT Quảng Nam ghi nhận, một trong những kết quả nổi bật của Chương trình ETEP là tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa trường sư phạm với các sở GD&ĐT và trường phổ thông; trong đó có Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Qua đó nâng cao vai trò của trường sư phạm. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TS Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại hội nghị.
TS Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).

Trong 5 năm tham gia Chương trình ETEP (2017 - 2022), nhà trường đã hoàn thành hầu hết cam kết thỏa thuận thực hiện Chương trình ETEP về tất cả các lĩnh vực phát triển nhà trường như: Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu, phát triển và đổi mới, quan hệ đối ngoại trong nước, quốc tế, môi trường sư phạm và các nguồn lực, hỗ trợ dạy học, hỗ trợ học tập.

Về đánh giá, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã tăng từ 3,56 điểm (năm 2017) lên 5,05 điểm (năm 2021), cao hơn so với thỏa thuận (thỏa thuận là 4,97).

Giám đốc Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh: Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) rất thành công khi tiến hành hỗ trợ 10 Sở GD&ĐT triển khai đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng thời hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ