Trung tâm Tâm Việt mắng chửi trẻ tự kỷ: Ưu tiên bảo vệ trẻ em

GD&TĐ - Những ngày qua, báo chí đã đưa hàng loạt những thông tin, hình ảnh về việc giáo viên của Trung tâm Đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt có hành vi ngược đãi học sinh. Nhiều ý kiến bình luận, chia sẻ và lên tiếng về thông tin giáo dục khi dạy trẻ tự kỷ.

Website tamviet.edu.vn của Tâm Việt Group
Website tamviet.edu.vn của Tâm Việt Group

Sự thật trái với quảng cáo

Trung tâm Tâm Việt được đông đảo người dân biết đến là nơi tạo nên kỷ lục gia Diễn viên xiếc tung hứng được nhiều bóng nhất ở Việt Nam - bé Khôi Nguyên.

Nhiều phụ huynh quan tâm đến cơ sở đào tạo này sau những lời mời chào vô cùng hấp dẫn như: "Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia"; "Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì"… với mức thu 0 đồng đến 20 triệu đồng/tháng.

Trên Website tamviet.edu.vn của Tâm Việt Group cũng được quảng cáo khi học tại trung tâm sẽ được học các bộ môn như: Đội chai, tung bóng, thăng bằng trên con lăn, xe đạp 1 bánh, Plank - chống tay tĩnh.... và điều đặc biệt trên Website còn cho rằng chỉ sau một tuần các em đều có những tiến bộ đáng kể.

Sau thời gian đào tạo trên 1 năm tại Tâm Việt nhiều em đã có những biến chuyển đột phá rồi đưa ra một số em có thành tích tốt nhất để quảng bá thương hiệu của mình, nhưng sự thật lại trái với mong đợi.

Ngày 29/10, những hình ảnh phản cảm như cơ sở dạy trẻ có không gian mất vệ sinh, giáo viên có hành vi đe dọa, chửi bới học sinh được đăng tải.

Chia sẻ với báo chí, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc trung tâm Tâm Việt khẳng định “báo chí phản ánh như thế là chính xác”. Phía trung tâm đã xem xét và "đã có biện pháp cụ thể với những trường hợp chúng tôi nhận thấy là khuyết điểm, đã kỷ luật và sửa chữa”.

Đến với Tâm Việt, trẻ tự kỷ sẽ được luyện xiếc với 4 kỹ năng
Đến với Tâm Việt, trẻ tự kỷ sẽ được luyện xiếc với 4 kỹ năng 

Ông Việt cũng thông tin thêm, tất cả giáo trình giảng dạy của ông tại trung tâm đều từ quá trình tự nghiên cứu, dựa trên cơ sở khoa học, nên ông hiểu rất rõ về các loại thần kinh và tự chữa.

Cơ quan chức năng lên tiếng

Liên quan đến thông tin báo chí phản ánh, đại diện Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, lực lượng chức năng đang xác minh, làm rõ sự việc ở trung tâm Tâm Việt.

Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh thông tin, cơ quan chức năng đã đến địa chỉ của Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt tại tầng 3 khu KTX Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.

Hiện trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt không còn ở địa chỉ trên và chuyển sang Đông Anh (Hà Nội). “Chúng tôi đã tiếp nhận vụ việc và đang giao cho Công an thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) xác minh, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh”, ông Lương cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, sau khi xem clip, đơn vị đang khẩn trương xác minh những thông tin ban đầu. Sau đó, cục sẽ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh tổ chức tiến hành thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Được biết, quy trình xử lý gồm liên ngành công an, lao động thương binh xã hội và y tế vào cuộc xác minh, kết luận trên cơ sở chuyên môn để làm rõ các hành vi bạo lực và xâm hại. Nếu đúng sẽ xử lý, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ em. “Trường hợp có dấu hiệu xâm hại, bạo lực rõ ràng và nghiêm trọng, cục sẽ đề nghị đóng cửa hoạt động của trung tâm”, ông Nam nhấn mạnh.

GD đặc biệt cần cái tâm

Chia sẻ với GD&TĐ, TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa GD đặc biệt, Trường CĐSP Trung ương cho biết: Hiện nay, có nhiều người can thiệp, GD trẻ đặc biệt theo kiểu hành vi như huấn luyện thú, luyện như robot. Đây gọi là cấp độ thấp của can thiệp. Bản chất của can thiệp chính là giúp con người ta trở về tính người của nó.

GD bằng bạo lực không bao giờ có kết quả tốt. GD bằng cảm xúc sẽ mang lại cho trẻ sự khác biệt. Thành công có thể phục hồi như những trẻ bình thường.

Với phương pháp của Tâm Việt cũng có tư tưởng đúng, đó là khả năng luyện tập. Thông thường trong thuyết tâm lý thì luyện tập sẽ trở thành kỹ năng kỹ xảo thì điều đó có. Tuy nhiên, trong GD đặc biệt yếu tố về con người khác hẳn với lập trình của robot. Đó là yếu tố tính người.

Theo TS TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, trong xã hội đang lạm dụng thuật ngữ “trẻ tự kỷ”. Trong nhóm tự kỷ có một nhóm gọi “Tài năng năng khiếu” hay được người ta nghiên cứu, hỗ trợ… Nếu trẻ tự kỷ được hỗ trợ đúng, có thể thành thiên tài, điều này là có. Tuy nhiên, không phải trẻ tự kỷ nào cũng là thiên tài.

Không phải chúng ta không có chương trình GD đặc biệt mà do sự quản lý, tổ chức còn bỏ ngỏ. Nhiều trung tâm mọc lên tự phát mà thiếu sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng. Là người trong lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt, chúng tôi mong muốn làm sao có hệ thống kiểm soát gắt gao hơn từ trên xuống dưới. GD đặc biệt phải giúp trẻ phải trở về đúng với môi trường tự nhiên, môi trường hòa nhập. Không biết về trẻ, sẽ không thể làm việc được với trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ