Trường đại học chuyển học trực tuyến: Sinh viên loay hoay không biết nên ở hay về

GD&TĐ - Do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học có thông báo tạm dừng việc dạy và học trực tiếp tại trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Nhiều sinh viên đã gặp rất nhiều khó khăn khi thuê phòng trọ sau Tết.
Nhiều sinh viên đã gặp rất nhiều khó khăn khi thuê phòng trọ sau Tết.

Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn cho một số sinh viên đang thuê trọ để chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên xa nhà.

Mất tiền cọc vì thời gian học trực tuyến kéo dài

Sau một thời gian khá dài học trực tuyến, khi nghe thông báo trở lại trường học, Lê Quang Hùng - tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân háo hức chuẩn bị từ việc tìm kiếm phòng trọ cũng như các tư trang khác để phục vụ cho việc học tập tại trường của mình.

Sau một thời gian chật vật tìm phòng trọ, em đã tìm được chỗ ở ưng ý với số tiền đặt cọc khá cao, khoảng 5 triệu. Nhưng chỉ sau vài ngày, em lại cảm thấy hụt hẫng trước thông báo tạm hoãn học trực tiếp của trường. Nếu tiếp tục học trực tuyến trong thời gian dài, em có thể về nhà, tiết kiệm hơn ở trên Hà Nội rất nhiều, lại không phải đối mặt với mối lo lây lan dịch bệnh.

Nguyễn Thị Hiền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cảm thấy rắc rối bởi các trường đại học đều thông báo đi học trực tiếp cùng một khoảng thời gian nên sinh viên sẽ phải lên Hà Nội tìm trọ cùng nhau. Và khi sinh viên đã tìm được chỗ trọ và cọc tiền rồi, trường lại thông báo tạm hoãn. Nếu tiếp tục ở lại thì cuộc sống sẽ gặp khó khăn, nhưng không thuê nữa thì mất tiền đặt cọc.

“Em đã chọn việc mất tiền cọc để tiếp tục được ở nhà học trực tuyến vì ở nhà có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, được đảm bảo sức khỏe, không phải xa gia đình, cũng giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi sống trọ xa nhà. Và em cũng mong nhà trường có quyết định dài hơi để sinh viên không phải thay đổi kế hoạch. Sinh viên rất sẵn lòng khi được trở lại trường học nhưng việc trở lại trường cũng cần phải đảm bảo an toàn và thuận tiện cho chúng em”, Hiền chia sẻ.

Còn Trần Anh Dũng, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc, cho biết: Khi nhận thông báo đi học trực tiếp, em đã chật vật lên Hà Nội để tìm phòng trọ. Nhu cầu tăng cao nên việc tìm được nhà trọ ưng ý rất khó. Em phải chấp nhận bỏ ra số tiền cọc lớn cho căn phòng đang ở. Do đã lỡ cọc tiền trọ em sẽ lựa chọn ở lại học online chờ đến khi có thông báo học trực tiếp tại trường. Một số bạn của Dũng chọn giải pháp về quê vì phòng trọ, thiết bị kém, đường truyền chập chờn. Theo Dũng, số tiền sinh viên bỏ ra không nhỏ để đặt cọc nhà trọ rồi lại về quê nên sinh viên mong muốn nhà trường có chiến lược dài hơi hơn.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở lại trường từ ngày 14/2.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở lại trường từ ngày 14/2.

Lo nhiễm chéo trong thời gian thuê trọ

Bày tỏ lo lắng khi ở nhà trọ trong thời gian sắp tới khi các ca F0 không ngừng gia tăng, Nguyễn Thanh Thủy - sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ: Trong dãy trọ có nhiều sinh viên nên việc lây nhiễm chéo dễ xảy ra. Nếu chẳng may mắc Covid-19, một số bạn sinh viên sẽ không có người chăm sóc, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất còn “lạ nước lạ cái” dễ dẫn đến tủi thân, tâm lý tiêu cực.

Với khoảng 95% sinh viên của trường đi ở trọ. Nhiều nhà trọ dùng chung nhà vệ sinh là điều bình thường. Nguyễn Minh Hiền - sinh viên Học viện Tài chính - bày tỏ lo lắng: Nếu sinh viên trở thành F0, và phải cách ly tại nhà, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhà trọ và những người xung quanh.

“Nguy cơ lây chéo tại Hà Nội hiện nay rất lớn. Do vậy, nếu học trực tiếp, em mong nhà trường có những việc làm cụ thể chứ không chỉ chuẩn bị đầy đủ các phương án cho việc sinh viên bị lây nhiễm. Nhà trường cần bố trí chỗ ăn ở cho các sinh viên bị lây nhiễm, như vậy chúng em mới an tâm”, Hiền bộc bạch.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội - cho biết: Trên 300.000 sinh viên quay lại trường học ở Hà Nội. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số sinh viên là F0 tăng cao, một số trường đã có sự lúng túng.

Do đó, với việc đưa sinh viên về Hà Nội học, các nhà trường cần ưu tiên sinh viên năm đầu và năm cuối, phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh như có khu cách ly, có người chăm sóc với đầy đủ cơ sở vật chất.

Các trường phải đưa sinh viên F0 về chăm sóc khi các chủ nhà trọ không tiếp nhận, không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Sinh viên là F0 phải được chăm sóc chu đáo. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để chủ các nhà trọ có sự chia sẻ đối với sinh viên mắc bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.