Trên cơ sở những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chung, Trường ĐH Quy Nhơn xác định lấy đổi mới, nâng cao năng lực đội ngũ viên chức quản lý, giảng viên và chuyên viên làm khâu đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng, uy tín Nhà trường, với mục tiêu trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực định hướng ứng dụng có uy tín cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng của khu vực Đông Nam Á; có vị thế quan trọng về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi học thuật, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế vào năm 2030.
Đội ngũ viên chức quản lý, giảng viên, chuyên viên là nhân tố cốt lõi cho sự phát triển
PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: Sau 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trường ĐH Quy Nhơn có 16 khoa, đào tạo 46 ngành thuộc các khối sư phạm, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - tài chính, kỹ thuật và công nghệ, với quy mô xấp xỉ 13.000 sinh viên chính quy. Trường đang đào tạo 17 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 3 chuyên ngành trình độ tiến sĩ với quy mô hơn 1.000 học viên, nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, Nhà trường còn đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho hàng trăm lưu học sinh Lào thuộc các tỉnh Attapư, Chămpasắc, Salavan và Sekon. Điều đó cho thấy, theo thời gian, Trường ĐH Quy Nhơn lớn mạnh không ngừng, cả về quy mô, lĩnh vực đào tạo lẫn trình độ và chất lượng đào tạo, cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên viên. Hiện nay, nhà trường có 772 viên chức và người lao động; trong đó có 546 giảng viên với 33 GS, PGS; 142 TS; 359 Ths; 140 giảng viên đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.
Bước vào giai đoạn mới với những thách thức và cơ hội mới, Trường ĐH Quy Nhơn đang ra sức quyết tâm phấn đấu vượt qua những khó khăn, trở ngại, tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững để trở thành một trong những trường đại học định hướng ứng dụng nghiên cứu, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trường Đại học Quy Nhơn theo đuổi quan điểm xác định con người là nhân tố quyết định thành công trong công cuộc đổi mới chất lượng đào tạo của Nhà trường; xem chất lượng, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên và chuyên viên là nguồn lực, là nền móng vững chắc đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, thời gian qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã tập trung nguồn lực thực hiện bồi dưỡng, phát triển chất lượng đội ngũ viên chức quản lý, giảng viên, chuyên viên; tạo dựng môi trường giảng dạy, nghiên cứu thuận lợi cho đội ngũ giảng viên và chuyên viên phát triển.
Nâng cao năng lực quản trị đại học khoa/phòng cho đội ngũ cán bộ quản lý
“Một trong những hoạt động trọng tâm mà Trường ĐH Quy Nhơn đang đẩy mạnh thực hiện là nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ viên chức quản lý về hoạt động quản trị trong Nhà trường. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ cấp bách nhằm chuẩn bị tốt điều kiện khi nhà trường tiến tới thực hiện tự chủ đại học hoàn toàn trong thời gian tới” - PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ cho biết.
Bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của Nhà trường trong công tác nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho đội ngũ viên chức quản lý, trong thời gian qua, Trường ĐH Quy Nhơn còn được thụ hưởng Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực – FCB” của Chính phủ Vương quốc Bỉ viện trợ. Mục tiêu chung của Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực – FCB” là đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hỗ trợ Việt Nam trở thành một nước có nền công nghiệp dựa trên tri thức vào năm 2020.
Theo đó, Dự án có mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua tăng cường năng lực quản lý và đổi mới của cá nhân, tổ chức được lựa chọn. Đối với Trường ĐH Quy Nhơn, Dự án có mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức quản lý cấp khoa và tương đương (viện, phòng, trung tâm) về quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Dự án này sẽ tạo thêm nguồn lực, điều kiện thuận lợi giúp Nhà trường chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ chuyên môn tốt để thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới GD-ĐT.
Nói về kết quả các hoạt động triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực – FCB” trong thời gian qua, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ chia sẻ: Trường ĐH Quy Nhơn vinh dự là một trong 18 đơn vị trên cả nước được lựa chọn thụ hưởng Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực – FCB” thông qua Thỏa thuận tài trợ của Cơ quan Phát triển Vương Quốc Bỉ với Trường ĐH Quy Nhơn. Mục tiêu của Thỏa thuận này là nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức quản lý cấp khoa và tương đương trực thuộc Trường ĐH Quy Nhơn về quản lý và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động; góp phần hoàn thành tốt sứ mệnh của nhà trường trong bối cảnh tự chủ đại học.
Tranh thủ nguồn lực từ dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực - FCB”, thời gian qua, Ban quản lý tiểu dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực - FCB” Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp cùng chuyên gia từ vấn đến từ Trường Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh triển khai tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức quản lý, với những nội dung cụ thể như: “Bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức tuyển dụng, sử dụng và đào tạo giảng viên, chuyên viên”, “Bồi dưỡng, nâng cao năng lực xây dựng, phân tích, đánh giá các chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực đại học”, “Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đánh giá hoạt động của đội ngũ giảng viên, chuyên viên”, “Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng thích ứng với sự chuyển biến của chính sách và yêu cầu thực tiễn”.
Cùng với đó là những hoạt động học tập, nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quản trị đại học tại các cơ sở giáo dục đại học: Trường ĐH Sư Phạm TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Fulbright Việt Nam về mô hình tổ chức quản lý các trường đại học; phương thức tổ chức, quản trị các trường đại học; chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp trong điều kiện tự chủ; hệ thống quản lý thông tin, quy trình làm việc, quy chế làm việc, chính sách đãi ngộ đối với giảng viên và chuyên viên; kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học, những khó khăn và giải pháp khi tự chủ; kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng, phát triển và đánh giá nhân sự.
“Những chương trình bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu, học tập này không chỉ nhằm cung cấp cho viên chức quản lý những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của mình, mà còn thực hiện tham mưu xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thực hiện công việc cho từng đơn vị trong Nhà trường. Đây là một trong những phẩm chất, năng lực cần phải có của mỗi một người viên chức quản lý trong trường đại học khi tiến tới thực hiện tự chủ đại học, cũng như trước yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT. Với những sự nỗ lực của Nhà trường, với những kết quả tích cực từ Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực – FCB” mang lại, Trường ĐH Quy Nhơn sẽ có thêm nhiều thuận lợi, cơ hội phát triển, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của mình”, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ bày tỏ.