Mới đây, TS. Phan Quốc Việt cùng những em nhỏ tự kỷ, trong đó có em đoạt danh hiệu kỷ lục gia xuất hiện trong “Diễn đàn Nobel năm 2019”...
GIN-Nobel 2019 với chủ đề “Công nghệ 4.0 trong y tế và giáo dục đại học” diễn ra với chuỗi các sự kiện: Hội nghị quốc tế “Ứng dụng công nghệ trong giải quyết sức khỏe toàn cầu”; Lễ hội thể thao, âm nhạc và chạy bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vì “Thành phố Thông minh, Khỏe mạnh và Sáng tạo”; Diễn đàn Nobel và Diễn đàn khởi nghiệp; cùng các sự kiện bên lề khác.
Diễn đàn GIN – NOBEL 2019 được tổ chức vào ngày 01/6/2019 tại Trường Đại học Y Hà Nội có sự tham gia của GS. Lars Olsen - Chủ tịch Ủy ban xét tặng giải Nobel Y sinh.
Hơn 40 nhà khoa học tên tuổi đến từ Thụy Điển, Anh, Estonia, Úc, Hoa Kỳ và Malaysia, cùng hơn 300 đại biểu từ các trường đại học, bệnh viện, tổ chức khoa học kỹ thuật của Việt Nam tham dự.
Tại diễn đàn này, TS. Phan Quốc Việt đã có bài phát biểu với chủ đề: "Giáo dục hiệp lực - Thành tích cao cho trẻ tự kỷ không dùng thuốc".
Qua quá trình huấn luyện thực chứng tại Trung tâm Tâm Việt nơi ông làm giám đốc, TS. Việt đã trình bày cách nhìn và một phương pháp huấn luyện trẻ tự kỷ hoàn toàn mới.
TS. Việt khẳng định, ông không coi trẻ tự kỷ như một bệnh nhân mà khám phá và phát huy năng lực của từng cá nhân, đồng thời đưa ra cách huấn luyện mới dựa trên nguyên tắc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như kích hoạt ngược hệ nơ-ron thần kinh, thiền rung lắc, sinh học niềm tin,…
Trong khi đa số các trung tâm can thiệp đều với hình thức 1 – 1 thì TS. Việt trọng tâm vào peer coaching – huấn luyện đồng cấp (cho các học sinh tự dạy nhau). Đặc biệt, TS. Việt áp dụng dạy trẻ theo mô hình Maslow ngược, cho trẻ tự tin thể hiện, khẳng định bản thân trước mọi nhu cầu khác.
Điều quan trọng nhất là cần tạo ra một cộng đồng không gian: “Sống còn – giống cộng đồng; sống xuất sắc – cộng đồng xuất sắc”. Đó là nơi trẻ được tự do thể hiện khát vọng mục đích sống, được cùng nhau luyện tập xuất sắc, phát huy giá trị bản thân, mang lại lợi ích cho xã hội.
Dựa trên nền tảng huấn luyện trẻ tự kỷ, phương pháp này có thể mở rộng với các đối tượng khác như điều dưỡng, trẻ mồ côi, người cao tuổi.
Điều mà các gia đình có con mắc tự kỷ thấy bất lực nhất là tương lai mờ mịt của các con. Chính vì vậy, Tâm Việt không chỉ là nơi huấn luyện giúp giảm triệu chứng hành vi tự kỷ mà kết hợp định hướng nghề nghiệp cho các em tự kỷ ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Diễn viên xiếc, diễn giả, trở thành huấn luyện viên đào tạo lứa tự kỷ mới,…
Ngay sau diễn đàn 1 ngày, các học sinh của trung tâm Tâm Việt đã có buổi biểu diễn trước Tượng đài Lý Thái Tổ (HN) và cùng Đoàn đại biểu GIN – NOBEL đi diễu hành quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.
GS. Lars Olsen - Chủ tịch Ủy ban xét tặng giải Nobel Y sinh học chia sẻ: “Đó thực sự là một trải nghiệm đầy xúc động. Các con biểu diễn trên những chiếc xe đạp 1 bánh. Các con cũng đi xe đạp 1 bánh vòng quanh hồ cùng với mọi người trong chương trình... thực sự là 1 kỳ tích. Cảm ơn tất cả các con!”.
GS. TS Phan Toàn Thắng - Đại học Quốc gia Singapore, nhà khoa học hàng đầu Thế giới về tế bào gốc, nhận định: "TS. Việt đã dịch chuyển trẻ tự kỷ từ bị miệt thị, xã hội xa lánh lên được tôn vinh. Từ những đứa bé đáng thương trở thành thần tượng, làm tấm gương khích lệ, tạo động lực cho người bình thường.
Đặc biệt, TS.Việt không dùng bất kỳ một loại thuốc nào, ông chỉ dùng tâm dược để làm lành tâm bệnh. Phương pháp của ông an toàn, đơn giản dễ tiếp cận và triển khai, vui vẻ rất thích hợp với các con trẻ tăng động, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và tính nhân văn cao. Ông đã tạo ra một bước đột phá mang tính cách mạng trong y học phục hồi chức năng".