Trường đại học tăng tốc dạy học

GD&TĐ - Sau gần 10 tháng tạm ngừng đến trường vì dịch Covid-19, các trường đại học ở ĐBSCL đã cho sinh viên trở lại trường. Để bảo đảm tiến độ đào tạo, nhà trường tăng tốc bổ sung kiến thức, kỹ năng cho sinh viên.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trở lại giảng đường. Ảnh minh họa
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trở lại giảng đường. Ảnh minh họa

Không ảnh hưởng tiến độ đào tạo khi có F0

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường ĐH Kiên Giang đón hơn 4.500 sinh viên trở lại trường học tập. Các sinh viên đều háo hức mong chờ kỳ học trực tiếp sau 9 tháng tạm dừng đến trường do dịch Covid-19. Ngày nhập học đầu tiên, các khoa và giảng viên triển khai ngay hoạt động giảng dạy, ổn định lớp học, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau thời gian nghỉ Tết.

Chia sẻ về công tác dạy, học khi sinh viên trở lại trường, TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, cho biết: Để đảm bảo chương trình, tiến độ đào tạo, ban giám hiệu nhà trường thông báo đến các khoa, giảng viên và sinh viên về việc tăng cường kiểm tra, theo dõi và ổn định tình hình dạy, học trực tiếp; Đảm bảo thực hiện tốt thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh.

Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, nếu giảng viên là F0, thực hiện chuyển hình thức giảng dạy của nhóm học phần từ trực tiếp sang trực tuyến. Nếu sinh viên là F0, không đến lớp được, giảng viên phụ trách học phần hướng dẫn tạo điều kiện, cung cấp tài liệu học tập để các em tự nghiên cứu học tập, đảm bảo kịp tiến độ.

Việc tổ chức đánh giá học phần được nhà trường thực hiện theo quy định tổ chức thi, quản lý thi kết thúc học phần hiện hành và kế hoạch tổ chức thi kết thúc học kỳ của trường. Nếu sinh viên là F0, giao trưởng khoa tổ chức đánh giá học phần theo hình thức trực tuyến với đề thi khác với đề thi đã tổ chức trong cùng học phần. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, trường còn thông báo đến giảng viên, sinh viên thường xuyên theo dõi sức khỏe, có diễn biến sức khỏe bất thường, chủ động test Covid-19 và thông tin ngay cho nhà trường để có hướng xử lý.

Thầy, trò Trường ĐH Kiên Giang tập trung dạy, học ngay từ ngày đầu trở lại trường.
Thầy, trò Trường ĐH Kiên Giang tập trung dạy, học ngay từ ngày đầu trở lại trường.

Bước vào giảng đường đại học bằng những tiết học online do dịch bệnh, chính vì thế, mong đợi của Huỳnh Như Ngọc, sinh viên năm nhất ngành Quản lý Tài nguyên - Môi trường (Trường ĐH Kiên Giang) là được đến trường học trực tiếp. Khi nhận thông báo của nhà trường cho phép trở lại sau Tết, Ngọc nôn nao và mong đợi thử sức ở môi trường học tập mới. “Vào lớp gặp bạn bè, thầy cô nhiệt tình em cảm thấy thoải mái và tự tin. Vì chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp, việc di chuyển từ nhà đến trường hơi xa, em chưa quen lắm nên khá mệt nhưng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để học tập hiệu quả”, Ngọc chia sẻ.

Háo hức với môi trường học tập mới, Nguyễn Thị Cẩm Ly, sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Kiên Giang), chia sẻ: “Được đến trường học em rất vui. Em tuân thủ việc tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19, trang bị khẩu trang, xịt khuẩn, tự kiểm tra thân nhiệt để theo dõi sức khỏe bản thân. Em tìm nhà trọ gần trường để tiện di chuyển và tìm cho mình phương pháp học tập phù hợp với môi trường đại học. Hy vọng sắp tới em sẽ được tham gia nhiều hoạt động đoàn thể để giao lưu cùng các bạn”.

Để đảm bảo tiến độ đào tạo, các trường tăng tốc bổ sung kiến thức, kỹ năng cho sinh viên.
Để đảm bảo tiến độ đào tạo, các trường tăng tốc bổ sung kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. 

Không chủ quan, lơ là phòng dịch

Trường ĐH Trà Vinh tổ chức dạy học trực tiếp trong bình thường mới từ ngày 14/2. Toàn trường nhập học trực tiếp với tinh thần không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Nhà trường đã chuẩn bị việc đón sinh viên trở lại học tập trực tiếp từ trước Tết Nguyên đán. Việc thống kê số lượng sinh viên đã tiêm đủ liều vắc-xin cũng như các sinh viên thuộc diện F0 đã khỏi bệnh cũng được nhà trường chú trọng thực hiện.

Từ ngày 9/2, sinh viên ở các tỉnh xa bắt đầu trở lại trường. Lịch học trực tiếp từ ngày 14/2, sinh viên có gần một tuần để ổn định chỗ ở và tự theo dõi sức khỏe trước khi nhập học. Trường chuẩn bị chu đáo ký túc xá, trang thiết bị dạy học, phòng học được kiểm tra và vệ sinh khử khuẩn. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trường ĐH Trà Vinh cùng với thầy cô cũng trên tinh thần sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Ngày 10/2, nhà trường tổ chức đón sinh viên quốc tế trở lại trường. Việc đón sinh viên được chuẩn bị cẩn thận từ khâu đón các em tại cửa khẩu, di chuyển thẳng về ký túc xá, thực hiện đo thân nhiệt, test nhanh sàng lọc cũng như tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày… Sinh viên Chhun Lypor, du học sinh Campuchia đang học năm thứ 3 ngành Y khoa, cho biết: “Em rất vui khi nhà trường đã hỗ trợ các thủ tục để trở lại học trực tiếp và cho xe đón sinh viên tại cửa khẩu giúp chúng em an tâm hơn để chuẩn bị nhập học”.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho hay: “Để phụ huynh lẫn sinh viên bớt đi phần nào những bối rối, lo lắng khi con em trở lại học tập trực tiếp, toàn thể cán bộ, giảng viên trường cùng chung tay chuẩn bị thật chu đáo, gần gũi, nắm bắt và giải quyết thật tốt những khó khăn của các sinh viên và phụ huynh, đặc biệt là tân sinh viên. Tất cả được thực hiện hướng đến các giá trị cốt lõi của nhà trường, đó là Tận tâm - Minh bạch - Sáng tạo - Thân thiện”.

Dù dịch bệnh tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, nhưng Trường ĐH Đồng Tháp từ đầu tháng 9/2021 đã tổ chức hoạt động giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến với tinh thần sôi nổi, tích cực. Theo TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng nhà trường, trước những tác động của dịch Covid-19, Trường ĐH Đồng Tháp đã nhanh chóng thích ứng, kịp thời điều chỉnh các hoạt động để chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến hoặc hình thức kết hợp (trực tiếp kết hợp trực tuyến); Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, tiến độ, chương trình kế hoạch công tác năm học... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.