Sứ mệnh của Reach (Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn) là hàng ngày tìm kiếm những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo nghề và tìm việc làm cho họ, để họ xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp, tiếp nối mục tiêu đóng góp cho cộng đồng, xã hội ngày càng phát triển.
Ngày 9/8/2019 tại Hà Nội, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đã ký Biên bản ghi nhớ với Học Viện Chisholm tại Úc để đào tạo và cấp chứng chỉ nghề quốc tế cho khoảng 50 học viên tại REACH trong năm đầu tiên. Đây là cơ hội để các học viên của trung tâm REACH tiến gần hơn tới chứng chỉ nghề quốc tế.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Giám đốc điều hành REACH ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Chisholm Australia. |
Thỏa thuận được ký kết tại khách sạn Hilton Hà Nội Opera bởi ông Stephen Varty - Giám đốc điều hành của Chisholm, và bà Phạm Thị Thanh Tâm - Giám đốc điều hành của REACH Việt Nam, cùng sự chứng kiến của bà Robyn Mudie - nữ Đại sứ Australia.
Bà Tâm vui mừng cho biết: “Dù con đường đi còn dài, nhưng hướng đi của chúng tôi rất rõ. Và khoảnh khắc chúng tôi chờ đợi từ rất lâu đang xảy ra. Chúng tôi đã luôn hết sức nỗ lực để phát triển các khóa học chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế và cuối cùng thì chúng tôi đã được ghi nhận. Điều đó thật tuyệt vời!”
Cũng trong sự kiện này, bà Robyn Mudie - nữ Đại sứ Australia đã có dịp tiếp xúc với Tiến sĩ Phan Quốc Việt (Thành viên Sáng lập của REACH), cũng là người sáng lập Trung tâm huấn luyện kỹ năng con người Tâm Việt và được thông tin về công nghệ đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia.
Trao đổi với bà Robyn Mudie - nữ Đại sứ Australia, Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ về công nghệ đào tạo mang tính đột phá của Trung tâm huấn luyện kỹ năng con người Tâm Việt. Đó là công nghệ đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia, và hòa nhập tích cực với cộng đồng thông qua các sự kiện nghệ thuật, giao lưu hoặc đào tạo.
Bà Robyn Mudie - nữ Đại sứ Australia trao đổi với Tiến sĩ Phan Quốc Việt. |
Vấn đề trẻ tự kỷ làm đau đầu giới y học thế giới nhiều năm qua, cũng đã có những thể nghiệm điều trị cho trẻ tự kỷ nhưng kết quả không rõ ràng, hoặc không ổn định, nhưng kể từ năm 2014 tới nay, khi Tiến sĩ Phan Quốc Việt tập trung vào công tác dạy và huấn luyện trẻ tự kỷ, ông cùng cộng sự của mình đã phát minh ra một phương pháp mang tính đột phá, đó là công nghệ đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia, và tạo nên một cộng đồng trẻ tự kỷ tự phát triển và huấn luyện, chăm sóc lẫn nhau.
Nữ Đại sứ Australia – bà Robyn Mudie chưa từng nghe nói về điều này – nên bà đã lắng nghe hết sức chăm chú, ngạc nhiên trước kết quả vượt bậc của trẻ tự kỷ sau một thời gian được nuôi dưỡng và huấn luyện trong Trung tâm Tâm Việt. Bà hứa vào một dịp thuận lợi gần nhất, sẽ trực tiếp tới thăm các cháu tự kỷ đang sống, học tập và làm việc tại Trung tâm này.
Được biết, Nguyễn Khôi Nguyên (16 tuổi), Nguyễn Đình Khánh Hưng (7 tuổi) là những trò tự kỷ tại Tâm Việt, được huấn luyện với công nghệ nói trên, đã từng đoạt danh hiệu Kỷ lục gia năm 2017, và cháu Triệu Khánh Su (6 tuổi) cùng với Khánh Hưng đã xuất sắc lọt vào top 5 chương trình “Biệt Tài Tí Hon 2018”. Hiện nay, có hơn 50 cháu tự kỷ và 10 cháu khiếm khuyết trí tuệ đang được chăm sóc và huấn luyện tại Tâm Việt theo công nghệ đặc biệt này.