Trước 5 tuổi, trẻ cần biết tiền đến từ lao động

GD&TĐ - Cô Phan Hồ Điệp – Giảng viên khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ:

Cha mẹ nên để con sáng tạo khi làm việc nhà. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên để con sáng tạo khi làm việc nhà. Ảnh minh họa.

Trước 5 tuổi, bạn nên giúp con hiểu tiền đến từ việc làm việc, lao động. Như vậy, con không chỉ biết tôn trọng sức lao động của chính mình, mà còn biết quý giá những gì mình làm ra để tiết kiệm, quản lý chúng.

Quý trọng sức lao động để tiết kiệm chi tiêu

Làm cha mẹ có muôn vàn phương pháp dạy con từ cách giao tiếp, ứng xử, thái độ sống đến việc làm thế nào để tiêu tiền hợp lý. Con ở mỗi độ tuổi, cha mẹ lại có cách dạy khác nhau về vấn đề làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ. Tuy nhiên, làm thế nào để dạy con cách tôn trọng sức lao động không chỉ của mình mà còn của mọi người cũng là từ khóa khiến nhiều cha mẹ đau đầu.

Theo các chuyên gia, đối với những người yêu thích lao động từ nhỏ, cuộc sống sau này sẽ tốt hơn, trong công việc cũng có thể thành công dễ dàng hơn. Hơn nữa lao động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển tâm sinh lý của trẻ. Qua đó trẻ có thể hình thành thế giới quan, có khả năng tự rút kinh nghiệm, lựa chọn phương pháp làm việc hiệu quả nhất. Thậm chí, khi biết tôn trọng sức lao động của mình, trẻ sẽ tôn trọng cả sức lao động của người khác.

Hiện, nhiều cha mẹ có quan điểm lao động sớm sẽ không tốt, muốn con được vui chơi chứ không phải “bắt làm việc”. Nhưng, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm, cô Phan Hồ Điệp đã chỉ ra rằng: “Trước 5 tuổi, bạn nên giúp con hiểu tiền đến từ việc làm việc, lao động. Như vậy, con không chỉ biết tôn trọng sức lao động của chính mình, mà còn biết quý giá những gì mình làm ra để tiết kiệm, quản lý chúng. Từ đó, khi chi tiêu, trẻ sẽ ưu tiên cho thứ mình CẦN rồi mới đến thứ mình MUỐN. Như vậy, từ việc quý trọng công sức của mình, trẻ có được bài học về cách chi tiêu và tiết kiệm tiền”.

Cô Phan Hồ Điệp cho rằng cha mẹ cần uyển chuyển trong cách dạy con về quý trọng sức lao động, bởi nó không hề dễ dàng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên cũng cần cứng rắn, nghiêm khắc khi cần thiết mới đem lại hiệu quả cao.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để con có thể hiểu được những quy định tưởng như rất đơn giản đó. Cô Điệp gợi ý: “Cha mẹ có thể lên danh sách những việc con sẽ được trả công, ví dụ cho chó mèo ăn, tưới cây, lau xe, đóng hộp đựng đồ chơi… Ý kiến cá nhân mình là không nên trả tiền cho những việc liên quan đến học và đọc. Chỉ nên trả tiền cho những gì liên quan đến LAO ĐỘNG của trẻ. Sau đó, cha mẹ có thể hướng dẫn con cách tiết kiệm số tiền làm ra.

Tôn trọng lao động để trưởng thành hạnh phúc

Cô Phan Hồ Điệp cũng cho rằng, cha mẹ nên tôn trọng ý kiến của con trong việc quyết định tiêu tiền bằng cách thảo luận với con. Cha mẹ hãy bàn bạc và lắng nghe xem tiền trong các lọ sẽ dùng vào mục đích gì, ví dụ tiền chi tiêu sẽ dùng để mua ăn sáng, mua quà sinh nhật, mua đồ chơi, mua sách…“Tiền cho đi” sẽ dùng cho các hoạt động như: Ủng hộ quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang, mua tặng suất ăn cho các bạn mồ côi… Hãy khuyến khích để con tăng nguồn tiền trong khả năng và được sự cho phép như vẽ tranh, làm đồ chơi để bán, cho thuê sách, cho thuê xe đạp trong khu dân cư… Như vậy, con sẽ rất vui khi được tham gia lao động. Những việc này cũng không hề quá sức hay nặng nhọc đối với trẻ.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần hiểu được tính cách của mình mà “giao việc” cho phù hợp, để con hứng thú, thích làm và được khích lệ.

Đồng thời, cần lưu ý rằng, thay vì cấm đoán hay không cho con trẻ tham gia, mẹ có thể giới thiệu và hướng dẫn cho con làm việc nhà phù hợp sức lao động của con. Cha mẹ nên hướng dẫn con làm những việc từ nhỏ đến lớn để con có thể học được và cảm nhận niềm vui khi con hoàn thành công việc. Và điều đó về lâu dài cũng giúp cho con bồi dưỡng tính độc lập cũng như tinh thần trách nhiệm của con.

Bản thân trẻ con luôn mong muốn được tham gia vào việc nhà cùng cha mẹ vì trẻ đang muốn làm được như người lớn, muốn được khẳng định bản thân, nếu cha mẹ tin tưởng cho con làm con sẽ rất vui.

Cô Phan Minh Tâm – Giáo viên Trường Mầm non Thực hành Hoa Hồng (HN) chia sẻ: “Có câu tuổi nhỏ làm việc nhỏ, vì vậy ở mỗi độ tuổi, trẻ hoàn toàn có thể “lao động” phù hợp. Yêu lao động trẻ sẽ biết tôn trọng người lao động, biết giúp đỡ và san sẻ công việc với những người xung quanh. Chỉ đơn giản như hành động vứt rác bừa bãi vì nghĩ rằng sẽ có bác lao công đi quét cũng chính là chưa biết tôn trọng sức lao động của mọi người. Lúc này, cha mẹ có thể nhắc nhẹ con, phân tích cho con hiểu trẻ không chỉ làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung mà còn khiến bác lao công vất vả hơn. Đây cũng là hình thức dạy con có tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ”.

Cô Tâm cũng cho biết thêm, cha mẹ không cần quá “to tát” chuyện cần tôn trọng sức lao động như thế nào, mà hãy chỉ cho trẻ những hành động thực tế nhất. Trẻ vốn dĩ rất đơn giản, chỉ cần cho trẻ thấy rằng, hành động nhỏ như dọn đồ chơi, gấp quần áo sẽ khiến cha mẹ bớt đi công việc, như vậy là quý trọng sức lao động của người lớn, từ đó có tấm lòng bao dung, nhân ái hơn.

Thậm chí, những hành động như phân biệt người lao động chân tay, không muốn ngồi gần hay có thái độ chê bai cũng là hành vi không tôn trọng người lao động và sức lao động. Vì vậy, khi đồng hành cùng con, cha mẹ hãy luôn là một tấm gương làm mẫu cho con noi theo. Dạy trẻ đức tính này, trẻ sẽ trưởng thành với rất nhiều ưu điểm khác như lòng nhân hậu, yêu lao động, thích sáng tạo, biết tiết kiệm chi tiêu và đem lại cuộc sống tự chủ, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.