Từ clip trẻ tự kỷ bị đe dọa
Theo thông tin phản ánh, ngày 29/10, giáo viên tại trung tâm đào tạo kỷ lục gia Tâm Việt có hành vi không đúng mực với học sinh và cơ sở đào tạo này để học sinh sinh hoạt không sạch sẽ.
Cụ thể, sự việc xảy ra vào tháng 7/2019, khi có một học sinh nữ là trẻ tự kỷ không chịu tập, giáo viên tại trung tâm này đã ném bóng liên tiếp, chỉ tay vào mặt em và hét lên: “Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé’.
Ngoài ra thông tin phản ánh cũng cho thấy, phòng tập của các em học sinh tràn ngập mùi khai, hôi do các học sinh đi vệ sinh không được lau dọn kỹ càng.
Ngay sau khi có thông tin, PV đã liên hệ với thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐHTDTT Bắc Ninh - nơi Trung tâm Tâm Việt thuê địa điểm. Thầy Phúc cho biết: Trường Đại học TDTT Bắc Ninh nhận được Giấy đề nghị thuê phòng và sân bãi của Công ty TNHH Tâm Việt giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật (gọi tắt là Công ty Tâm Việt), với mục đích sử dụng là “Nơi lưu trú và tập luyện cho trẻ khuyết tật”.
HS được cô giáo và phụ huynh đưa ra sân tập tại Trung tâm Tâm Việt (cơ sở mới ở Đông Anh) – ảnh Lê Đăng |
Sau khi xem xét mục đích, ý nghĩa nhân văn của hoạt động giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật, nhà trường đã đồng ý cho Công ty Tâm Việt thuê 8 phòng ở, 1 bếp ăn, 1 khu vực tập luyện để Công ty Tâm Việt sử dụng theo mục đích lưu trú và tập luyện thể thao cho trẻ khuyết tật, thời gian sử dụng bắt đầu từ 1/5/2019.
Tuy nhiên, sau thời gian Công ty Tâm Việt hoạt động tại trường, nhà trường có kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất đã cho thuê vào mục đích sử dụng khác. Vì vậy ngày 1/6/2019, nhà trường đã có thông báo đề nghị chấm dứt hợp đồng thuê cơ sở vật chất đối với Công ty Tâm Việt, thời gian chấm dứt từ ngày 1/9/2019.
Đến ngày 30/9/2019, Công ty Tâm Việt đã thực hiện bàn giao lại cơ sở vật chất cho nhà trường và chấm dứt mọi hoạt động tại địa điểm này.
Đã kỷ luật giáo viên có hành động không đúng mực
Ông Phan Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Tâm Việt Group cho biết, hiện Trung tâm đã chuyển đến cơ sở mới ở thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Chia sẻ với PV Báo GD&TĐ về thông tin phản ánh của báo chí, ông Phan Quốc Việt cho biết: “Sự việc báo chí phản ánh là xảy ra từ tháng 6/2019. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi cũng đã tiến hành xin lỗi phụ huynh, kiểm điểm xử lý và kỷ luật nghiêm các trường hợp trên.
Việc bạo hành trẻ là điều không nên, song chuyện xảy ra là ngoài mong muốn. Hiện nay, Trung tâm đã được chuyển đến nơi đào tạo mới với hi vọng sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”.
Theo ông Phan Quốc Việt, giáo dục trẻ đặc biệt có rất nhiều khó khăn, chúng ta cũng nên nhìn ở góc độ đặc biệt. Do các em học sinh tại đây không được bình thường nên hành động của các em nhiều khi giáo viên không thể kiểm soát được hết hành vi của mình.
“Nếu mọi người bỏ ra một ngày đến cùng ở với các em thì mới hiểu được, các em có những hành động không bình thường nên nhiều khi giáo viên không kìm chế được. Có những tình huống bất ngờ khi nửa đêm đang ngủ các em dậy cầm ván đánh vào đầu, sáng dậy thì cởi truồng chạy khắp nơi; nhiều khi mình không thể kiểm soát hết được. Tuy nhiên, khi giáo viên không kìm chế được và có hành động không đúng mực thì phải kỷ luật ngay", ông Việt chia sẻ.
Được biết, Công ty Tâm Việt Group có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Mã số doanh nghiệp 0107396040), đăng ký lần đầu ngày 12 tháng 4 năm 2016 với tên gọi: Công ty TNHH Tâm Việt Giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp.
Hiện trung tâm thường xuyên có hơn 40 HS. Trung tâm tiếp nhận hầu hết trẻ tự kỷ dậy thì. Các gia đình đến gửi con đều mong muốn con sẽ được học trong môi trường tốt. Ông Việt cho biết: “Sau sự việc xảy ra chúng tôi sẽ đặc biệt quan tâm hơn đến đội ngũ GV, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ để hoạt động tốt hơn.
Chia sẻ về vấn đề liên quan đến giáo dục trẻ em bị hạn chế, nhà nghiên cứu GD Nguyễn Quốc Vương (nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm) nêu quan điểm: Những trung tâm liên quan đến đào tạo trẻ em, nhất là trẻ em bị hạn chế, gặp khó trong biểu đạt như trẻ tự kỉ, khuyết tất, trẻ nhỏ chưa có khả năng tự vệ cần phải được rà soát nghiêm ngặt nếu không sẽ có nhiều hậu quả đáng tiếc. Từ dạy đến bạo hành rất chóng vánh.
Ông Nguyễn Huy Cảnh, Bí thư xã Đông Hội cho biết: Khi trung tâm đến hoạt động trên địa bàn, tôi mong muốn công tác quản lý của trung tâm làm sao cho nền nếp, bài bản, sắp xếp, củng cố GV giảng dạy, mời phụ huynh đến để trung tâm hoạt động đúng quy trình. Cần có chương trình cụ thể báo cáo lãnh đạo xã, phường, huyện, phòng TBXH huyện và Hội chữ thập đỏ. Tuy nhiên, vấn đề GD trẻ đặc biệt cần sự quan tâm hơn của Nhà nước.